Đường dẫn truy cập

Các cựu phóng viên nhớ lại ngày kết thúc cuộc chiến Việt Nam


Từ trái: Phóng viên David Halberstam của tờ New York Times, Malcolm Brown (Associated Press) và Neil Sheehan (UPI) trò chuyện bên cạnh một máy bay trực thăng tại Việt Nam. (hình chụp trong những năm 1960).
Từ trái: Phóng viên David Halberstam của tờ New York Times, Malcolm Brown (Associated Press) và Neil Sheehan (UPI) trò chuyện bên cạnh một máy bay trực thăng tại Việt Nam. (hình chụp trong những năm 1960).

Cách đây vài ngày, ông George Lewis ngồi trên sân thượng một khách sạn trông xuống thành phố Hồ Chí Minh nhộn nhịp. 40 năm trước, ông cũng đã trải qua những buổi tối ở khách sạn Caravelle ngay cuối con đường này.

Cùng với các phóng viên nước ngoài hồi thập niên 1970, ông Lewis đã chứng kiến cảnh binh sĩ giao tranh ở phía xa, súng nổ làm sáng rực bầu trời. Là một ký giả làm việc cho hãng tin NBC, ông đã kể cho công chúng Mỹ nghe về những gì đang xảy diễn trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Ông Lewis nói, “TV trở thành nguồn tin chính cho dân chúng, bởi vì họ có thể tận mắt nhìn thấy những gì đang xảy ra.”

Lewis cùng với hàng chục ký giả nay đã về hưu trở lại Việt Nam dự một cuộc hội ngộ 40 năm sau khi cuộc chiến kết thúc ở đây. Thường được liên kết với những hạn chế đối với báo chí, nhưng nay Việt Nam lại trải thảm đỏ đón những người từng là phóng viên chiến tranh.

Chính phủ Cộng sản thường có chủ trương ưu đãi những người nước ngoài tường thuật về cuộc chiến tranh Việt Nam. Các bài tường thuật của họ đã giúp làm suy yếu hậu thuẫn chính trị và công chúng dành cho cuộc chiến cách đây nửa thế kỷ.

Ngày nay, chính những người nước ngoài này lại có thể giúp Việt Nam, nếu như cuộc hội ngộ của họ chứng tỏ rằng người Việt Nam thân thiện tiếp đón những người ‘ngoại cuộc.’ Với mục đích đó, chính phủ Việt Nam đã tổ chức và trang trải chi phí cho phần lớn các sự kiện đánh dấu ngày kết thúc cuộc chiến.

Ông Stewart Dalby, người Anh, làm công tác tường thuật cho báo Financial Times tại Việt Nam từ 1971 đến 1975, nói: “Họ không muốn bị coi là một quốc gia kiểu như đứng ngoài lề. Cũng như mọi người khác, họ quan tâm đến việc làm công tác đối ngoại.”

Ông Lewis, cựu ký giả sinh sống ở Los Angeles, đồng ý rằng Việt Nam muốn có quan hệ tốt với các cựu phóng viên.

“Họ muốn chúng ta quay trở lại và mô tả một hình ảnh tích cực về Việt Nam.”

Một cuộc chiến tranh quan trọng cho các nhà báo

Việt Nam là một cuộc chiến tranh mang tính quyết định cho các ký giả nước ngoài này, nhiều người đã thành danh tại một nước ở Đông Nam Á ít được người Tây phương biết đến vào lúc đó. Peter Arnett đã đoạt một giải Pulitzer nhờ công tác tường thuật; Nick Ut đoạt giải nhiếp ảnh phóng sự; Tim Page để lại một dấu ấn ở thành phố Hồ Chí Minh nhờ góp phần tạo ra một cuộc triển lãm hình ảnh chiến sự vẫn còn được lưu giữ trong Viện bảo tàng di tích chiến tranh.

Tất cả những người vừa kể đều có mặt trong cuộc tái ngộ tuần này của những người tự nhận là “Old Hacks,” các phóng viên kỳ cựu. Các giới chức ở thành phố Hồ Chí Minh đã lên kế hoạch cho phần lớn cuộc hội ngộ các ký giả nước ngoài này, giới thiệu họ với các cựu chiến binh Việt Nam và đưa họ bằng xe buýt đến các địa đạo Củ Chi từng được bộ đội Cộng sản sử dụng trong cuộc chiến tranh.

Trong khi vừa uống rượu vừa gợi lại các kỷ niệm vào đếm thứ tư, một số cựu phóng viên cho biết họ đến Việt Nam mà đã tin rằng Hoa Kỳ không nên đến đó để chiến đấu. Việc tường thuật của họ thời đó đã đánh dấu một bước ngoặt cho báo chí. Các bài tường thuật thách thức báo cáo của quân đội Hoa Kỳ rằng họ đang thắng trong cuộc chiến. Kỹ thuật cải tiến lúc đó giúp các ký giả mô tả cuộc xung đột cho cử tọa trong nước với các hình ảnh chi tiết lộ liễu.

Ông Barry Fox, người Ireland làm việc cho hãng tin ABC nói, “Tôi nghĩ sự kiện họ được xem hình ảnh màu về cuộc chiến tranh, chứ không phải là phim đen trắng nữa, cho thấy nó có thực hơn.”

Nhiều người tham gia cuộc hội ngộ kể lại việc chứng kiến cuộc di tản vào ngày 29 tháng 4 năm 1975, cũng như cuộc tiến chiếm Saigon của cộng sản vào ngày sau đó. Ông Dalby mô tả các quang cảnh quân đội Nam Việt Nam trút bỏ quân phục để khỏi bị bắt vào lúc sắp thất trận. Trẻ em chở của cải hôi được trong những xe ba gác, và ký giả nước ngoài tự hỏi có nên di làm hay không.

Nhiếp ảnh gia Mỹ Matthew Naythons đến vừa kịp chứng kiến chiến tranh kế thúc. Tiếp tục làm công tác tường thuật những vụ xung đột từ Trung Mỹ đến Nam Á, ông Naythons nói ông phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam, nhưng thừa nhận đó là một cuộc phiêu lưu đối với ông.

Ông nói “Làm ký giả chiến trường là một 'bí mật bẩn thỉu'. Quả là một kinh nghiệm ngây ngất. Nếu bạn sống sót”

XS
SM
MD
LG