Các nhà lãnh đạo Âu châu đồng ý hôm thứ Sáu về việc tăng một tỷ đôla tài trợ cho cuộc chiến chống Ebola ở Tây Phi, vào lúc kết thúc một cuộc họp thượng đỉnh đánh dấu một thỏa thuận chính về biến đổi khí hậu và những chia rẽ về các vấn đề tài chính.
Viện trợ mới của Liên hiệp Âu châu dành cho cuộc phòng chống Ebola – một tỷ euro, tức khoảng 1,27 tỷ đôla – tiêu biểu cho một thắng lợi của Thủ tướng Anh David Cameron, người đã vận động khối này phải có nhiều biện pháp hơn để đáp lại vụ bột phát gây chết người này. Như ông nói với các phóng viên sau đó, ông đã đạt được điều ông muốn tại cuộc họp thượng đỉnh.
Ông Cameron nói: “Khi đối mặt với Ebola, chúng ta đối mặt với một trong các tình trạng cấp bách nhất về y tế công cộng trong một thế hệ. Và tôi đã hết sức quyết tâm rằng Anh Quốc, cùng với các nước khác, sẽ dẫn đầu trong việc đối phó với vấn đề này. Đối phó với việc này vì có một vụ khủng hoảng ồ ạt ở Tây Phi, và chúng ta phải cảm thấy có một nghĩa vụ đạo đức phải trợ giúp. Nhưng cũng là để đối phó với vụ khủng hoảng ấy bởi vì nó đe dọa trực tiếp đến quyền lợi quốc gia và nhân dân chúng ta ở Vương quốc này. Và đó là lý do vì sao chúng ta đã đảm nhận vai trò lãnh đạo như thế này.”
Các nhà lãnh đạo Liên hiệp Âu châu cũng bổ nhiệm một phối hợp viên của EU đặc trách ứng phó với Ebola, giữa nỗi lo ngại ngày càng tăng về tác động của virut này trong khi Mali và New York báo cáo các ca bệnh đầu tiên được xác nhận.
Một điểm nổi bật trong cuộc họp thượng đỉnh hai ngày là một thỏa thuận lịch sử về biến đổi khí hậu. Chủ tịch Liên hiệp Âu châu Herman Van Rompuy ca ngợi thỏa thuận mà các nhà lãnh đạo đạt được sau nhiều giờ thương nghị và bất đồng.
Ông Van Rompuy nói: “Không dễ dàng chút nào – nhưng chúng ta đã đạt được một quyết định công bằng. Nó đưa châu Âu vào một con đường khí hậu và năng lượng đầy tham vọng nhưng không gây tốn kém. Khí hậu là một trong những thách thức to lớn nhất của nhân loại. Chung cuộc thì mục tiêu là sự sống còn. Đó là một thí dụ về chính sách trường kỳ.”
Theo thỏa thuận, các nhà lãnh đạo EU cam kết đến năm 2030 sẽ cắt giảm khí thải nhà kính xuống 40 phần trăm các mức của thập niên 1990. Họ cũng đồng ý về các mục tiêu cắt giảm 27 phần trăm mức tiêu thụ năng lượng và gia tăng phần năng lượng có thể thay thế trong khối hỗn hợp năng lượng toàn bộ. Nhưng các tổ chức môi trường đã bày tỏ sự thất vọng đối với thoả thuận, nhất là bởi vì các mục tiêu về năng lượng thay thế và tiết kiệm năng lượng cho các nước không mang tính bắt buộc.
Hội nghị thượng đỉnh cũng nổi bật về những chia rẽ sâu xa về thể thức khởi động các nền kinh tế trì trệ trong khối euro với 18 thành viên. Thủ tướng Cameron bày tỏ sự bất bình trước một yêu cầu đòi Anh Quốc chi trả thêm 2,7 tỷ đôla cho EU trước ngày 1 tháng 12 vì nền kinh tế Anh đã đạt được thành tích tốt hơn so với các đối tác Âu châu. Ông Cameron nói việc bất ngờ phải chi trả thêm đó hoàn toàn không thể chấp nhận được.