Đường dẫn truy cập

Các nhà lập pháp Mỹ hoài nghi về đàm phán hạt nhân với Iran


Thượng nghị sĩ Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viên trả lời các câu hỏi của ký gia sau cuộc họp kín về vấn đề đàm phán hạt nhân với Iran, 10/2/15
Thượng nghị sĩ Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viên trả lời các câu hỏi của ký gia sau cuộc họp kín về vấn đề đàm phán hạt nhân với Iran, 10/2/15

Những thượng nghị sĩ Mỹ của cả hai đảng chính trị lớn đang bày tỏ thái độ ngày càng hoài nghi rằng những cuộc đàm phán quốc tế với Iran sẽ mang lại một thỏa thuận ngăn Tehran chế tạo vũ khí hạt nhân. Theo tường trình của thông tín viên Michael Bowman, những lo ngại này xuất hiện khi Washington và Tehran cho biết sẽ không triển hạn các cuộc đàm phán hạt nhân khởi sự sau một thỏa thuận tạm thời đạt được trong năm 2013.

Một ngày sau khi Tổng thống Barack Obama cho biết đã đến lúc Iran quyết định về chương trình hạt nhân của mình, các thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã có cuộc gặp kín với những quan chức chính quyền không nêu tên về tình trạng của các cuộc đàm phán và về việc Mỹ biết được chính xác khả năng hạt nhân hiện nay của Iran ra sao.

Chủ tịch Ủy ban Bob Corker, một nghị sĩ Đảng Cộng hòa, đưa ra đánh giá ảm đạm:

"Chúng ta giờ thực sự đang trong vị thế quản lý phổ biến vũ khí hạt nhân với Iran"

Thành viên hàng đầu của Đảng Dân chủ trong ủy ban, Thượng nghị sĩ Robert Menendez, nhắc lại mối lo ngại này. Ông lưu ý rằng Mỹ đang hướng tới việc bảo đảm Iran sẽ cần khoảng thời gian một năm "đột phá" để chế tạo vũ khí hạt nhân nếu không đạt được thỏa thuận:

"Thay vì ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân, chúng ta đang quản lý phổ biến vũ khí hạt nhân. Nếu chúng ta bước vào một trật tự thế giới mới, nơi chúng ta sẽ đối phó việc phổ biến vũ khí hạt nhân, nơi mà một quốc gia có thể chỉ còn một năm nữa là có khả năng đột phá trong việc chế tạo vũ khí hạt nhân, thì đó là một thế giới khác biệt và thách thức hơn rất nhiều."

Ông Corker nói rằng ông muốn có một thỏa thuận được đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, ông nhiều lần bày tỏ lo ngại rằng một thỏa thuận có thể không đủ sức hạn chế chương trình hạt nhân trong khi Tehran lại nhận được sự thúc đẩy lớn về kinh tế khi những biện pháp trừng phạt của quốc tế được dỡ bỏ.

"Iran là nước có thể rất gần với việc có vũ khí hạt nhân. Nhưng thêm vào đó, họ sắp có130 tỷ đôla, và nền kinh tế của họ sẽ phát triển. Họ sẽ không còn là một nhà nước bất hảo," ông Corker nói.

Một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa, như Thượng nghị sĩ Marco Rubio, muốn áp đặt thêm những chế tài kinh tế mới đối với Tehran, bất chấp những cảnh báo của chính quyền rằng những biện pháp này sẽ phá hỏng các cuộc đàm phán.

"Tôi tin rằng chúng ta cần phải áp đặt những chế tài có hiệu lực khi những cuộc đàm phán thất bại. Không may là tôi tin rằng đàm phán sẽ thất bại," ông Rubio nói.

Một số nghị sĩ Đảng Dân chủ từ chối bình luận sau khi rời cuộc họp kín, nói rằng họ không thể bình luận về vấn đề cơ mật. Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen chỉ nói rằng quan điểm của bà về các cuộc đàm phán hạt nhân vẫn không đổi và bà cho rằng cơ hội đạt được thỏa thuận là 50-50.

Vòng đàm phán hiện thời sẽ kết thúc vào tháng Sáu, nhưng các nhà thương thuyết đang hướng tới việc lập ra một khuôn khổ cho một thỏa thuận đến trước tháng sau.

VOA Express

XS
SM
MD
LG