Đường dẫn truy cập

Các nước giàu bị chỉ trích sau thoả thuận về rủi ro thiên tai của LHQ


Ngành công nghiệp dừa của Philippines chật vật hồi phục sau trận bão Haiyan
Ngành công nghiệp dừa của Philippines chật vật hồi phục sau trận bão Haiyan

Các đại biểu họp ở Nhật Bản đã đồng ý về một khung sườn mới nhằm giảm thiểu thiệt hại về sinh mạng và kinh tế do thiên tai trên khắp thế giới gây ra. Nhưng giới chỉ trích nói các nước giàu đang tránh né trách nhiệm giúp các nước nghèo hơn ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Thông tín viên VOA Henry Ridgwell tường thuật từ địa điểm hội nghị ở Sendai, Nhật Bản.

Một phiên họp khoáng đại có sự tham dự của nhiều phái đoàn từ hơn 180 quốc gia đã kết thúc khuya Thứ tư, với một Thoả thuận Khung về Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai ở Sendai. Đại diện Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai, bà Margareta Wahlstrom loan báo kế hoạch 15 năm:

“Nó đòi hỏi công dân phải tiếp cận được với thông tin về rủi ro và có thể có những chọn lựa về rủi ro. Chúng ta cũng sẽ tập trung vào chất lượng các cơ chế và những sắp xếp, phối hợp cơ chế. Một phần quan trọng về ưu tiên được đặt vào sức đề kháng của mọi người.”

Một điểm then chốt trong thoả thuận là 7 mục tiêu để đo lường tiến bộ về giảm thiểu rủi ro thiên tai. Trong thập niên vừa qua, Liên Hiệp Quốc ước tính 700.000 người đã chết vì thiên tai, với thiệt hại vượt quá 1,3 ngàn tỷ đôla.

Cơn bão Haiyan năm 2013 là một trong những cơn bão nhiệt đới nặng nhất từng được ghi nhận. Nó đã giết hại nhiều ngàn người ở Philippines và khiến hàng triệu người mất nhà cửa. Tại hội nghị ở Sendai, Thượng nghị sĩ Philippine Loren B. Lagarda ủng hộ việc toàn cầu đầu tư nhiều hơn vào việc giảm thiểu rủi ro:

“Tôi tin rằng nếu sự đầu tư này được sử dụng và được thông báo và tạo điều kiện tiếp cận cho đơn vị chính trị nhỏ nhất một cách mau chóng nhất có thể được, thì có lẽ hơn 8 ngàn cái chết, hàng tỷ đôla cần để tái thiết và phục hồi sẽ không cần phải sử dụng như thế này.”

Nhưng chỉ có Nhật Bản là đề nghị cống hiến tiền bạc cho việc giảm thiểu rủi ro, với cam kết 4 tỷ đôla trong 4 năm sắp tới. Đại diện của Tokyo tại hội nghị là Bộ trưởng Eriko Yamatani.

Bộ trưởng Yamatani nói Nhật Bản muốn thúc đẩy việc tinh giản giảm thiểu rủi ro thiên tai để giảm bớt thiệt hại. Và điều đó sẽ dẫn tới việc xoá bỏ nghèo khó. Bà nói việc ấy cũng sẽ bảo vệ cho những người yếu đuối, và nói thêm rằng hội nghị Sendai sẽ đánh dấu một mốc quan trọng hướng tới mục tiêu đó.

Các tổ chức phi chính phủ và các hội từ thiện đã chỉ trích tình trạng thiếu tài trợ từ phía các nước giàu khác, mà nhiều người lập luận rằng đã gây ra việc thải khí carbonic thúc đẩy tình trạng biến đổi khí hậu và các trận bão nhiệt đới mạnh hơn. Ông Harjeet Singh làm việc cho tổ chức từ thiện Action Aid nói:

“Chúng tôi trông đợi thoả thuận đặc biệt này sẽ có một bước nhảy vọt lớn hơn nhiều bởi vì hình thức các thiên tai mà chúng ta phải đối phó, khối lượng kinh nghiệm chúng ta đã sản xinh ra, và những khó khăn mới mà chúng ta thấy về mặt biến đổi khí hậu, về mặt các vụ xung đột, và cách thức chúng ta thực sự nhìn vào sự phát triển bền vững của chúng ta.”

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã mô tả năm nay là cấp thiết cho tương lai của tổ chức.

Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ thảo luận về tài chính để phát triển vào tháng 7 ở Addis Ababa, một nghị trình mới về phát triển toàn cầu vào tháng 9 ở New York và một thoả thuận về biến đổi khí hậu vào tháng 12 ở Paris.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG