Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế đã chứng nhận là Iran tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân do các cường quốc soạn thảo, một động thái mở đường cho Tehran khỏi bị các chế tài liên hệ đến hạt nhân làm tê liệt nền kinh tế nước này.
Bà Federica Mogherini, Thượng Đại diện Liên hiệp Âu châu về Ngoại giao và Chính sách An ninh, loan báo là các cường quốc đang hủy bỏ các chế tài liên hệ đến hạt nhân đối với Iran trong lần xuất hiện chung với bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammed Javad Zarif.
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói việc chấm dứt những chế tài đối với Iran được qui định trong thỏa thuận hạt nhân đang có hiệu lực. Cùng một lúc, Tòa Bạch Ốc ban hành lệnh của hành pháp thi hành những biện pháp này.
Bà Mogherini nói “thỏa thuận lịch sử” này có tính cách “công bằng và mạnh mẽ” và “việc thi hành nghiêm chỉnh” sẽ “góp phần quan trọng vào nền hòa bình trong vùng và trên thế giới.”
Trao đổi tù nhân Hoa Kỳ-Iran
Việc thi hành thỏa thuận hạt nhân được đưa ra cùng ngày Hoa Kỳ và Iran trao đổi tù nhân. Năm người Mỹ được trả tự do bao gồm phóng viên báo Washington Post Jason Rezaian và ông Amir Hekmati, một cựu chiến binh thủy quân lục chiến Mỹ.
Ngoại trưởng Kerry nói ông đã nêu lên tình trạng các tù nhân Mỹ trong tất cả các cuộc thảo luận có liên hệ đến hạt nhân với ông Zarif.
Kết thúc một tiến trình lâu dài
Việc thi hành thỏa thuận có tên là Kế hoạch Hành động Bền vững Chung, là kết quả của gần 2 năm thương thuyết khẩn trương với sự đồng thuận đạt được vào tháng 7 năm 2015 về kế hoạch này.
Các cuộc thương thuyết bao gồm Hoa Kỳ và những thành viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Đức và Liên hiệp Châu Âu.
Kết quả của việc thi hành thỏa thuận là Iran tiếp cận được các tài sản bị phong tỏa tại các ngân hàng nước ngoài. Giá trị những tài sản này ước lượng vào khoảng 50 tỉ đô la. Iran cũng được tự do mở rộng mậu dịch với các nước khác.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã vận động tranh cử với lời hứa cải cách kinh tế. Không bị các chế tài làm tê liệt nền kinh tế là một phần quan trọng trong lời hứa của ông.
Tác động
Tuy nhiên, ảnh hưởng của việc hủy bỏ những chế tài đối với Iran sẽ có giới hạn tại Mỹ. Bà Kelsey Davenport, giám đốc chính sách không phổ biến hạt nhân tại Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí nói: “Một số chế tài về nhân quyền, về khủng bố vẫn còn hiệu lực sẽ làm cho các công ty khó hoạt động.”
Tại một buổi thuyết trình ngày thứ Sáu, một giới chức Hoa Kỳ nói ảnh hưởng lớn nhất đối với các doanh nghiệp Mỹ thuộc về ba loại.
Giới chức này nói loại thứ nhất liên hệ đến thực phẩm và những sản phẩm khác, như là nhập khẩu hạt hồ trăn và thảm Iran.
Loại thứ hai là Iran được tự do hơn trong việc mua các trang bị hàng không dân dụng của Mỹ.
Giới chức này nói thứ ba là những chi nhánh nước ngoài của các công ty Mỹ sẽ được tự do hơn trong việc giao dịch với Iran miễn là họ tuân thủ những đòi hỏi khác của chính phủ Mỹ.
Bà Barbara Slavin giám đốc của Hội đồng Đại Tây Dương nói những nước buôn bán nhiều với Iran trong quá khứ sẽ hưởng lợi nhiều khi các chế tài đối với Iran được hủy bỏ.
Bà nói với Đài VOA qua SKYPE: “Các quốc gia châu Á, nơi Iran đã có nhiều tài khoản trong ngân hàng, tiền bị phong tỏa, lợi tức về dầu mỏ bị phong tỏa.”
Bà cũng nói một số nước châu Âu và Nga cũng hưởng lợi: “Nga sẽ nỗ lực bán thêm cho Iran nhiều nhà máy điện hạt nhân nữa.”
Những điểm nóng vẫn còn đối với Iran
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói dù việc thi hành thỏa thuận hạt nhân sẽ mở cửa cho một số việc buôn bán giữa Hoa Kỳ và Iran nhưng sẽ không đi đến kết quả là Hoa Kỳ không để ý đến những lãnh vực cần quan tâm khác đối với Iran.
Ông nói: “Không ai trong chúng ta mang kính mầu hồng. Không ai trong chúng ta tin là một khi chúng ta đến Ngày Thi hành thì một thế giới mới sẽ rộng mở và chúng ta hợp tác với Iran ngay lập tức.”
Những lãnh vực cần quan tâm bao gồm việc thử nghiệm phi đạn đạn đạo mới đây của Iran và bắn rốckết gần một chiến hạm của Mỹ vào tháng 12 năm ngoái.
Hoa Kỳ cũng quan tâm về việc Iran đối xử với 10 thủy thủ Mỹ bị giam một thời gian ngắn sau khi xâm nhập vùng biển Iran.
Iran công bố một video cho thấy những thủy thủ bị bắt với hai tay để trên đầu khiến cho các chính trị gia Mỹ chỉ trích kể cả những ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa, nhiều người nhắc lại sự kiện này trong cuộc tranh luận của các ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa hôm thứ Năm.
Thỏa thuận vẫn còn bị nhiều người chống đối
Thỏa thuận bị đảng Cộng hòa và một số đảng viên Dân chủ chỉ trích mạnh mẽ, và thỏa thuận này được liên tục nhắc đến trong các cuộc vận động tranh cử.
Trong một sinh hoạt tranh cử, ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump nói: “Dường như đây là một chỉ dấu cho thấy chúng ta đang đi đâu. Thỏa thuận hạt nhân Iran là một thỏa thuận ngu ngốc nhất tôi chưa từng thấy.”
Một số ứng cử viên tổng thống Mỹ cam kết sẽ phá bỏ sự tham dự của Hoa Kỳ trong thỏa thuận này nếu đắc cử, một động thái bà Davenport nói sẽ khó khăn nếu năm đầu tiên tuân thủ tiến hành tốt.
Bà Davenport nói: “Nếu không có vi phạm và thỏa thuận được xem như thành công trong việc ngăn Iran tiến đến vũ khí hạt nhân thì tôi nghĩ sẽ khó cho một tổng thống chứng minh được việc ra khỏi thỏa thuận.”
Tại Điện Capitol cũng có những quan ngại về thỏa thuận. Hạ viện Mỹ ngày thứ Tư đã biểu quyết về một biện pháp có thể ngăn Tổng thống Barack Obama trong việc gỡ bỏ một số chế tài liên hệ đến Iran. Tuy nhiên các nhà lập pháp sau đó rút lại việc bỏ phiếu của họ và dự trù một biểu quyết khác vào cuối tháng 1.
Bà Davenport nói bất cứ hành động nào của Mỹ đơn phương cắt bớt thỏa thuận sẽ bị các cường quốc liên hệ đến thỏa thuận xem là kém cỏi. Bà nói: “Nếu Hoa Kỳ đơn phương phá hoại thỏa thuận, tôi nghĩ chúng ta sẽ đứng đơn độc một mình.”
Theo dõi sự tuân thủ của Iran
Trong một nỗ lực giải quyết những quan ngại của Hoa Kỳ và quốc tế về thỏa thuận, Ngoại trưởng John Kerry cho biết là các quan sát viên hạt nhân Liên hiệp quốc và các cường quốc sẽ tiếp tục theo dõi sự tuân thủ của Iran.
Tại một diễn đàn được tổ chức trước đây trong tuần ở Washington, ông Kerry nói: “Chúng ta sẽ bảo đảm là mối ám ảnh một nước Iran có vũ khí hạt nhân đe dọa an ninh Trung Đông và hòa bình thế giới sẽ không còn.”
Bà Slavin nói việc tuân thủ của Tehran, trong trường kỳ sẽ tùy thuộc vào “nhận thức của Iran về những đe dọa.”
Bà nói: “Điều này tùy thuộc là liệu có việc phổ biến hạt nhân chung quanh nước này hay không và liệu Ả Rập Xê-út có nỗ lực thủ đắc vũ khí hạt nhân hay không.”