Cử tri gốc Việt ở Georgia, Mỹ, nhận định kỳ bầu cử Thượng viện sắp diễn ra ở tiểu bang này vào ngày 5/1, là rất quan trọng để quyết định Đảng nào giành quyền kiểm soát Thượng viện liên bang cũng như đường hướng sắp tới để đối phó dịch bệnh lan tràn và nền kinh tế đang đi xuống.
Cử tri Georgia sẽ đi bỏ phiếu vòng hai để quyết định hai chiếc ghế còn lại vào Thượng viện liên bang giữa hai ứng viên Cộng hòa đương nhiệm là ông David Perdue, bà Kelly Loeffler và hai đối thủ Dân chủ là các ông Jon Ossoff và Raphael Warnock.
Với việc ông Joe Biden sắp vào Nhà Trắng và Đảng Dân chủ giữ được thế đa số ở Hạ viện trong cuộc bầu cử ngày 3/11 vừa qua, hiện mọi sự tập trung đổ dồn vào cuộc bầu cử ở Georgia. Nếu giữ được hai ghế này, Đảng Cộng hòa sẽ tiếp tục nắm Thượng viện để cản trở chương trình nghị sự của ông Biden. Còn nếu Đảng Dân chủ giành được ghế, họ sẽ nắm toàn bộ hành pháp và lập pháp để dễ dàng thúc đẩy các chính sách của mình.
Hiện tại Đảng Cộng hòa nắm 50 ghế còn Dân chủ có 48. Nếu hai bên có số ghế bằng nhau, tức 50-50, thì bà Kamala Harris với tư cách phó tổng thống, chủ tịch thượng viện, sẽ bỏ lá phiếu quyết định cho phe Dân chủ.
Mặc dù còn vài ngày nữa mới bầu cử chính thức nhưng đông đảo cử tri Georgia đã đi bỏ phiếu sớm. Số liệu do Washington Post dẫn lại cho thấy kể từ ngày 14/12, ít nhất 2,6 triệu cử tri đã bỏ phiếu.
Cả Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump và Tổng thống Tân cử Joe Biden đều đã đích thân xuống Georgia để vận động cho các ứng viên của Đảng mình. Dự kiến vào thứ Hai ngày 4/1, hai ông sẽ tiếp tục xuất hiện ở Georgia chỉ cách nhau có vài giờ để vận động. Trước đó, phó Tổng thống Mike Pence cũng đã nhiều lần về Georgia để vận động trong khi người sắp thay ông là bà Kamala Harris dự kiến sẽ có mặt ở Savannah vào ngày 3/1 – lần thứ hai bà đến Georgia trong cuộc chạy đua nước rút vào Thượng viện.
Các nhóm vận động cử tri của Đảng Dân chủ trong những ngày qua cũng nỗ lực hết sức quyết liệt trên khắp tiểu bang miền Nam để kêu gọi cử tri, nhất là cử tri da đen, đi bỏ phiếu. Sự tham gia đông đảo của cử tri da màu vào ngày 3/11 được cho là một trong những nhân tố giúp ông Biden “lật” tiểu bang này từ đỏ sang xanh lần đầu tiên sau 28 năm.
‘Phải cân bằng quyền lực’
Trao đổi với VOA, bà Kim Chi Ngô, một nhà hoạt động của Đảng Cộng hòa ở Atlanta, thành phố lớn nhất bang, cho biết bà tích cực đi vận động các cử tri, kể cả gốc Việt và Mỹ trắng, bầu cho hai ứng viên Cộng hòa. Bản thân bà cũng bỏ phiếu sớm.
Lý do bà cho rằng kỳ bầu cử này là quan trọng mà các cử tri Cộng hòa phải đi bầu là ‘ngăn không cho Đảng Dân chủ kiểm soát luôn Thượng viện’.
“Nếu Thượng viện để cho Dân chủ nắm đa số thì họ toàn quyền muốn làm gì thì làm. Cho nên phải cân bằng lại bằng cách để Thượng viện cho Cộng hòa nắm,” bà Chi giải thích.
Tuy nhiên, bà Chi nói bà bỏ phiếu ‘không hẳn là vì đảng phái’ mà còn vì chính sách, quan điểm và con người của các ứng viên nữa. Bà cho biết bà theo dõi cả bốn ứng viên rất kỹ và phê phán ông Raphael Warnock ‘là mục sư mà ủng hộ phá thai’.
“Nếu hai ứng viên Dân chủ mà tốt thì tôi cũng bầu cho họ vậy,” bà nói và cho biết do có lập trường bảo thủ nên bà ủng hộ quan điểm của hai ứng viên Cộng hòa.
Một điểm quan trọng mà bà không đồng ý với Đảng Dân chủ là họ chủ trương ‘chính quyền mạnh’. Bà cho rằng nếu chính phủ nắm quyền hành nhiều thì ‘sẽ đi gần tới giống như chính quyền cộng sản’.
Bà nói do Đảng Dân chủ được các đại doanh nghiệp tài trợ rất nhiều tiền của nên ‘họ đã đổ cả tỷ đô la vào Georgia để lấy cho bằng được hai ghế Thượng viện này’, “Họ có tiền để vận động cử tri của họ ở các bang khác chuyển về Georgia, mua nhà, đổi bằng lái xe để đi bầu,” bà nói và cho biết ‘chính mắt bà nhìn thấy nhiều trường hợp như vậy’.
Do đó mà bà đã vận động Chính quyền của Thống đốc Brian Kemp không cho phép những người không đi bỏ phiếu ở Georgia hôm 3/11 được đi bầu vào ngày 5/1 tới, nhưng không thành công.
“Họ trả tiền cho một đội ngũ đông đảo đi gõ cửa từng nhà, gọi điện tranh thủ từng cử tri, bỏ ngân sách ra làm quảng cáo. Họ đã nhồi sọ người dân, nhất là giới trẻ, đi theo Dân chủ,” bà Chi nói.
“Sóng sau dồn sóng trước. Người Cộng hòa dần dần là những người lớn tuổi, con cái đều theo Dân chủ. Làn sóng Xanh sẽ ập vào,” bà bày tỏ lo ngại và cho rằng giới trẻ thích Đảng Dân chủ vì ‘họ phóng khoáng, dễ dãi’.
Khi được hỏi bà có lòng tin vào bầu cử nữa hay không sau những cáo buộc gian lận mà ông Trump đưa ra, bà nói ‘vì vừa rồi họ gian lận nên mình phải tiếp tục đi bầu’.
Mặc dù ông Trump cáo buộc cuộc bầu cử có gian lận nhằm ‘đánh cắp phiếu bầu của ông’ nhưng các ứng viên Cộng hòa trong cuộc đua vào Thượng viện hôm 3/11 đều có thành tích tốt hơn mong đợi.
“Tôi nói cho rất nhiều người là quý vị nên tiếp tục đi bầu tại vì nếu mình không đi thì bên Dân chủ không cần gian lận họ cũng thắng,” bà nói.
Dịch bệnh và kinh tế
Cũng từ Atlanta, anh Long Trần, chủ quán Peach Corner Café, cho biết anh cũng đã đi bầu sớm nhưng anh bầu cho hai ứng viên Đảng Dân chủ.
Hai nhân tố quan trọng khiến anh bỏ phiếu cho Ossoff và Warnock là ‘kinh tế lao đao’ và ‘dịch bệnh đang hoành hành’.
“Tôi cần bầu cho người thấy rõ ràng cần phải làm sao để ngăn dịch bệnh lây lan,” anh nói.
Anh cho biết vì dịch bệnh mà công việc làm ăn của anh đang rất khó khăn. “Người ta sợ dịch bệnh nên không dám ra ăn uống gì. Mấy tiệm kế chỗ tôi đã đóng cửa rồi. Nếu tình hình này kéo dài thì trước sau gì cũng tới phiên tôi đóng cửa,” anh nói.
Anh chỉ trích Thượng viện do Đảng Cộng hòa nắm giữ 10 năm qua ‘không làm gì hết mà chỉ ngồi đó cản trở các chính sách của Đảng Dân chủ’.
Về chính sách giảm thuế của Đảng Cộng hòa hồi năm 2017, anh Long cho là vô lý vì ‘lúc kinh tế mạnh thì lại giảm thuế còn lúc kinh tế lao đao như lúc này thì thuế sắp tăng trở lại’.
Chính sách giảm thuế của Đảng Cộng hòa đối với những tiểu thương như anh sẽ hết hiệu lực vào năm 2021, anh cho biết và nói hy vọng vào lời hứa của ông Biden sẽ không tăng thuế đối với những người thu nhập ít hơn 400.000 đô la một năm.
Người chủ doanh nghiệp này cũng nói rằng các chính sách của Đảng Dân chủ ‘sẽ giúp đỡ cho tiểu thương’. “Tôi nghiên cứu chính sách của họ trên mạng nên thấy rõ rằng Đảng Dân chủ muốn cho tiền người thất nghiệp nhiều hơn, muốn cho tiểu thương vay nhiều hơn để trả tiền mặt bằng, tiền mướn nhân viên,” anh cho biết.
“Tiền chính phủ đổ ra sẽ không mất đi mà sẽ được chi tiêu vào nền kinh tế, thúc đẩy nền kinh tế trở lại, do đó sẽ giúp cho các doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi,” anh lập luận.
Ngoài ra, anh cũng lên án Đảng Cộng hòa ‘không thể hiện vai trò lãnh đạo trong chống dịch’. Vấn đề anh quan tâm nhất là ‘khi nào các nhân viên của tôi sẽ được chích vaccine’ mà anh nói chính quyền của Đảng Cộng hòa không có câu trả lời.
Anh Long cũng phản bác lập luận rằng tập trung quyền hành pháp và lập pháp vào tay Đảng Dân chủ ‘sẽ tai hại cho nước Mỹ’. Anh chỉ ra rằng dưới thời các cựu Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama, Đảng Dân chủ cũng từng nắm giữ cả Thượng viện và Hạ viện mà ‘nước Mỹ vẫn hoạt động tốt’.
“Mình phải để cho Đảng Dân chủ nắm Thượng viện. Mình có hai năm (trước khi đến bầu cử giữa kỳ) để coi họ có làm được việc không. Nếu họ không làm được thì đến năm 2022 sẽ bầu cho họ ra,” anh phân tích.
“Chúng ta phải tin vào cơ chế dân chủ vững mạnh của nước Mỹ. Không Đảng nào độc chiếm quyền lực có thể phá hủy đất nước này được. Quyền lực là ở trong tay người dân chứ không phải ở các lãnh đạo chính trị,” anh bày tỏ.
Về lập luận một số người Việt đưa ra rằng ‘Đảng Dân chủ lên nắm quyền là thảm họa’, anh lập luận: “Hồi xưa dưới thời Clinton và Obama, nước Mỹ vẫn đi lên, kinh tế đi lên, việc làm nhiều hơn. Họ chỉ nói cho có để làm người khác sợ thôi nhưng số liệu không chứng minh những điều họ nói.”
Người chủ doanh nghiệp nhỏ này bày tỏ hy vọng Làn sóng Xanh sẽ tiếp tục trở lại trong kỳ bầu cử này vì anh đã chứng kiến con số ‘phải nói là lịch sử’ những người đi vận động từng nhà nói tại sao phải bầu cho các ứng viên Dân chủ.
“Tôi hy vọng những người trẻ, những người có học, những người làm doanh nghiệp, các sắc dân da đen, người gốc Latin, người gốc Á sẽ đi bầu đông đảo để vượt qua Bức tường Đỏ ở Georgia,” anh Long nói.