Tổ chức nhân quyền quốc tế Freedom House nói năm 2014 chứng kiến một sự sa sút toàn diện về các quyền chính trị và dân sự trên khắp thế giới. Tổ chức này kết luận rằng các lý tưởng dân chủ đang lâm vào nguy cơ lớn nhất từ 25 năm nay. Tổ chức xếp Syria vào hạng chót và dẫn chứng tình hình bạo động ở Ukraine. Thông tín viên VOA Sharon Behn nhìn vào hậu quả của tình trạng gia tăng các tập tục phản dân chủ.
Tổ chức nhân quyền quốc tế Freedom House nói rằng năm 2014 được đánh dấu bởi một sự bùng nổ bạo động khủng bố và các chiến thuật tàn bạo, khiến cho năm này trở thành một năm “cực kỳ đen tối.”
Trong bản phúc trình thường niên công bố hôm thứ ba, tổ chức này nêu ra rằng tình trạng sa sút trong các lý tưởng dân chủ lan ra khắp thế giới, với Syria bị cho điểm thấp nhất từ hơn 1 thập niên. Syria đã rơi vào một cuộc nội chiến và bạo lực khủng bố trong nhiều năm.
Tunisia là một trường hợp ngoại lệ và trở thành quốc gia Ả Rập đầu tiên đạt được vị thế “tự do” của tổ chức này trong 4 thập niên.
Ông Arch Puddington, phó chủ tịch về nghiên cứu của Freedom House, nói với đài VOA rằng nguyên nhân đưa đến những sa sút đáng kể nhất về các quyền tự do là chủ nghĩa khủng bố.
Ông nói: “Một trong các diễn biến đáng buồn nhất là tình trạng gia tăng khủng bố. Chúng ta chưa bao giờ thấy trước đây, chưa bao giờ thấy tác động của khủng bố đối với dân chủ lại quan trọng như trong năm 2014.”
Ông Puddington nói các vụ tấn công khủng bố đã dẫn tới tình trạng hàng ngàn người bị bứng ra khỏi nhà cửa của mình, phụ nữ bị bắt cóc hay bị giam giữ như phần thưởng chiến tranh và những vụ thảm sát các khối tôn giáo thiểu số ở châu Phi, Trung Đông và Nam Á.
Tình trạng thiếu quản trị dân chủ, theo Freedom House, đã tạo ra môi trường cho khủng bố phát triển.
Freedom House nói khoảng 2,6 tỷ người, tức là khoảng 1/3 dân số thế giới, sống trong các tình trạng “không được tự do,” phải chịu đựng áp bức chính trị, bạo lực bừa bãi, bạo lực giới tính, nhà nước theo dõi, và các hạn chế đi lại cá nhân, bày tỏ ý kiến và thông tin liên lạc.
Bản phúc trình nêu ra sự can dự của Nga vào tình hình bạo động ở miền đông Ukraine, việc Nga sáp nhập Crimea, và những vụ tấn công vào báo chí như những thí dụ của điều mà tổ chức gọi là thái độ khinh thường của Moscow đối với các tiêu chuẩn dân chủ.
Các thí dụ khác gồm sự kiện Ai Cập đi ngược lại với những tiến bộ dân chủ của Mùa xuân Ả Rập, qua việc trấn át truyền thông, các tổ chức nhân quyền và giới bất đồng chính trị. Thổ Nhĩ Kỳ cũng chứng kiến một chiến dịch hung hãn chống lại chủ nghĩa đa nguyên, cũng như Trung Quốc.
Ông Thomas Hughes, giám đốc điều hành Article 19, một tổ chức nhân quyền của Anh Quốc, nói thêm rằng những thay đổi của Hoa Kỳ và các đồng minh Tây phương khác cũng đã có những hệ quả tiêu cực.
“Chiều hướng khác thực sự đáng lo ngại là tại những nước ở châu Âu và Bắc Mỹ, nơi chúng ta từng thấy những nhà bảo vệ nhân quyền quốc tế truyền thống vững mạnh, vì vụ vi phạm quanh các vấn đề như theo dõi tập thể, vi phạm quanh các vấn đề có liên quan đến nhân quyền, sự kiện này đặt ra một tiền lệ rất tiêu cực.”
Nhuung những người ở cấp quần chúng tại Ukraine, Hong Kong và Brazil đang đứng lên, theo Freedom House và ông Hughes.
Ông Hughes cho rằng công tác mới đây của Liên Hiệp Quốc hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững sẽ giúp các nước về những vấn đề như nhân quyền và tự do phát biểu.
“Không có những tiêu chuẩn đó và không có sự hỗ trợ của xã hội dân sự quần chúng thì ta không thể buộc các chính phủ, các nhà lập pháp và những người môi giới quyền lực khác phải chịu trách nhiệm.”
Sai lầm lớn nhất mà các nền dân chủ có thể mắc phải, theo Freedom House, là chấp nhận đề nghị cho rằng họ bất lực trước những nhà độc tài mà các hành vi doạ nạt tạo thành cơ sở cho trao đổi chính trị. Người dân bình thường, theo tổ chức này, đã chứng tỏ sự sẵn sàng thách thức những nhà cai trị như thế.