Đường dẫn truy cập

Các chuyển động liên quan đến chuyến thăm Việt Nam của TT Biden


Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đón Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Nhà Trắng ngày 12/5/2022. Photo US Embassy in Hanoi.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đón Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Nhà Trắng ngày 12/5/2022. Photo US Embassy in Hanoi.

Tin tức cho hay, trung tuần tháng 9, ông Biden sẽ đi dự G-20 tại Ấn Độ và thăm Việt Nam. “Ngoại giao con thoi” của Nhà Trắng và Ban Đối ngoại Trung ương đã qua lại tiền trạm. Liệu có nhân tố bất ngờ nào đủ sức “hủy ngang” chương trình Hà Nội của Tổng thống?

“Bộ đôi” hay “Bộ ba” tới là ai?

Trong vòng 13 ngày, Tổng thống Biden ba lần nhắc đến Việt Nam (28/7, 8/8 và gần đây nhất là 10/8). Hôm ấy, ông Biden nói về mối liên hệ giữa Việt Nam và “Bộ tứ” (Mỹ – Nhật – Úc – Ấn) khi đề cập tới quan hệ với Trung Quốc trong một phát biểu ở Utah (Mỹ), nơi ông kết thúc chuyến thăm các tiểu bang miền Tây để vận động tái tranh cử. Tại Utah, phát biểu ở Salt Lake city, Biden nói các nước Đông Nam Á muốn có mối quan hệ với Mỹ, và trong bối cảnh mới ấy, một “Liên minh Bộ tứ” đã ra đời để đối phó với Trung Quốc. “Tôi không muốn làm tổn thương Trung Quốc, nhưng tôi theo dõi những gì Trung Quốc làm. Vì vậy, tôi đã thiết lập nên một cấu trúc gọi là “Bộ tứ” (QUAD). Hãy hình dung tình thế bây giờ chúng ta đã có Philippines và sắp tới đây, thêm cả Việt Nam lẫn Campuchia cũng muốn trở thành một phần trong sự kết nối với chúng ta (We put ourselves in a position where now we have the Philippines and, soon, Vietnam and Cambodia wanting to be part of a relationship with us)... Những nước này tuy không có liên minh phòng thủ (với chúng ta), song họ muốn các mối quan hệ; các nước này muốn Trung Quốc hiểu rằng, họ không hề đơn độc (1).

Và thời gian nhắc ở trên cũng là lúc “chuyển mùa” của Tổng thống Phillipines Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr, khi ông có những điều chỉnh chính sách theo hướng “quay xe” khỏi Trung Quốc. Marcos Jr không chỉ tuyên bố cứng rắn về vụ Bãi Cỏ Mây, mà còn khẳng định, ông sẽ không từ bỏ hay để lọt “một tấc đất nào” rơi vào tay Trung Quốc (2). Rồi Marcos Jr càng tỏ ra sốt sắng hơn trong quan hệ với Việt Nam. Đầu tháng 8/2023, ông đã cử Ngoại trường Enrique Manalo sang Hà Nội chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam của ông vào tháng Giêng sang năm. Chuyến thăm được mô tả là để kết thúc “Kế hoạch hành động năm năm giữa Philippines với Việt Nam” và sẽ tiếp tục hướng tới mục tiêu tăng cường quan hệ giữa hai nước. Ngoại trưởng Manalo cho biết, chuyến thăm cũng là cơ hội để Tổng thống Marcos và Chủ tịch Võ Văn Thưởng “thảo luận về cách thức nâng quan hệ song phương lên tầm cao mới” (3). Vô hình chung, giữa Mỹ và Philippines tới đây sẽ có một “cuộc đua lành mạnh”: Ai sẽ cán đích trước trong việc thiết lập “Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện” với Việt Nam? Trong một phát biểu tại Học viện Ngoại giao hôm 2/8, Ngoại trưởng Manalo nói, vị thế của Manila và Hà Nội với tư cách là các quốc gia ven Biển Đông đã làm cho sự hợp tác hàng hải trở thành một tương tác quan trọng giữa hai nước. Vậy tới đây, quốc gia nào sẽ vào “vòng ngắm”: Philippines hay Việt Nam, Singapore hay Campuchia sẽ là những “bộ đôi” hay “bộ ba” mới để cấu thành “các tiểu chiến lược”?

Một bất ngờ thú vị là việc TT Biden nhắc đến “bộ đôi” Việt Nam và Campuchia. Làm thế nào mà TT có thể “định giờ” chính xác đến vậy? Ngày 7/8, Quốc vương CPC sắc phong Tiến sĩ Hun Manet làm Thủ tướng thì ngày 8/8, Tổng thống Biden nói CPC muốn có các mối quan hệ với Mỹ. Trong vòng một ngày, hai bên “bắn tiếng” cho nhau bằng cách nào mà không thấy báo chí đưa tin? Liệu đã có liên lạc “ngầm” nào đấy giữa hai chính quyền? Về lễ tân, Washington và Phnom Penh không thể tiếp xúc nhanh như thế. Một sự “thỏa thuận” trước đó có thể đã được hai bên “đi đêm” với nhau? Rồi bất ngờ tiếp theo nữa cũng liên quan đến ông Biden: “Fulcrum” được xuất bản bởi Viện ISEAS – Yusof Ishak hôm 14/8 đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa bày tỏ mong muốn đến thăm Việt Nam sau chuyến công du Hà Nội của ông Biden (4). Thật là cắc cớ, vì mối bang giao đang vào hồi căng thẳng giữa Nga và Mỹ. Việt Nam sẽ hy sinh đến mức nào cho quan hệ với Liên bang Nga? Liệu nhân tố bất ngờ này có đủ sức “hủy ngang” chương trình Hà Nội của Tổng thống, sau khi đặc phái viên của Nhà Trắng và Ban Đối ngoại trung ương ĐCSVN đã có qua lại để tiền trạm cho chuyến công du? (5)

“Tay ba”, “Tay tư”: Sóng sau xô sóng trước…

“Sóng sau xô sóng trước…” là hàm ý về quá trình tiến hóa, tức là cái đà phát triển theo cấp độ văn minh của sự vật. Trước kế hoạch công du Ấn Độ dự G-20 và thăm Việt Nam, Tổng thống Biden hôm 18/8 đã tổ chức thành công cuộc họp Thượng đỉnh đầu tiên với hai đồng minh châu Á, đó là Nhật Bản và Hàn Quốc. Mục đích của cuộc họp này là đặt nền tảng cho mối quan hệ hợp tác “tay ba”, đưa ra một thông điệp mạnh mẽ nhắm tới Bắc Kinh và Bình Nhưỡng. Cuộc gặp thượng đỉnh ba bên chưa từng có này được giới quan sát đánh giá như là sự kiện ngoại giao lịch sử, thậm chí là một bước ngoặt địa-chính trị thế giới. Washington nhấn mạnh muốn tạo ra một khuôn khổ hợp tác bền vững và ổn định trước những thay đổi về lãnh đạo tại ba nước cũng như những thay đổi trong cộng đồng quốc tế. Vì vậy, có thể thấy mục tiêu của Thượng đỉnh vừa diễn ra là “thể chế hóa” hợp tác ba bên thành một khuôn khổ chính thức. Bà Ellen Kim, Phó Giám đốc Ban nghiên cứu Hàn Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS/ Washington), nhận định: “Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Nhật – Hàn lần này có tầm quan trọng chiến lược đối với cả ba nước, cho phép các nhà lãnh đạo mở rộng và thể chế hóa hợp tác ba bên trước “những bất ổn ngày càng tăng” trong môi trường an ninh khu vực và toàn cầu” (6).

Tuyên bố chung từ Trại David dùng loại hình ngôn ngữ khá mạnh để nói về Trung Quốc: “Liên quan đến các hành động nguy hiểm và hung hăng mà Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mà gần đây chúng ta đã chứng kiến nhằm ủng hộ các yêu sách lãnh thổ trên biển phi pháp của nước này ở Biển Đông, chúng tôi… phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực nào nhằm đơn phương thay đổi nguyên trạng ở vùng biển Ấn Thái Dương”. Tuyên bố khẳng định, ba nước cam kết nhanh chóng tham khảo ý kiến của nhau trong các cuộc khủng hoảng và phối hợp ứng phó với các thách thức, khiêu khích và đe dọa khu vực ảnh hưởng đến lợi ích chung. Lãnh đạo cả ba nước thống nhất sẽ tổ chức các cuộc tập trận ba bên hàng năm và chia sẻ thông tin về thời gian các vụ phóng phi đạn của Bắc Triều Tiên vào cuối năm 2023. Lãnh đạo ba nước hứa sẽ tổ chức các Thượng đỉnh hàng năm (7). Đúng như Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan từng giải thích, khuôn khổ mới ba bên này “mang tính đột phá” là một phần của nhiều liên minh có sự tham gia của Mỹ trong khu vực Ấn Thái Dương, bao gồm hợp tác ba bên với Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như “Đối thoại an ninh bộ tứ” (QUAD) với Úc, Ấn Độ và Nhật Bản. Các nhóm khác nhau có thể có những điểm ưu tiên và trọng tâm khác nhau, nhưng thực tế những gì chúng ta tìm thấy là, chương trình nghị sự đang được mở rộng, bởi vì theo một cách nào đó, thế giới đang bị thu hẹp lại. Và tất cả các vấn đề ở khắp mọi nơi đang chạm đến mọi quốc gia trong khu vực này”, ông Sullivan nhấn mạnh (8).

Hiếm khi chúng ta được chứng kiến sự ra đời liên tục của nhiều liên minh “tay ba”, từ AUKUS (Úc – Anh – Mỹ) trước đây đến JAPHUS (Nhật – Philippines – Mỹ) gần đây. Hình ảnh “sóng sau xô sóng trước” còn hàm ý, một khi AUKUS, JAPHUS được định dạng, rồi đây sẽ tiếp nối thêm JAKOUS (Nhật – Hàn – Mỹ). Tất nhiên, động năng then chốt bao trùm “Ấn Thái Dương tự do và rộng mở” (FOIP) vẫn là cấu trúc QUAD không hề thay thế – Quadrilateral Security Dialogue. Các kết nối từ QUAD đến AUKUS, từ JAPHUS đến JAKOUS… sẽ trở thành các lực lượng nòng cốt cho chiến lược chung nhằm đối phó với Trung Quốc. Tiến sĩ Kurt Campbell, Điều phối viên Nhà Trắng về các vấn đề Ấn Thái Dương từ lâu đã nhắc nhở châu Á: “Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ đã để lộ rằng, châu Á về nhiều mặt là khu vực ngày càng có nhiều tranh chấp với tương lai chính trị không chắc chắn; điều này ảnh hưởng đến quyền tự trị của nó theo những cách phức tạp và đôi khi nghịch lý” (9). Đúng vậy, trên một vài vấn đề, Việt Nam có thể nhìn thấy cơ hội để “đi giây” tiếp giữa Bắc Kinh và Washington nhằm đạt được các điều kiện tốt hơn về tài chính hoặc hợp tác về an ninh. Nhưng liên quan đến các lĩnh vực khác, Việt Nam cũng tự thấy, không gian hành động của mình bị giảm mạnh khi các cường quốc cùng gây áp lực buộc các nước tuân theo những ưu tiên chung.

(1) https://www.whitehouse.gov/briefing-room/speeches-remarks/2023/08/10/remarks-by-president-biden-at-a-campaign-reception-salt-lake-city-ut/

(2) https://nghiencuuchienluoc.org/quan-he-philippines-voi-trung-quoc-my-thoi-tong-thong-ferdinand-marcos-jr-va-ham-y-doi-voi-viet-nam/

(3) https://www.voatiengviet.com/a/7210846.html

(4) https://fulcrum.sg/will-putin-visit-vietnam-after-biden-odds-are-against-it/

(5) https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/bao-viet-nam-giau-tin-le-hoai-trung-tham-my-gap-blinken/

(6) https://asia.nikkei.com/Opinion/Biden-Kishida-Yoon-summit-can-build-platform-for-3-way-cooperation

(7) https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2023/08/18/the-spirit-of-camp-david-joint-statement-of-japan-the-republic-of-korea-and-the-united-states

(8) https://www.voatiengviet.com/a/my-nhat-philippines-nhat-tri-tang-cuong-quan-he-an-ninh/7140960.html

(9) https://www.aspeninstitute.org/wp-content/uploads/2020/01/TheStruggleForPower.pdf

  • 16x9 Image

    Trần Đông A

    Trần Đông A là bút hiệu một nhà báo đã nghỉ hưu tại Sài Gòn, với sở trường về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao Việt Nam và các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Các bài viết của Trần Đông A là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG