Các cường quốc họp tại Vienna để thảo luận về tương lai chính trị của Syria đang gây áp lực để có một cuộc ngưng bắn tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá này vào ngày 1 tháng 1 sang năm, tiếp theo là một sự chuyển tiếp chính trị và những cuộc bầu cử kế tiếp.
Những cuộc thảo luận tại Vienna bị che phủ phần lớn vì những cuộc tấn công khủng bố tại Paris, và các nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về một nỗ lực thống nhất mới để dẹp tan các phần tử cực đoan Nhà nước Hồi giáo trong vùng.
Tại một cuộc họp báo chung sau những cuộc thảo luận trong ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói “Quyết tâm của chúng tôi trong việc tiêu trừ tai họa khủng bố càng ngày càng lớn mạnh sau sự tàn bạo này.”
Ngoại trưởng Kerry nói Hoa Kỳ và các nước tham dự từ Liên hiệp Châu Âu, Liên hiệp quốc, Liên đoàn Ả Rập và 17 quốc gia khác đều đồng ý về sự cần thiết phải có một tiến trình chính trị toàn diện cho Syria, cùng với việc ngưng bắn. Tiến trình này sẽ gồm đại diện chế độ của tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng như một sự tập họp rộng rãi các tổ chức đối lập.
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius nói vụ đổ máu tại Paris cũng cho thấy sự cần thiết phối hợp các hoạt động chống khủng bố.
Ông Fabius trước khi rời Vienna và chuẩn bị đại diện Tổng thống Francois Hollande tham dự hội nghị thượng đỉnh G-20 của các nguyên thủ quốc gia bắt đầu vào ngày Chủ nhật tại Thổ Nhĩ Kỳ nói “Chúng ta phải nhìn thấy những bước cụ thể nào có thể thực hiện được để củng cố và phối hợp hành động quốc tế chống khủng bố.”
Tổng thống Hollande nói tình hình nghiêm trọng tại Paris khiến ông không thể tham dự các cuộc thảo luận tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Barack Obama và các nhà lãnh đạo các nước khác thuộc các cường quốc kinh tế lớn nhất trên thế giới tiếp tục đến tham dự hội nghị thượng đỉnh, với sự bảo vệ an ninh cao độ.
Nhà nước Hồi giáo đã tuyên bố nhận trách nhiệm trong các cuộc tấn công tại thủ đô Pháp hôm thứ Sáu làm ít nhất 129 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Pháp cho biết tám kẻ khủng bố bị giết và một cuộc truy lùng đang được tiến hành để tìm những kẻ khủng bố khác có thể còn tại đào, và những tòng phạm của chúng.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói có công dân Mỹ trong số những người bị thương tại Paris, nhưng chi tiết hiện chưa được rõ.
Ngoại trưởng Kerry nói có sự đồng thuận là những cuộc tấn công như tại Paris, đánh bom tại Beirut và nhiều vụ đổ máu trong tuần này tại Baghdad là những “hành vi độc ác, kinh tởm, đê tiện không thể chấp nhận được trên hành tinh này.” Ông nói những sự kiện vừa qua chỉ củng cố thêm quyết tâm của các cường quốc giáng trả lại.
Ông Kerry và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã họp riêng trước các cuộc thảo luận nhiều bên về Syria bắt đầu vào ngày thứ Bảy. Các bộ trưởng ngoại giao nói với các phóng viên là họ hoàn toàn đồng ý là sẽ “không dung thứ” các hành động khủng bố.
Hoa Kỳ và các đồng minh đã nỗ lực, trong các cuộc họp tại Vienna, thu ngắn những khác biệt với Iran và Nga, là những nước ủng hộ triệt để Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Hoa Kỳ nói nhà lãnh đạo Syria phải từ chức để có những tiến bộ nhằm chấm dứt cuộc nội chiến Syria.
Khi vòng đàm phán Vienna lần trước kết thúc vào ngày 30 tháng 10, ông Kerry đã nói rằng “Ông Sergey Lavrov và Bộ trưởng ngoại giao Iraq Zarif và tôi và những người khác đồng ý về những bất đồng.”
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày thứ Sáu cân nhắc về vấn đề này và nói chỉ có người Syria mới quyết định về tương lai của ông Assad. Bình luận của ông Putin được các Thông tấn xã Nga và Thổ Nhĩ Kỳ loan tải.
Ông Kerry sau khi rời Washington hôm thứ Năm đã dừng chân tại Tunis trước khi đến Vienna. Nhà ngoại giao cao cấp nhất của Hoa Kỳ và những phụ tá đã tham dự vào một vòng đối thoại chiến lược tại Tunis với các giới chức cao cấp Tunisia.
Sau Vienna, ông Kerry sẽ cùng với Tổng thống Obama tham dự hội nghị thượng đỉnh G-20.