Meta Platforms Inc, trước đây được gọi là Facebook, hôm 8/12 cho biết rằng họ sẽ cấm tất cả các doanh nghiệp do quân đội Myanmar kiểm soát có mặt trên các nền tảng của mình, trong khi mở rộng các biện pháp hạn chế trước đó đối với lực lượng an ninh của đất nước này.
Tập đoàn công nghệ khổng lồ của Hoa Kỳ hồi tháng Hai tuyên bố rằng họ sẽ ngăn chặn tất cả các thực thể có liên quan đến quân đội Myanmar, được gọi là Tatmadaw, quảng cáo trên các nền tảng của họ.
“Hành động này được đưa ra dựa trên các tài liệu phổ biến của cộng đồng quốc tế và xã hội dân sự về vai trò trực tiếp của các doanh nghiệp này trong việc tài trợ cho Tatmadaw,” ông Rafael Frankel, Giám đốc chính sách công cho các quốc gia đang nổi lên ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Meta, cho biết.
Quân đội Myanmar đã lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi trong một cuộc đảo chính vào tháng Hai, gây ra các cuộc biểu tình chống đối trên khắp đất nước.
Một người phát ngôn của chính quyền quân nhân không trả lời các cuộc gọi xin bình luận của Reuters. Chính quyền này đã cấm Facebook tại Myanmar hồi tháng Hai.
Theo ông Frankel, Meta đang xác định các công ty dựa trên báo cáo năm 2019 từ Phái bộ Tìm kiếm Sự thật của Liên hợp quốc về Myanmar, nghiên cứu từ các nhóm hoạt động Công lý cho Myanmar và Chiến dịch Miến Điện ở Vương quốc Anh, cũng như tham vấn với xã hội dân sự.
Ông Frankel nói với Reuters rằng Meta đã gỡ bỏ hơn 100 tài khoản, trang và nhóm có liên quan đến các doanh nghiệp do quân đội Myanmar kiểm soát.
Facebook đóng một vai trò vô cùng lớn ở Myanmar khi là kênh internet thống trị và vẫn được những người biểu tình chống lại chế độ quân sự và binh lính sử dụng rộng rãi.
Sau khi bị quốc tế chỉ trích nặng nề vì không ngăn chặn được các chiến dịch thù địch trên mạng, Facebook đã ngăn cản quân đội Myanmar và, kể từ cuộc đảo chính, đã đưa ra các biện pháp để bảo vệ người dùng mạng xã hội này tại Myanmar.
Nền tảng này cũng đang phải đối mặt với vụ kiện lên tới 150 tỷ USD từ những người tị nạn Rohingya cáo buộc Facebook đã không ngăn chặn các phát ngôn thù hằn nhắm vào người thiểu số Rohingya theo đạo Hồi, góp phần gây ra bạo lực.
Vào năm 2018, các nhà điều tra nhân quyền của Liên Hợp Quốc cho biết Facebook đã cho phép những người theo chủ nghĩa dân tộc Phật giáo cực đoan và các thành viên quân đội sử dụng nền tảng này để kích động một chiến dịch bạo lực chống lại người Rohingya, khiến 700.000 người thiểu số Hồi giáo này phải bỏ quê hương để trốn chạy cuộc đàn áp của quân đội vào năm 2017.