Đường dẫn truy cập

Các biện pháp an ninh ở Bỉ báo trước tình trạng bình thường mới cho châu Âu


Một cặp đôi đang hôn nhau cạnh một cây Giáng Sinh thắp sáng nơi Quảng trường Grand, Brussels, Bỉ.
Một cặp đôi đang hôn nhau cạnh một cây Giáng Sinh thắp sáng nơi Quảng trường Grand, Brussels, Bỉ.

Cạnh một cây Giáng Sinh thắp sáng nơi Quảng trường Grand thường đầy du khách, một cặp đang hôn nhau. Họ là những người duy nhất ra ngoài đường vào buổi tối nay tại một trong các quảng trường lịch sử của châu Âu. Ngoài các binh sĩ ngồi túm tụm bên trong những xe thiết giáp vào đêm tháng 11 giá lạnh này, không thấy ai ở xung quanh.

Cách đó 2 con đường ở thủ đô Bỉ, một vài bình sĩ mặc áo rằng ri và áo khoác chống đạn cùng với một cảnh sát viên đi bộ ngang qua một cửa hàng ăn, một trong vài quán còn mở cửa gần Grand Place, nơi một số du khách Nhật Bản đang thò tay vào những đĩa đầy sò và khoai tây rán đặc biệt của Bỉ. Du khách dường như nói chuyện rất to hay có thể chỉ vì con đường yên tĩnh làm cho câu chuyện của họ nghe ồn ào hơn.

Xin chào mừng đến Brussels – thủ đô không riêng của nước Bỉ ma còn là trung tâm hành chính của Liên hiệp châu Âu đang bị lôi kéo một cách miễn cưỡng vào một tình trạng bình thường mới về an ninh.

Brussels hôm nay thức dậy vào ngày thứ tư của một phong tỏa an ninh với đa số hàng quán ở trung tâm còn đóng cửa, trường học nghỉ và chuyên chở công cộng hạn chế nghiêm nhặt. Các giới chức Bỉ cho hay trường học có thể được phép mở cửa lại vào thứ tư, nhưng có thể phải theo từng giai đoạn.

Từ trung tâm Brussels cho đến những quân ngoại thành mà di dân chiếm đa số như Molenbeek, nơi sinh sống của ít nhất 3 phần tử chủ chiến Hồi giáo thực hiện các vụ tấn công khủng bố ngày 13 tháng 11 ở Paris cho đến Liege, là sinh quán của Hoàng đế Charlemagne, người đã hợp nhất phần lớn Tây Âu thời Trung Cổ, cuộc truy lùng tiếp tục để tìm ra mạng lưới chủ chiến Hồi giáo mà các giới chức Bỉ sợ rằng đang hoạch định những vụ tấn công tương tự như những vụ đã xảy ra ở thủ đô Pháp.

Nghi can chính là kẻ tấn công Paris Salah Abdeslam, 26 tuổi, tay đánh bom dường như đã có những do dự vào phút chót và đã không kích nổ được áo khoác tự sát – nhưng cho đến giờ vẫn trốn tránh được và có thể đã chạy thoát khỏi tầm kiểm soát của lực lượng an ninh bằng cách phóng qua một hàng rào cảnh sát gần Liege cách đây vài ngày, theo tin tức chưa được kiểm chứng của giới truyền thông địa phương.

Ngay cả nếu như Abdeslam bị bắt và một mạng lưới khủng bố khác có thể có tới 8 phần tử chủ chiến bị sa lưới, thì nguy cơ khủng bố cũng sẽ chưa gỡ bỏ được khỏi nước Bỉ, hay khỏi châu Âu.

Các giới chức chống khủng bố Âu châu ước tính có ít nhất 5 ngàn người Âu châu đã gia nhập thành phần thánh chiến ở Syria. Một số nhà phân tích áng chừng con số còn cao hơn, có thể gấp đôi. Hàng trăm người đã trở lại. Ít nhất 516 người Bỉ đã lên đường ở một thời điểm nào đó để chiến đấu ở Syria và ít nhất 120 người đã trở về, theo ông Pieter Van Ostaeyen, một chuyên gia phân tích về chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Về mặt dân số, Bỉ “cho đến nay góp phần nhiều nhất vào yếu tố nước ngoài trong cuộc chiến tranh ở Syria.”

Bất kể những lời trấn an của các nhà lãnh đạo như Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Bỉ Charles Michel rằng sinh hoạt bình thường sẽ sớm tiếp tục, ít người ở thủ đô Bỉ này nói họ tin rằng đời sống sẽ trở lại như cũ trong một thời gian lâu dài.

Người Paris cũng thế, tuy họ đã tỏ ra chống đối một cách nghiêm khắc và bình tĩnh một cách kiên quyết kể từ khi xảy ra những vụ tấn công khủng bố tại thủ đô Pháp ngày 13 tháng 11.

Nadia, một người Rumani trung niên đã tạo dựng một cuộc sống thành đạt cho mình ở Brussels, nói: “Tôi đến đây đã 20 năm. Tôi đến bởi vì tôi nghĩ rằng đây sẽ là một nơi an toàn hơn so với các tỉnh thành khác ở châu Âu. Đây là thủ phủ của châu Âu, nhưng nay thì tôi không biết nữa.”

Cách đây gần nửa thế kỷ, chính phủ Anh đã phái quân đội đến đường phố của Belfast sau nhiều ngày bạo động phe phái. Đấy thoạt đầu chỉ là một sứ mạng ngắn hạn để vãn hồi trật tự, nhưng nó đã kéo dài thêm 29 năm. Cuộc điều quân đó là sự so sánh gần gũi nhất trong lịch sử Âu châu gần đây, ngoài một cuộc nội chiến toàn diện ở vùng Balkans, so với quy mô của các hoạt động an ninh đang được xúc tiến ở Bỉ và Pháp vào lúc này.

Brussels, Paris và Roma, nơi quân đội đã được điều động giữa những lo ngại về an ninh và những nguy cơ đen tối từ phìa Nhà nước Hồi giáo, chắc chắn sẽ chứng kiến thêm những dấu hiệu công khai hơn về chống khủng bố ngoài đường phố. Binh sĩ và xe thiết giáp sẽ được triệu hồi về các doanh trại, theo lời Thủ tướng Bỉ, có thể trong vòng 1 tuần nữa, nhưng rủi ro về an ninh đã được nâng cao.

Các quyền tự do từng được trân trọng đang bị bãi bỏ, vào lúc nhà chức trách sẵn sàng cho giai đoạn kế tiếp mà họ thừa nhận sẽ là một cuộc đấu tranh kéo dài với các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo. Các sở tình báo và lực lượng cảnh sát đang yêu cầu được nhiều quyền hạn và nhân viên hơn, các quy định lỏng lẻo hơn về thu thập dữ liệu và nới lỏng các luật lệ kiểm tra và bố ráp tư gia.

Các chuyên gia an ninh cho hay họ sẽ cần đến điều này và hơn nữa, nhất là về việc tăng cường nhân sự. Ông Jean-Charles Brisard, giám đốc Trung tâm Phân tích Khủng bố có trụ sở ở Paris, cảnh báo rằng “các sở tình báo đang bị quá tải.”

Ông nêu ra rằng Pháp có hơn 6 ngàn nghi can thánh chiến đã có hồ sơ và chỉ có 3 ngàn 200 nhân viên tình báo để theo dõi nhóm này. Các giới chức Bỉ cho hay họ có 800 nghi can thánh chiến “Loại 1” mà chỉ có trên 1 ngàn nhân viên tình báo quân đội và dân sự để chống lại mọi đe dọa mà đám người này có thể đề ra.

Và họ đang phải đối mặt trong nhiều trường hợp không những các phần tử chủ chiến dầy dạn kinh nghiệm chiến đấu mà cả những kẻ thù ngày càng tinh vi hơn trong việc né tránh sự theo dõi bằng phương tiện điện tử, từ việc sử dụng hồ sơ họ đã tự mã hóa cho đến thông tin liên lạc thông qua các phương tiện trò chơi video và sử dụng điện thoại di động đã trả tiền trước.

Sự tinh vi trong hoạt động mà các phần tử khủng bố phơi bày ở Paris với các vụ tấn công đồng thời khác hẳng với các chiến trường ở Syria và Iraq đã làm rúng động một đại lục vốn đã lúng túng không biết phải làm gì với luồng người tỵ nạn khổng lồ đổ vào từ Trung Đông và châu Phi và vẫn còn đang chật vật ứng phó với tình trạng suy thoái kinh tế sau vụ khủng hoảng tài chính năm 2008.

Mối đe dọa gia tăng về khủng bố hồi giáo cực đoan, những khối người Hồi giáo bất mãn và các đường biên giới bỏ ngỏ, cùng với cuộc khủng hoảng di trú và người tỵ nạn, đang tạo ra một cơn bão toàn diện cho châu Âu, mà một số chuyên gia phân tích lo ngại là lục địa này không được chuẩn bị để ứng phó.

Muốn làm được thế cần phải có một tình trạng bình thường mới về an ninh.

Nó bao gồm việc cải thiện chia sẻ thông tin giữa các cơ quan tình báo Âu châu, việc thu thập dữ liệu thuộc loại rộng rãi hơn mà các nhà lãnh đạo Âu châu vẫn lên án Hoa Kỳ là đang thực hiện, và việc kiểm soát cảnh sát sâu rộng hơn, theo nhận định của các chuyên gia. Tuy nhiên, kỹ thuật sẽ phải là tiến hành mọi việc ấy mà không gây thành kiến với người Hồi giáo và mất đi quá nhiều các quyền tự do quý báu tạo ra bản chất của châu Âu.

Bà Marietje Schaake, một nhà lập pháp và chính trị gia cấp tiến Hà Lan trong Nghị viên Âu châu nói: “Người Âu châu cần phải chống chủ nghĩa quá khích và chống lại việc cực đoan hóa. Có rất nhiều chơ hội hợp tác tốt hơn ở châu Âu. Tuy nhiên, những phản ứng nhất thời tách riêng ác nhóm hay làm xói mòn các quyền tự do và quyền của tất cả mọi người sẽ có tác động dội ngược.”

Đối với người Bỉ, ngay cả với các biện pháp an ninh có tính cách xúc phạm trong 4 ngày vừa qua, chính phủ đã đạt được rất ít kết quả để khoa trương về mặt số phần tử chủ chiến đã sa lưới hay lượng chất nổ và vũ khí đã tịch thu được. 20 người đã bị bắt kể từ khi bắt đầu cuộc phong tỏa hôm thứ bảy, nhưng văn phòng công tố liên bang cho biết đã có 17 người được phóng thích.

Hồi khuya thứ sáu, cảnh sát đã tìm thấy một vũ khí và thiết bị tự động thường được dùng để làm các áo khoác tự sát chứa chất nổ, trong một cuộc bố ráp một căn hộ ở Molenbeek; nhưng kể từ đó, nhà chức trách chưa báo cáo được việc tịch thu bất cứ loại vữ khí nào khác. 3 người đã bị truy tố là giúp Abdeslam chạy trốn khỏi Paris và trở lại nước Bỉ, và 1 người bị bắt hôm chủ nhật đã bị truy tố về những tội có liên quan đến những vụ tấn công ở Paris.

Tuy nhiên, không có báo cáo gì của chính quyền về một mạng lưới khủng bố nào khác đang hoạch định những vụ tấn công ở Bỉ. “Chúng tôi cảnh giác rất cao. Các mục tiêu có thể bị nhắm vẫn là những trung tâm thương mại, đường phố và chuyên chở công cộng.” Thủ tướng Michel nói thêm với các phóng viên tại một cuộc họp báo tối thứ hai, “Không có ai hài lòng về tình hinh này.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG