Một cựu nghị viên trẻ gốc Việt vừa mãn nhiệm ở San Jose, thành phố có đông người Việt nhất nước Mỹ, vừa có buổi trò chuyện với VOA về 4 năm giữ chức vụ nghị viên lắm việc, nhiều thị phi nhưng cũng đầy vinh dự và tự hào của ông.
Luật sư Diệp Thế Lân đắc cử chức nghị viên vào năm 2016 khi mới 32 tuổi, trở thành nghị viên trẻ nhất trong Hội đồng thành phố San Jose, bang California, Hoa Kỳ. Trong thời gian giữ chức thành viên trong hội đồng thành phố, ông Lân nói ông vinh dự được góp sức vào một giai đoạn đầy biến động chính trị và xã hội, khi khu vực ông đại diện gặp thiên tai lũ lụt, cháy rừng… giữa bối cảnh chung đầy chia rẽ của nước Mỹ.
Công việc “làm dâu trăm họ”
Đắc cử nghị viên ở độ tuổi còn rất trẻ, Luật sư Diệp Thế Lân cho biết ông phải mất một thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu cặn kẽ từng công việc trong mớ công việc bất tận để phục vụ cho mọi nhu cầu của thành phố.
“Những công việc của thành phố là vô tận, từ vấn đề sửa chữa đường xá, làm sạch thành phố cho đến vấn đề giữ an ninh, xây dựng hàng ngũ cảnh sát… Bên cạnh đó, tôi còn có thêm trách nhiệm đối với cộng đồng Việt Nam. Người ta xem tôi là một nghị viên Việt Nam nên nhiều người chờ mong tôi đóng góp, xây dựng cho cộng đồng”, ông Lân nói với VOA.
Cựu nghị viên San Jose nói thời gian đầu mới nhậm chức, ông bị quay cuồng với lịch làm việc dày đặc mà không có bất cứ một chỉ dẫn nào, nên thường xuyên bị giằng xé giữa những ưu tiên công việc, giữa công việc chung trong khu vực mà ông đại diện với trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng người Việt.
“Đa số người Việt Nam không sống trong khu vực của tôi, mà họ sống trong khu vực 7, còn tôi đại diện cho khu vực 4. Vì có nhiều việc cần phải giải quyết nên vấn đề là thời gian của mình cần phải tập trung ở đâu? Ngồi ở nhà đọc tài liệu để hiểu biết cho kỹ những vấn đề cần phải giải quyết, hay ra ngoài tham gia các buổi sinh hoạt cộng đồng như văn nghệ, khai trương cơ sở thương mại? Có những sinh hoạt của cộng đồng Việt Nam như Tết, ngày 30/4… tôi đều tham dự, nhưng sinh hoạt hằng tuần thì tôi không tham dự vì một là không biết, hai là vì tôi đang tập trung vào sinh hoạt của Khu vực 4 – nơi tôi đại diện, thì cũng có một số người nói rằng ‘Sao Nghị viên Lân là người Việt, đại diện cho người Việt Nam mà chẳng thấy ông ta đâu cả?’”.
Cố gắng cân bằng giữa công việc và kỳ vọng của người dân, nhưng LS. Diệp Thế Lân cho biết không phải lúc nào ông cũng có thể lấp đầy khoảng cách giữa những “kỳ vọng” và “thực tế”.
“Những điều mà cộng đồng Việt Nam chờ mong và hy vọng ở một người đại diện khi mang ra thực tế nó không dễ như mọi người nghĩ. Mọi người nghĩ rằng có chân trong chính quyền thì muốn làm gì thì làm. Nhưng trên thực tế, mình có chân trong chính quyền thì mình có thể đưa đề nghị, đưa ra kế hoạch, nhưng để thi hành thì phải có 6 lá phiếu thuận trong số 10 nghị viên của thành phố”.
Ngoài ra, vấn đề ưu tiên về thời gian, nhân lực, ngân sách… của thành phố cũng là những yếu tố rất lớn chi phối kết quả của các lá phiếu, ông Lân cho biết. Chính vì vậy, theo ông, “Vấn đề đầu tiên là mình phải biết giới hạn thời gian của mình và ưu tiên cho vấn đề nào. Bởi vì khi bước chân vào vai trò đó, ai cũng muốn gặp gỡ, ai cũng muốn mời mình đi đây đi đó, và bản thân mình cũng muốn đi để học hỏi, hiểu biết thêm. Cho nên làm mãi thì sẽ rất mệt, và càng mệt thì càng khó suy nghĩ công việc cho kỹ càng và khó làm được công việc mà người ta chờ mong mình làm”.
Dân chủ cần được bảo vệ
Một trong những điều mà vị cựu nghị viên gốc Việt trải nghiệm được qua nhiệm kỳ 4 năm là ông hiểu “thấu đáo hơn” và trân trọng hơn nền dân chủ ở nước Mỹ, trong đó có vai trò đóng góp không thể thiếu của từng công dân.
Chẳng hạn, ông đưa ra ví dụ, “Các cơ quan truyền thông có vai trò thông tin, nhưng đôi khi đưa tin không đầy đủ không phải vì có ác ý gì, nhưng một bài báo chỉ có nửa trang thì không đủ để ghi ra hết chi tiết mọi khía cạnh của vấn đề, không đủ để cho mọi công dân có thể cân nhắc, theo dõi vấn đề một cách thấu đáo. Vì thế có nhiều tranh luận trong một phiên họp kéo dài cả 10 tiếng đồng hồ bị rút lại trong một bản tin chỉ nửa trang nên sẽ thiếu cái này cái nọ. Vì thế, nhiều người có quan điểm, kết luận, phê bình, khen hoặc theo người này trách người kia không được chính xác cho lắm. Nhưng mình ở trong vai trò lãnh đạo thì phải nhận những lời khen hay phê bình đó thôi, cho dù nó chính xác hay không”.
Theo LS. Diệp Thế Lân, trong thời gian qua, chính tình trạng tiếp nhận thông tin phiến diện đã dẫn đến rất nhiều chia rẽ nghiêm trọng trong cộng đồng người Mỹ nói chung và người Việt nói riêng.
“Dân chủ là tốt, dân chủ là nên có, nhưng bên cạnh quyền lợi thì phải có trách nhiệm. Không hẳn mình sống trong một xã hội dân chủ thì chỉ 2 năm, 4 năm mình chỉ đi bỏ phiếu là xong, rồi mình sống cuộc đời của mình, mà bên cạnh đó mình phải có trách nhiệm quan sát, theo dõi và bảo vệ nền dân chủ. Nền dân chủ cần phải được bảo vệ, chứ không thể tự nó kéo dài được”.
Vinh dự và mong có ngày đóng góp cho quê hương
Nhiệm kỳ vừa qua đã để lại trong vị cựu nghị viên trẻ tuổi những “cảm xúc rất riêng”. Ông chia sẻ với VOA:
“Khi lái xe quanh San Jose, tôi nhìn góc đường này góc đường kia và tôi biết rằng tiệm này, công viên này hoặc nơi kia có được là vì một phần trong đó có tay tôi biểu quyết để cho phép chúng được xây dựng”.
Ông nói những cảm xúc “rất cá nhân” đó “rất ý nghĩa” đối với ông, vì “Tôi biết rằng dù cho tôi có dọn đi nơi nào khác hay tôi làm gì trong tương lai, thì mãi mãi tôi có thể nói rằng ít nhất đối với kế hoạch này, góc đường này đã có tôi đóng góp vào đó”.
Bốn năm làm nghị viên cũng giúp cho ông từ cương vị một luật sư giờ “hiểu hơn, thông cảm hơn và ngưỡng mộ hơn” tất cả những người dám tình nguyện ra tranh cử ở bất kỳ vị trí nào trong chính trường Hoa Kỳ, cho dù thắng hay thua, vì theo lời ông, “đó là một quyết định không dễ dàng” khi họ dám hy sinh thời gian riêng để phục vụ cho công việc chung.
Sinh ra tại Mỹ trong một gia đình người Việt tị nạn, ông Diệp Thế Lân cho biết ông được dạy dỗ và luôn ý thức về di sản gốc Việt của mình.
“Cũng như nhiều gia đình khác sang Mỹ vào thập niên 1980, tự xem mình là người Việt sống tạm ở nước Mỹ và một ngày nào đó khi đất nước có tự do dân chủ, có đa đảng và sinh hoạt dân chủ thực sự, thì tôi sẽ trở về để đóng góp cho quê hương”.
Vì vậy, ông tự đặt ra trách nhiệm “học hỏi và thu nhập những cái hay của xã hội tự do, xã hội dân chủ, học về Hiến pháp, sự chia quyền, đa đảng… để rồi một ngày nào đó mang những bài học đó về Việt Nam như ước mong của cụ Phan Bội Châu”.