Đường dẫn truy cập

Cá hồi Na-uy tuồn lậu sang Trung Quốc qua ngả Việt Nam?


Tư liệu: Cá hồi, món ăn khoái khẩu của nhiều gia đình từ Âu sang Á. (AP Photo/Martha Bellisle)
Tư liệu: Cá hồi, món ăn khoái khẩu của nhiều gia đình từ Âu sang Á. (AP Photo/Martha Bellisle)

Ba nhà sản xuất cá hồi lớn nhất Na-Uy bác bỏ mọi liên hệ với các hoạt động buôn lậu cá hồi sang Trung Quốc qua ngả Việt Nam.

Các nhà sản xuất Na-uy khẳng định họ không tuồn cá hồi sang Trung Quốc qua trung gian Việt Nam, sau khi chính quyền của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới trấn áp các hoạt động buôn lậu đã khiến cho giá cá hồi tăng lên.

Các tập đoàn Marine Harvest, Cermaq và Leroy Seafood nói với trang tin Undercurrent News rằng họ bác bỏ mọi liên hệ với các giao dịch bất hợp lệ, sau khi giới hữu trách Trung Quốc tuyên bố đã phá vỡ một đường dây buôn lậu cá hồi trị giá khoảng 100 triệu USD vào nước này.

Marine Harvest, nhà sản xuất cá hồi lớn nhất thế giới, đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy chế biến tại Thượng Hải trong năm nay. Theo một phát ngôn viên của Marine Harvest, công ty này không có can dự gì vào các hoạt động đưa lậu cá hồi sang Trung Quốc qua ngả Việt Nam.

Công ty này không trực tiếp bình luận về lý do tại sao cá hồi trong hộp có gắn nhãn Marine Harvest lại xuất hiện trên các bản tin ở Trung Quốc.

Theo một phúc trình thực hiện hồi gần đây, doanh thu của Marine Harvest sang châu Á chỉ chiếm có 8% trong quý 4.

Một phát ngôn viên của công ty Cermaq, thuộc quyền sở hữu của tập đoàn Mitsubishi -Nhật Bản, cũng xác định rằng "Cermaq không đưa cá hồi sang Trung Quốc qua ngả Việt Nam".

Đại diện của tập đoàn Cermaq nói với Undercurent: "Những giao dịch bán cá hồi duy nhất của công ty chúng tôi với Việt Nam chỉ nhắm vào thị trường nội địa. Năm ngoái chúng tôi bán được 2 tấn cá hồi cho tập đoàn Mitsubishi ở Việt Nam".

Giám đốc điều hành của tập đoàn Leroy, ông Henning Beltestad, cũng bác bỏ cáo buộc cho rằng công ty của ông đã tuồn cá sang Trung Quốc qua trung gian Việt Nam: "Chúng tôi không bán bất kỳ con cá hồi nào cho Trung Quốc qua ngả Việt Nam.” Ông từ chối bình luận thêm.

Đối với tập đoàn Leroy, doanh thu ở châu Á trong quý 4 đạt khoảng 98,9 triệu USD. Tập đoàn này không cung cấp thêm chi tiết nào khác về mức doanh thu ở Châu Á.

Ông Beltestad không bình luận về làm cách nào cá hồi đóng hộp mang nhãn Scottish Sea Farms (SSF) được phát hiện ở Trung Quốc và bị liên kết với các hoạt động mờ ám.

Jim Gallagher, giám đốc điều hành của SSF, nói với Undercurrent: "Scottish Sea Farms đã bán cá hồi có phẩm chất cao cho khách hàng ở Trung Quốc trong nhiều năm qua, chúng tôi xuất khẩu cá hồi trực tiếp vào thị trường TQ với tất cả mọi giấy tờ hợp lệ. Ngược lại, chúng tôi không có giao dịch với Việt Nam và đã không giao dịch từ năm 2015 tới nay."

Năm ngoái, Na-uy xuất khẩu tổng cộng hơn 23.000 tấn cá hồi Atlantic tươi sang Việt Nam, theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), khiến Việt Nam trở thành thị trường lớn nhất cho cá hồi xuất khẩu từ Na Uy, bên ngoài khối EU.

VOA Express

XS
SM
MD
LG