Một số ngày càng nhiều các quốc gia đang kiểm duyệt nhiều phần của mạng Internet và thông qua các luật lệ cho phép theo dõi nhiều hơn những gì dân chúng làm hay nói trên mạng, theo một bản phúc trình mới do tổ chức Freedom House vừa công bố.
Bản phúc trình vừa công bố hôm nay có tựa đề là “Tự do Mạng năm 2014” là một cuộc thăm dò thường niên của 65 chính phủ và các chính sách của họ có liên quan đến việc sàng lọc hay kiểm duyệt nội dung trên mạng. Phúc trình cũng cứu xét các hình thức theo dõi điện tử mà các chính phủ thực hiện và cách thức họ có thể trừng phạt công dân có các hoạt động trên mạng không được họ tán thành.
Bà Laura Reed, một chuyên gia phân tích và là đồng tác giả bản phúc trình của tổ chức Freedom House nói: “Những suy thoái nổi bật nhất diễn ra ở Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine. Và tương tự với các bản phúc trình trước đây, các nước thực sự bị đánh giá tệ nhất vẫn là Iran, Syria và Trung Quốc.”
Trong số 65 quốc gia được thăm dò, 36 nước bị đánh giá thấp hơn về các biện pháp tự do Internet so với năm trước, trong khi chỉ có 12 nước là có các biện pháp tự do khá hơn.
Trong số các quốc gia được cho là có thành tích tốt hơn có Myanmar, Tunisia, Cuba và Ấn Độ. Iran cũng được đánh giá là tự do hơn chút đỉnh vì có nới nhẹ nội dung kiểm duyệt, bất chấp các kết luận của tác giả bản phúc trình rằng Iran vẫn là một trong những nước vi phạm thô bạo nhất trên toàn cầu đối với quyền tự do phát biểu và quyền riêng tư của người sử dụng mạng.
Các quốc gia bị coi là kém tự do hơn trước đây gồm những nước vi phạm kinh niên như Ả Rập Sê-út, Zimbabwe và Việt Nam, cũng như Hoa Kỳ, nơi mà các tác giả bản phúc trình vạch ra những sự gia tăng không đáng kể trong “hạn chế nội dụng” và “vi phạm quyền của người sử dụng.”
Vụ xung đột ở Ukraine, bắt đầu năm ngoái với các cuộc biểu tình Euromaidan, được coi là các nguyên do chính khiến cả Nga và Ukaine sút giảm đáng kể trong việc cho phép bầy tỏ ý kiến tự do trên mạng.
Tại Ukraine, việc theo dõi người biểu tình của chế độ Yanukovych, cũng như việc nhắm mục tiêu vào các ký giả đăng tải tác phẩm lên mạng, khiến cho quốc gia này kém tự do đáng kể trên mạng, theo nhận xét mà bà Reed đưa ra với đài VOA.
Trong khi đó, bà nói giới hữu trách Nga đã tăng cường đáng kể việc kiểm duyệt những tiếng nói chỉ trích và giới truyền thông độc lập.
Bà Reed nói: “Hồi tháng 3, họ đã sử dụng một bộ luật mới được thông qua hồi tháng 12. Luật này cho phép công tố viên ban hành các lệnh chận nội dung trên mạng có liên quan đến chủ nghĩa cực đoan hay những lời kêu gọi biểu tình công cộng mà không được phép.
Bà nói tiếp: “Vì vậy luật này đã được sử dụng khá nhanh chóng để chận các cơ quan truyền thông độc lập bên trong nước Nga hoặc tường thuật các diễn biến ở Ukraine, hoặc chỉ trích điện Kremli.”
Thổ Nhĩ Kỳ nổi bật
Vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ, theo các tác giả bản phúc trình, phân tích các cuộc tranh luận cụ thể trong nước về chính phủ của ông Recep Tayyip Erdogan, và sự căm ghét công khai ông dành cho mạng xã hội.
Chuyên gia phân tích Adrian Shahbaz của tổ chức Freedom House nhận xét: “Sự sá sút mạnh về quyền tự do phản ánh sự trỗi dậy của mạng xã hội như một công cụ để tập họp các cuộc biểu tình và ghi nhận những vụ lạm dụng của chính quyền. Trong năm vừa qua, AKP, tức đảng Công lý và Phát triển Thổ Nhĩ Kỳ đã dẫn đầu một sách lược có phối hợp nhằm bôi nhỏ và gây mất tín nhiệm cho mạng xã hội, với việc ông Erdogan nổi tiếng đã gán cho Twitter là “mối đe doạ tệ hại nhất cho xã hội.”
Ông Shahbaz nói với đài VOA: “Chỉ vài tuần trước các cuộc bầu cử thành phố vào tháng 3 năm 2014, chúng ta đã thấy hiện tượng chận Twitter, YouTube và một loạt các phương tiện truyền thông xã hội khác vì vai trò của các phương tiện này trong việc phổ biến những tin do các giới chức cấp cao trong chính phủ tiết lộ về tham nhũng hay những vụ tai tiếng về an ninh quốc gia.”
Ông nói: “Toà án Bảo hiến đã bãi bỏ những vụ ngăn chặn, nhưng chỉ sau khi đảng AKP chiến thắng trong cuộc bầu cử. Trong suốt cả năm, các trang tin tức đối lập bị tấn công mạng, các ký giả mạng bị tấn công trong khi tường thuật biểu tình, và nhiều người sử dụng mạng xã hội bị truy tố về tội phỉ báng thủ tướng.
Châu á và Trung Đông thường bị đánh giá trong cuộc khảo cứu là kém tự do một cách đáng kể so với châu Mỹ và châu Âu, và châu Phi thì tiêu biểu cho một thành tích lẫn lộn với cả những nước vi phạm như Ethiopia và Sudan, cũng như các quốc gia tương đối tự do phát biểu trên mạng như Kenya và Nam Phi.
Trong số các chiều hướng mới và đáng lo ngại hơn trong bản phúc trình năm nay là sự gia tăng nổi bật trong số các vụ bắt giữ người về các hoạt động trên mạng, nhất là ở Trung Đông và Bắc Phi, nơi số vụ bắt giữa gia tăng tại 10 trong số 11 nước được khảo cứu.
Các xu hướng mới khác gồm việc nhắm mục tiêu vào những người đồng tính nam hay nữ sử dụng mạng, cũng như các luật lệ mới nhắm hạn chế sự riêng tư và cho phép chính phủ theo dõi nhiều hơn, với gần 30 phần trăm các quốc gia được khảo sát thông qua các biện pháp gia tăng việc theo dõi điện tử.
Áp lực của giới truyền thông
Bà Reed nói một chiều hướng khác là gia tăng áp lực nhắm vào các cơ quan truyền thông độc lập trên mạng.
Bà nói tiếp: “Tại các nước nơi báo in hay các đài phát thanh truyền hình truyền thống bị hạn chế rất nhiều và đặt dưới sự kiểm soát của chính phủ, lãnh vực mạng thực sự là nơi duy nhất cho các tiếng nói độc lập hay phê bình. Và nay chúng ta thấy các chính phủ trấn át những tiếng nói độc lập trên mạng đó bằng những phương tiện rất đáng lo ngại.”
Một lãnh vực gây quan ngại nữa đối với các tác giả của Freedom House là những nỗ lực mới tại các nước như Việt Nam và Nga quy định rằng tất cả mọi dữ liệu phát xuất từ trong nước phải được trữ trong các máy chủ điện toàn nằm trong phạm vị biên giới quốc gia.
Thoạt đầu điều đó dường như không có vẻ hạn chế quá mức quyền tự do phát biểu, nhưng bà Reed cảnh báo rằng xác định vị trí của các máy chủ bên trong các chế độ độc tài có thể gây nguy cơ cho lý lịch và thành tích hoạt động của người sử dụng.
Bà nói: “Tại các nước như Nga, nó thực sự có nghĩa là nếu đòi hỏi các công ty tiếp nhận dữ liệu của công dân Nga trên đất Nga, thì nó sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho chính phủ Nga tiếp cận dữ liệu đó, và điều ấy có thể gây ra nhiều vấn đề cho người sử dụng Internet ở Nga.”
Bà Eva Galperin, một chuyên gia phân tích chính sách toàn cầu với tổ chức tranh đấu cho quyền tự do trên mạng Electronic Frontier Foundation, đồng ý rằng đã có một số nỗ lực định vị các dữ liệu trong năm ngoái.
Nhưng bà nói các nỗ lực có thể không đi tới sự kiện là một mối đe doạ lớn cho tự do mạng.
Bà Galperin nói với đài VOA qua email rằng, “Trên thực tế, bắt buộc xác định vị trí dữ liệu là điều không khả thi. Và ít nhất ở Nga, đây được coi như một tiền đề để chận các phương tiện truyền thông xã hội của Hoa Kỳ như Facebook và Twitter nếu người sử dụng mạng không tuân hành.”
Nói chung, bà Galperin cho rằng bà đồng ý với các kết luận của bản phúc trình, nhưng cảnh báo rằng có thể là sai lầm khi nghĩ rằng chỉ có các chế độ độc tài mới vi phạm quyền tự do phát biểu trên mạng Internet
Nhìn vào các quốc gia tự do
Theo bà Galperin, một số các quốc gia tự do nhất như Hoa Kỳ, lại là một số các nước vi phạm tệ nhất quyền riêng tư và nội dung.
Bà nói: “Việc theo dõi không có phép của NSA vẫn không bị kiểm tra. Quốc hội thậm chí không thể thông qua được Bộ luật Tự do yếu ớt, lẽ ra đã ngăn chặn một phần nhỏ việc NSA theo dõi một số công dân Mỹ và không nhắm vào những người không phải là công dân Mỹ.
Theo bà, NSA và cơ quan truyền thông Anh GCHQ vừa bị bắt gặp sử dụng nhu liệu xấu để theo dõi tất cả sự đi lại qua một công ty viễn thông Bỉ là BelgaCom. Tại Australia, một luật được đề xuất về việc lưu giữ dữ liệu đe doạ đến quyền riêng tư của công dân. Và Anh quốc vừa khởi sự sử dụng các máy lọc tài liệu dâm ô tại hầu hết các ISP trong năm nay.
Tổ chức Freedom House nói những tiết lộ của ông Snowden về các chương trình theo dõi của NSA đang được các chính phủ khác sử dụng để biện minh cho việc theo dõi và sàng lọc Internet ngày càng tăng.
Nhưng bà nói thêm rằng chính các tiết lộ đó cũng đã khơi ra phản ứng ngược của nhiều tổ chức dân sự đòi gia tăng việc bảo vệ công dân về quyền riêng tư và bày tỏ ý kiến trên mạng.
Bà nói: “Đã có một đợt sóng phản ứng trước sự kiện đó. Một trong các thí dụ mà chúng ta thấy trên khắp thế giới là việc người sử dụng Internet bắt đầu tự mình học cách làm cho an toàn hơn việc thông tin liên lạc trên mạng và đề cao cảnh giác hơn về ý nghĩa của việc tiến hành các hoạt động trên mạng.
Bà Reed nói: “Nhận thức toàn cầu rộng lớn hơn như thế, và việc gia tăng phản ứng ngược lại của xã hội dân sự mà chúng ta chứng kiến… là một vài khuynh hướng tích cực có thể có trong tương lai.”