Đường dẫn truy cập

Các nhà lãnh đạo EU bàn về Nga: sau chế tài sẽ là gì?


Từ trái: Thủ tướng Ý Matteo Renzi, Chủ tịch Hội đồng Âu châu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban Âu châu Jean Claude Juncker họp báo sau hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, 18/12/14
Từ trái: Thủ tướng Ý Matteo Renzi, Chủ tịch Hội đồng Âu châu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban Âu châu Jean Claude Juncker họp báo sau hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, 18/12/14

Các biện pháp chế tài Nga mà Hoa Kỳ và châu Âu đã áp dụng trong nhiều tháng vì vụ khủng hoảng Ukraine dường như đã gây ra những thiệt hại. Nhưng liệu các biện pháp đó đã đủ chưa? Đối với người vừa lên đứng đầu Liên hiệp châu Âu, cựu thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, câu trả lời là “chưa.” Ông tin rằng khối 28 thành viên này cần phải thiết lập một sách lược dài hạn để đối phó với Nga. Thông tín viên VOA Lisa Bryant tường thuật từ Paris.

Thật là một dịp hãn hữu khi các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu kết thúc một cuộc họp thượng đỉnh chỉ trong 1 ngày, nhưng đó là điều đã xảy ra hôm thứ năm tuần trước. Các vị nguyên thủ quốc gia đã kết thúc cuộc họp lớn cuối cùng trong năm trước nửa đêm ở Brussels. Một đề tài thảo luận hàng đầu là: vụ giằng co với Nga về Ukraine.

Trước đó trong ngày, EU đã đồng ý siết chặt thêm các biện pháp chế tài đối với Crimea, mà Nga đã sáp nhập hồi tháng 3. Nhưng khối này đang hoãn – tạm thời vào lúc này – tăng thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Moscow.

Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp thượng đỉnh, Thủ tướng Anh David Cameron nói các nhà lãnh đạo EU đồng ý duy trì các biện pháp hiện hữu chống lại Nga:

“Như tôi vẫn thường nói, cánh cửa luôn mở rộng. Nếu Nga thay đổi thái độ, nếu họ để cho dân chúng Ukriane được quyền chọn lựa và dùng quyền tự quyết về tương lai của họ, nêu họ đưa binh sĩ Nga ra khỏi Ukraine và tuân thủ mọi điều khoản trong thoả thuận Minsk, các biện pháp này có thể được bãi bỏ, nhưng cho đến khi nào diễn ra những sự việc đó thì không nên ngưng các biện pháp chế tài.”

Vụ giằng co về Ukraine đã làm bang giao giữa châu Âu và Nga sụt xuống các mức thấp nhất từ nhiều năm nay. Các biện pháp chế tài, cùng với giá dầu tuột dốc, đang gây thiệt hại cho Nga.

Chủ tịch EU Donald Tusk tin rằng đây là thời điểm có một cái nhìn xa hơn khi bàn về quan hệ với Moscow:

“Khi tôi tuyên bố là chúng ta cần một điều gì hơn là các phản ứng cấp thời, ý tôi muốn nói là châu Âu thực sự cần có một sách lược thống nhất đối với Ukraine, nhưng nhất là đối với Nga. Bởi vì… thực ra Nga mới là vấn đề sách lược của chúng ta… Thách thức lớn nhất ngày nay thực ra là đường lối của Nga – không những đối với Ukraine mà cả đối với Liên hiệp châu Âu nữa.”

Nhận định của ông Tusk ở Brussels hôm thứ năm gợi ý về một lập trường mới của châu Âu về cách thức đối phó với Nga. Ông nói EU phải đoàn kết và thực tiễn. Nhưng hình thức của bất kỳ chính sách nào của châu Âu vẫn còn chưa rõ rệt.

Chuyên gia về Nga của trường American Graduate ở Paris, ông Anton Koslov tin rằng ông Tusk muốn EU trở nên một bên đóng vai trò tích cực và độc lập hơn khi đối phó với Nga. Theo ông, cả hai bên có chung các quyền lợi chính trị và kinh tế. Việc tìm ra một mối quan hệ đồng thuận đem lại lợi ích cho cả hai bên:

“Chúng ta sẽ xem đó sẽ là hình thức quan hệ nào. Tôi nghĩ rất khó mà nói về việc định ra một viễn ảnh sách lược, bởi vì mọi sự có thể thay đổi … Xác định đường lối của EU đối với Nga trong 20 năm sắp tới, tôi nghĩ sẽ hơi phức tạp.”

Ông Kadri Liik, thành viên kỳ cựu trong Hội đồng Đối ngoại Âu châu, nói rằng EU và Nga có các quan điểm rất khác về thế giới và trật tự quốc tế:

“Nga thực sự nhìn thế giới về mặt khu vực ảnh hưởng và nghĩ rằng họ có quyền có một khu vực ảnh hưởng riêng – bất kể các nước láng giềng. Và đó không phải là đường lối mà châu Âu đồng ý.”

Nhưng biến một quan điểm của châu Âu về thế giới, và về nước Nga, thành một sách lược Âu châu lại là một vấn đề khác.

EU lâu nay vẫn gặp khó khăn trong việc phác thảo một chính sách đối ngoại chung. Và điều đó sẽ không khác gì hôm nay, khi nói về Nga.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG