Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cùng với các nhà ngoại giao Âu châu và Ả Rập họp tại Paris hôm thứ Sáu đang hy vọng tìm ra đủ quan điểm chung để hồi phục các cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine đã bị đình trệ.
Tổng thống Pháp Francois Hollande kêu gọi Israel và người Palestine “hãy can đảm chọn lựa hòa bình,” khi ông khai mạc hội nghị hòa bình.
Ông Hollande nói, “Cuộc thảo luận về các điều kiện cho một thỏa thuận lâu dài giữa người Israel và người Palestine phải cứu xét tới toàn bộ khu vực.”
Ông Hollande nói tiếp rằng các cường quốc phải đóng một vai trò chủ chốt trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình hòa bình, nhưng chung cuộc thì việc giải quyết bất đồng là tùy thuộc hai bên trong cuộc.
Tổng thống Pháp nói: “Những mối đe dọa và các ưu tiên đã thay đổi. Các thay đổi đem lại thêm tính cách khẩn cấp của việc tìm ra một giải pháp cho cuộc xung đột, và sự xáo trộn trong khu vực này tạo ra những nghĩa vụ hòa bình mới.”
Hoa Kỳ đã có phản ứng lạnh nhạt trước nỗ lực của Pháp, bằng chứng là Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đồng ý chỉ tham dự để nghe những ý kiến do Pháp và các nước khác đề xuất. Tuy nhiên, các giới chức cấp cao của Hoa Kỳ nhấn mạnh đến tính cách khẩn cấp của việc cố gắng thúc đẩy mục tiêu về một giải pháp hai quốc gia đã được thương nghị.
Một giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói, “Chúng tôi không có mặt ở đây để đề nghị một nghị trình cụ thể nào. Mặc dầu Hoa Kỳ sẵn sàng đón nhận mọi ý kiến, chúng tôi chưa đưa ra quyết định nào về vai trò, nếu có, của chúng tôi trong sáng kiến sắp tới.”
Bất kể tình trạng bạo động leo thang mới đây giữa Israel và Palestine, và sự kiện các đại diện của hai bên thậm chí còn chưa dự định tham dự việc nối lại các cuộc đàm phán do Pháp đứng ra điều giải nhắm mục đích chấm dứt xung đột, vẫn có một tia hy vọng le lói ở chân trời với việc tuyên thệ nhậm chức hôm thứ Hai của Bộ trưởng Quốc phòng Israel theo chủ trương dân tộc cực đoan, và là người đã tuyên bố ủng hộ một giải pháp hai quốc gia.
Sau một cuộc họp có cả sự tham dự của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon trong ngày hôm thứ Sáu, ông Kerry nói với các phóng viên rằng ông sẽ có thể sẵn sàng chấp nhận việc tổ chức một hội nghị quốc tế vào cuối năm nay với sự tham dự của các đại diện Israel và Palestine, nhưng cảnh báo rằng các cuộc đàm phán mới chỉ đang khởi sự, và một cuộc họp như thế còn lâu mới là điều chắc chắn.
Trong lúc bận rộn dự hết cuộc họp này đến cuộc họp khác, ông Kerry nói, “Chúng ta sẽ chờ xem, chúng ta sẽ có cuộc đối thoại đó, chúng ta phải biết nó sẽ đi đâu, điều gì sẽ xảy ra. Chúng ta vừa mới bắt đầu, hãy bước vào các cuộc đối thoại.”
Ông Kerry không từ bỏ hy vọng đặt vào một thỏa thuận lâu dài nhằm chấm dứt vụ xung đột giữa Israel và Palestine sau khi tiến trình hòa đàm do ông làm trung gian bị đổ vỡ hồi tháng 4 năm 2014. Ông vẫn vững tin vào triển vọng hai quốc gia cho hai dân tộc, sống cạnh nhau trong hòa bình và an ninh, ngay cả trong lúc một số người gọi đó là một “sứ mạng vô hiệu quả” và hai bên chủ chốt có liên quan từ chối không chịu nói chuyện với nhau.
Nỗ lực mới nhất
Sáng kiến do Pháp dẫn đầu, nhắm mục đích góp phần vượt qua tình trạng bế tắc hiện thời, sẽ bao gồm các bộ trưởng và các đại biểu của nhóm gọi là bộ Tứ Trung Đông (gồm Hoa Kỳ, Nga, Liên hiệp châu Âu và Liên Hiệp Quốc) và Liên đoàn Ả Rập.
Trong khi các cuộc đàm phán trực tiếp giữa người Israel và người Palestine dường như có phần chắc sẽ không diễn ra trong nay mai, ông Kerry mới đây đã nói, “cuối cùng, hai bên sẽ phải thương lượng.” Ông nói thêm rằng, “điều chúng ta đang tìm cách thực hiện là góp phần khuyến khích các bên có thể nhìn thấy một con đường đi tới để họ có thể hiểu rằng hòa bình thực sự là một việc có thể thực hiện được.”
Tuy nhiên, các chuyên gia đã cảnh báo rằng cơ may cho một cuộc thảo luận cởi mở thực thụ rất mờ nhạt.
Chuyên gia về khu vực này, ông Natan Sachs thuộc Viện Brookings, nói với đài VOA: “Tôi nghĩ ngày 3 tháng 6 có thể đem lại một điều gì đó về mặt thúc đẩy tiến trình đi tới. Có rất nhiều thiện chí, nhất là giữa các cường quốc – Hoa Kỳ, và nay là Pháp, để thúc đẩy một điều gì đó. Họ có thể làm cho Israel thừa nhận phần nào khái niệm này, nhưng một khai thông quan trọng, một sự tiến bộ lớn trong tiến trình hòa bình thì vẫn còn rất thấp.”
Ông Sachs nêu ra rằng phía Israel bác bỏ ý niệm về một hội nghị quốc tế bởi vì nó được coi là một ý niệm nhắm áp đặt một giải pháp đối với họ.
Người Israel và người Palestine không phó hội
Cuộc họp của các bộ trưởng mà không có sự tham dự của cả Israel lẫn Palestine, có ý định mở đường cho một hội nghị quốc tế để định ra các thông số cho việc thương nghị về một quốc gia Palestine bên cạnh Israel.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Mark Toner tuyên bố trong một cuộc họp báo mới đây rằng, “Chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ các nỗ lực đem lại một giải pháp hai quốc gia. Chúng tôi đã nói chúng tôi ủng hộ các cuộc đàm phán trực tiếp, một cách rõ ràng là như thế, nhưng không phải chỉ để bàn suông, mà chỉ khi nào cả hai bên sẵn sàng đến dự và bàn về những vấn đề thực sự.”
Trong một thông cáo trước đó, Bộ Tứ Trung Đông đã bày tỏ sự quan ngại sâu xa về các xu hướng hiện nay trên thực địa, kể cả những hành vi bạo lực liên tục, và tỷ lệ cao trong những vụ tàn phá các cấu trúc của Palestine.
Thông cáo nói, những sự kiện này “gây nguy cơ một cách nghiêm trọng cho sự khả thi của một giải pháp hai quốc gia.”
Mặt khác, ông Kerry sẽ hội kiến Ngoại trưởng Jean-Marc Ayrault của Pháp để thảo luận những vấn đề trong đó có việc chống lại các phần tử khủng bố Nhà nước Hồi giáo.
Sau Paris, ông Kerry sẽ đến Mông Cổ và Trung Quốc. Ông sẽ gặp các giới chức cấp cao trong chính phủ, chủ trì một cuộc họp với các nhà lãnh đạo trẻ, và dự một lễ hội văn hóa Mông Cổ.
Tại Bắc Kinh, người đứng đầu ngành ngoại giao Hoa Kỳ sẽ thảo luận về một loạt các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu với đối tác phía Trung Quốc, trong vòng thứ 8 của cuộc Đối thoại Kinh tế và Sách lược cấp cao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.