Bất chấp sự kiểm soát của chính phủ, công nghiệp truyền thông Việt Nam đang biến chuyển vào lúc phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng các nội dung bằng kỹ thuật số. Một trang web đã tìm ra một cách mới mẻ để tìm thêm độc giả trẻ - đó là đưa tin bằng nhạc rap. Từ Hà Nội, thông tín viên đài VOA Marianne Brown gửi về bài tường trình sau đây.
Tính đến nay, bán nguyệt san Rap News Plus đã ra được 17 số, phần lớn được phổ biến qua các diễn đàn chia sẻ video. Trên YouTube, nhiều số đã được xem trên 500.000 lần.
Trong khi số mới nhất là một số đặc biệt về thể thao để chào mừng kết thúc giải World Cup, phần lớn các số khác bao gồm tin tức được tường thuật bởi các cơ quan truyền thông khác ở Việt Nam.
Chủ biên Viet Nam Plus Lê Quốc Minh cho biết ông đã nảy ra ý kiến này khi cố gắng tìm ra một cách để làm cho tin tức thu hút giới trẻ từ 13 tuổi đến 25 tuổi, một khối dân chúng ông cho là đã không còn quan tâm đến thời sự.
“Chúng ta cần phải mang lại cho họ một điều gì mới lạ, một điều gì vui thú. Nhưng cách thức chúng tôi chọn lọc, và cách thức chúng tôi trình bày cũng khá nghiêm túc. Tôi đem tính nghiêm túc đến với giới trẻ bằng cách sử dụng ngôn ngữ riêng của họ, sở thích riêng của họ, và phong cách riêng của họ. Ðó là khái niệm của tôi.”
Một trong những số báo bắt mắt nhất được phổ biến vào lúc cao điểm căng thẳng với Trung Quốc, tiếp theo vụ hạ đặt giàn khoan dầu ở vùng nước mà Việt Nam cũng đòi chủ quyền. Võ Việt Phương 25 tuổi là một trong những ca sĩ rap tham gia.
“Tôi cắt bỏ phần hợp âm và tải lên Soundcloud của tôi và sau đó mọi người tải xuống làm nhạc chuông cho điện thoại.”
Tuy đưa tin tức vào nhạc rap không phải là điều hoàn toàn mới mẻ, nó chắc chắn là một điều lạ ở Việt Nam, nhất là bởi lẽ Viet Nam Plus hoạt động dưới trướng của Thông tấn xã Việt Nam, tức VNA, nổi tiếng về chủ trương bảo thủ. Sau đây vẫn là lời ông Minh:
“Nhiều người khác rất ngạc nhiên là chúng tôi có một thứ như thế trên Viet Nam Plus bởi vì chúng tôi thuộc một tổ chức chính mạch rất bảo thủ. Chúng tôi không xuất thân từ một công ty hay một hình thức giải trí nào, nhưng chúng tôi lại sản xuất một thứ mang tính cách rất giải trí, rất thông tin.”
Tại Việt Nam, theo đúng luật, mọi ấn phẩm đèu phải có một cơ quan bảo trợ, nhưng thay vì gọi truyền thông là “do chính phủ kiểm soát” thì từ chính xác hơn là “được chính phủ cấp phép,” theo ông David Brown, một nhà cựu ngoại giao của Hoa Kỳ và là chuyên gia về Việt Nam.
“Trong nhiều trường hợp, nhất là đối với 20 nhật báo và một số ít tạp chí, các tạp chí nghiêm túc cũng làm ăn có lời, thì quan hệ với cơ quan bảo trợ chỉ có tính cách danh nghĩa.”
Nói như thế, vẫn có những hạn chế về những gì có thể hay không có thể được thảo luận. Ông Brown nói thêm rằng các chủ biên được nhận được hướng dẫn hàng tuần và thỉnh thoảng bị phạt nếu họ chậm theo đúng các chỉ thị về những điều “không được phép”.
Theo ông Brown, đa số các nhận báo dựa vào một khoản trợ cấp dưới hình thức nào đó của chính và “khá nhiều màu sắc xen giữa các dòng viết.” Tuy nhiên, các ấn phẩm làm ăn có lời có phần chắc thường hay xé rào.
“Nói chung bất cứ ấn phẩm nào làm ăn có lời đều tìm ra những cách để cung cấp những thứ mà mọi người muốn đọc, và hấp dẫn, cho dù có những lãnh vực cấm, như bang giao giữa các đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc, hay điều gì đó tương tự.”
Ngay lúc này, Rap News Plus chưa làm ăn có lời. Ông Minh và đồng nghiệp trang trải các chi phí để làm video, nhưng các ca sĩ nhạc rap không được trả lương. Ông Minh nói ưu tiên là duy trì tính đúng đắn báo chí.
Các công ty có thể bảo trợ hay có những quảng cáo xen vào, nhưng trong các bản tin, các nhãn hiệu không được đề cập tới.
“Chúng tôi phải tôn trọng người nghe. Chúng tôi nói về tin tức, chứ không phải về các nhãn hiệu. Ngay như nếu họ có trả tiền, chúng tôi cũng không nhận loại tiền này.”
Rap News Plus không xé rào bằng nội dung, nhưng hình thức là một bước khai phá đối với công nghiệp báo chí của Việt Nam. Cái khó lúc này sẽ là giữa được tính chất mới mẻ và tươi mát cho các fan trẻ tuổi thường hay thay đổi.