Bà Trương Thị Phượng mới tốt nghiệp một trường quản trị kinh doanh nằm ở tiểu bang California, sau hơn mười năm không ngừng học hỏi kể từ khi đặt chân tới nước Mỹ.
Người phụ nữ 75 tuổi cho VOA Việt Ngữ biết rằng bà một mình tới Mỹ lúc 65 tuổi theo diện bảo lãnh, và kể từ đó tới nay, bà theo đuổi “con đường chữ nghĩa” vì đó là “con đường mòn của cô”.
Cô muốn nói rằng điều kiện ở Mỹ rất là tốt, hơn ở Việt Nam. Ở Việt Nam không khuyến khích người già đi học, nhất là trường đại học. Ở Mỹ nhà trường không có hỏi hay đặt điều kiện để hạn chế người già. Chính phủ vẫn coi mọi công dân như nhau, mọi sinh viên như nhau.Bà Trương Thị Phượng nói.
Bà nói mình thích học “từ khi còn là học sinh tiểu học”, và sau khi đến Hoa Kỳ, bà “muốn học thêm kiến thức về quản trị kinh doanh” vì “cả đời cô, hơn 32 năm, làm kế toán tài chính trong công ty điện lực Việt Nam”.
Và đó chính là lý do bà đăng ký các khóa học ở các trường khác nhau, trước khi chuyển tiếp lên Trường Quản trị Kinh doanh thuộc Đại học California State ở Long Beach, sau khi được chỉ cách xin hỗ trợ tài chính.
Bà Phượng cho biết rằng bà “theo học cho tới tận bây giờ” vì bà “không bao giờ chán nản”.
Bà nói với VOA tiếng Việt: “Thật sự trong lòng cô, cô nghĩ rằng đời người thì phải mãi mãi cầu tiến, khi còn sức khỏe. Trước tiên ở trong gia đình, lúc nào cô cũng muốn làm gương cho con, cho cháu của cô để thúc đẩy chúng nó có sự ham thích, cầu tiến học tập, để có tương lai, sự nghiệp, để có thể tự sinh sống được”.
Nhận xét về “cụ bà sinh viên”, ông Michael E. Solt, Hiệu trưởng Trường Quản trị Kinh doanh, nói rằng bà Phượng là một “hình mẫu tuyệt vời”.
“Câu chuyện của bà ấy khiến mọi người thực sự cảm thấy ấm lòng vì nỗ lực học hỏi để đạt được mục tiêu cá nhân”, ông Solt nói.
Ông cũng cho biết thêm rằng các sinh viên khác trong lớp coi người phụ nữ gốc Việt này là “người bạn đáng quý”.
Về “giấc mơ Mỹ”, bà Phượng nói rằng chính phủ Hoa Kỳ đã “tạo điều kiện” cho mọi người, đặc biệt là những người như bà, “có thể tiếp tục học, tiếp tục phát triển, nhất là những kiến thức về chuyên môn mà hồi lúc trẻ mình học chưa tới, chưa được như ý muốn”.
Cụ bà 75 tuổi nói tiếp: “Cô muốn nói rằng điều kiện ở Mỹ rất là tốt, hơn ở Việt Nam. Ở Việt Nam không khuyến khích người già đi học, nhất là trường đại học. Ở Mỹ nhà trường không có hỏi hay đặt điều kiện để hạn chế người già. Chính phủ vẫn coi mọi công dân như nhau, mọi sinh viên như nhau”.
Bà Phượng nói thêm về chuyện người phụ nữ Việt Nam, không chỉ ở trong nước mà còn ở Mỹ, ai cũng phải “đầu tắt mặt tối” để chăm sóc chồng, con cháu, kể cả khi đã về già.
Và bà may mắn hơn người khác khi không phải quá vướng bận vào chuyện đó vì bà sang Hoa Kỳ một mình đầu những năm 2000 theo diện bảo lãnh để tìm đường đi nước bước cho các con sau này. Tới nay, bà cho hay đã đưa được người con trai sang Mỹ với mình, trong khi con gái vẫn còn ở Việt Nam.
Sự già nua của thể chất, hình dáng, không đáng sợ, khủng khiếp bằng sự già nua của tinh thần.Bà Trương Thị Phượng nói.
Khi được hỏi muốn nói gì với những người cao tuổi cùng trang lứa, người phụ nữ gốc Việt kể rằng bà đọc nhiều và đúc kết ra rằng “việc học làm cho tâm hồn người cao tuổi trẻ ra”.
Bà nói: "Người già đi học thì cái tinh thần sẽ trẻ ra hơn là không đi học. Và nhờ tâm hồn, tinh thần nó trẻ, nên nó cũng ảnh hưởng tới diện mạo ở bên ngoài. Người cao tuổi đó sẽ chậm già nua hơn là những người không đi học. Sự già nua của thể chất, hình dáng, không đáng sợ, khủng khiếp bằng sự già nua của tinh thần”.
Bà Phượng nói rằng càng học, bà “càng thấy hòa vào cuộc sống, hòa vào cuộc sống của lớp trẻ hơn”, và “sẽ không ngừng học hỏi cho tới khi trái tim ngừng đập”.