Các ngoại trưởng của Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines sẽ có mặt tại Trung Quốc trong tuần này trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết các bộ trưởng sẽ đến Trung Quốc theo lời mời của bộ trưởng ngoại giao nước này, ông Vương Nghị.
Bà Hoa không cho biết thêm chi tiết về chuyến thăm giữa lúc có những lời chỉ trích mà Bắc Kinh phải đối mặt về các hoạt động mới nhất của họ ở vùng Biển Đông có nhiều tranh chấp.
Hôm thứ Ba 30/3, Philippines gửi lời phản đối ngoại giao mới tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila về “sự hiện diện ồ ạt và có tính đe dọa” của khoảng 220 tàu thuyền Trung Quốc ở Biển Đông và yêu cầu họ rút đi.
Vào ngày 7/3, hải quân Philippines chụp ảnh cho thấy những chiếc thuyền, nghi là do lực lượng dân quân biển Trung Quốc điều khiển, đang neo đậu tại bãi đá ngầm Ba Đầu (Whitsun).
Bãi đá này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Ông Vương Nghị sẽ gặp những người đồng cấp Đông Nam Á của mình tại thành phố ven biển Phúc Kiến ở miền đông nam của Trung Quốc.
Theo báo chí địa phương, cuộc gặp có mục đích trấn an các quốc gia về các động thái của Bắc Kinh.
Một chủ đề khác có thể cũng nằm trong chương trình nghị sự là việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), là hiệp định thương mại tự do toàn diện nhất trên thế giới, được 15 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương ký vào tháng 11 năm ngoái sau tám năm đàm phán.
Cho đến nay, mới chỉ có Trung Quốc phê chuẩn hiệp định và đang chờ các nước khác làm điều tương tự.
Hoa Kỳ và các đồng minh của họ như là Nhật Bản đã cảnh báo Trung Quốc về “hành động cưỡng ép và hung hăng” của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương.
Họ đặc biệt nhấn mạnh đến "các hành động gây bất ổn" trong khu vực của lực lượng hải cảnh Trung Quốc và "các tuyên bố chủ quyền phi pháp" xung đột với các nước khác trong vùng biển tranh chấp.
Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei đều tuyên bố chủ quyền về một phần của vùng biển chiến lược, là nơi qua lại của 30% lượng thương mại toàn cầu và là nơi cung cấp 12% nguồn cá trên toàn thế giới, ngoài ra còn có trữ lượng dầu và khí đốt.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ khu vực.
(La Prensa Latina, South China Morning Post)