Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2015, số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được đăng ký ở Việt Nam đạt mức kỷ lục hơn 23 tỷ đôla, tăng hơn 12,5% so với năm trước.
Các nhà kinh tế đánh giá rằng mức độ thu hút FDI là một trong những chỉ số đo lường sự phát triển kinh tế vì nó thể hiện sự cam kết về dài hạn của các công ty nước ngoài đối với nền kinh tế.
Song chính những nhà kinh tế này cũng cảnh báo việc lệ thuộc quá nhiều vào FDI sẽ có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, và các công ty có vốn đầu tư nước ngoài có thể trở thành lực lượng chi phối nền kinh tế quốc gia, trong khi các công ty trong nước phải trả giá.
Mức tăng FDI ở Việt Nam trong năm qua đạt được chủ yếu nhờ việc các công ty như Samsung của Nam Triều Tiên hay Janakuasa của Malaysia gia tăng đầu tư.
Các doanh nghiệp FDI cũng đóng góp một phần lớn trong xuất nhập khẩu của Việt Nam. Họ đã xuất khẩu 115,1 tỷ đôla, tương đương 71% giá trị xuất khẩu năm 2015 của cả nước, tăng 13,8% so với năm 2014.
Cũng trong 2015, họ nhập khẩu 97,9 tỷ đôla, chiếm 59.2% nhập khẩu của cả nước. Các con số này cho thấy các doanh nghiệp FDI đã đóng góp mức thặng dự thương mại là 17,2 tỷ đôla cho nền kinh tế.
Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước chỉ đóng góp 47,3 tỷ đôla, giảm 3,5% so với năm trước.
Dữ liệu của Hải quan Việt Nam cho thấy từ đầu năm 2015, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước liên tục sụt giảm. Từ tháng 5/2015, giá trị xuất khẩu của khối này liên tục giảm 10% so với cùng kỳ năm 2014. Trong khi đó khu vực FDI vẫn tăng trưởng đều đặn khoảng 20%.
Vai trò chi phối ngày càng tăng của các công ty FDI đang làm các nhà kinh tế lo ngại rằng nền kinh tế sẽ quá lệ thuộc vào FDI, dẫn đến điều có thể là một nghịch lý, đó là làm còi cọc nền kinh tế trong nước. Mặc dù các công ty FDI đã và đang đóng góp to lớn cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong ngắn hạn, song các nhà kinh tế chỉ ra rằng đất nước sẽ trả cái giá lớn hơn về dài hạn vì các nguồn lực bị cạn kiệt.
Nghiên cứu của các Tiến sỹ Trần Thọ Đạt và Tô Trung Thanh của ĐH Kinh tế Hà Nội cho thấy tỷ lệ Tổng Thu nhập Quốc nội (GNI) trên Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) đang giảm đều đặn. Kể từ năm 2006, tỷ lệ GNI/GDP đã giảm từ 97,9% xuống 95,1%.
Hai nhà nghiên cứu ước tính khoảng 8,6 tỷ đôla đã đi ra nước ngoài năm 2013 và tăng lên 9 tỷ đôla năm 2014 và thêm 4,2 tỷ đôla nữa trong nửa đầu năm 2015.
Tiến sỹ Đạt nhận định rằng với mức tăng lượng tiền chuyển ra ngoài nước như vậy, Việt Nam cần điều chỉnh con đường phát triển kinh tế và nên khuyến khích phát triển kinh tế quốc nội thay vì lệ thuộc quá nhiều vào FDI.
Theo Vietnamnet, Cafef.vn.