Điện lại được sử dụng như một công cụ để ngăn chặn những thứ mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam cho rằng... phiền toái, có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng về tư tưởng và nhận thức, đe dọa sự ổn định chính trị. Tuy nhiên phản ứng của công chúng cho thấy, biến điện thành công cụ nhằm bảo vệ tư tưởng, nhận thức, duy trì sự ổn định chính trị không... thông minh lắm và hậu quả hại nhiều lợi!
***
Chương trình ca nhạc với chủ đề “Nhớ mùa thu Hà Nội” đã không thể diễn ra theo dự kiến vào lúc 20 giờ ngày 24/9/2022 tại Nhà hát Lớn Hà Nội vì theo Công ty Quảng cáo truyền thông S (Công ty S) – doanh nghiệp tổ chức “Nhớ mùa thu Hà Nội”, vào giờ chót, Nhà hát Lớn Hà Nội – phía cho thuê địa điểm biểu diễn – thông báo, nơi này bị cắt điện từ 9 giờ sáng cùng ngày nên không thể thực hiện hợp đồng đã ký.
Trước đó, Công ty S loan báo: Chương trình “Nhớ mùa thu Hà Nội” sẽ có sự tham gia của: Khánh Ly, Phương Hồng Ngọc, Cẩm Vân, Khắc Triệu, Quang Thành và Đức Tuấn. “Nhớ mùa thu Hà Nội” được công chúng chú ý vì đó là lần đầu tiên và có thể cũng là lần cuối cùng Khánh Ly cùng khán giả “chạm vào mùa thu Hà Nội” như bà từng ao ước kể từ khi rời Hà Nội phiêu bạt khắp nơi.
Trong khi Khánh Ly bày tỏ hy vọng, “Nhớ mùa thu Hà Nội” sẽ là dịp bà được hát giữa mùa thu Hà Nội, cảm nhận những cảm xúc của các nhạc sĩ đã từng viết những nhạc phẩm tuyệt vời về mùa thu thì đại diện doanh nghiệp tổ chức biểu diễn hứa, sẽ cố gắng để “Nhớ mùa thu Hà Nội” sinh động với nhiều lớp lang cảm xúc, ai cũng có thể thấy dáng hình mình trong đó...
Việc Nhà hát Lớn Hà Nội đơn phương hủy bỏ hợp đồng cho thuê địa điểm vào giờ chót, không chỉ gây tổn thất cho Công ty S sau khi doanh nghiệp này đã dồn trí lực, sức lực, thời gian, tiền bạc vào “Nhớ mùa thu Hà Nội” (đại diện Công ty S cho biết, ước tính sơ bộ về thiệt hại mà họ phải gánh chịu khoảng 1 tỉ 550 triệu đồng), mà còn gây tổn thương, thất vọng cho cả những ca sĩ tham gia chương trình lẫn khán giả...
Tuy Nhà hát Lớn Hà Nội không giải thích tại sao đột nhiên cắt điện vào ngày 24/9/2022 nhưng công chúng vẫn hiểu nguyên nhân: Cấp trên của Nhà hát Lớn Hà Nội (Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch – VHTTDL) và cấp trên của cấp trên không thích Khánh Ly biểu diễn tại Hà Nội. Cắt điện là một... động tác kỹ thuật để chiều theo ý muốn của một hay một vài cá nhân lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam.
Việt Nam chỉ có... nhà nước pháp quyền XHCN, không có... vua nhưng nhà nước pháp quyền XHCN vận hành theo ý chí của một hay một vài cá nhân. Chưa rõ Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ phải bồi thường cho Công ty S bao nhiêu nhưng bao nhiêu thì tiền chi ra để bồi thường vi phạm hợp đồng cũng được trích từ công khố và tất nhiên sẽ trừ đi phúc lợi mà dân chúng là đối tượng thụ hưởng.
Bởi nhà nước pháp quyền XHCN vận hành theo ý chí của một hay một vài cá nhân nên mới có những doanh nghiệp không sai vẫn “vỡ mày, vỡ mặt” như Công ty S chỉ vì ai đó không... thích, hay phát sinh những tình huống như hệ thống truyền thông chính thức đồng loạt loan tin về việc “Nhớ mùa thu Hà Nội” phải hủy do bị cắt điện rồi đồng loạt đục bỏ (1) dù “được biết, được bàn” vẫn là quyền hiến định.
***
Cách nay khoảng ba tháng, ca sĩ Khánh Ly từng khuấy động dư luận khi trình bày “Gia tài của mẹ” trong chương trình ca nhạc có chủ đề “Dấu chân địa đàng” do Công ty Mây Lang Thang tổ chức ở thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng). Vì “Gia tài của mẹ” không có trong danh mục nhạc phẩm được... duyệt để... biểu diễn nên Công ty Mây Lang Thang bị Sở VHTTDL Lâm Đồng... “cảnh cáo” (2).
Bị ràng buộc vì những tuyên bố liên quan đến... “thiện chí”..., cũng như những mời chào... “hòa hợp, hòa giải”, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam cùng làm ngơ, không đả động hoặc đụng chạm gì đến Khánh Ly mà chỉ tập trung... điều tra và xử lý Công ty Mây Lang Thang. Cho dù đã nhắm mắt, bịt tai, hành xử theo kiểu... “khôn nhà, dại chợ” (chỉ xử lý trong nhà – Công ty Mây Lang Thang, bỏ qua trách nhiệm của người ngoài – Khánh Ly) nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam thảm bại trên mặt trận dư luận! Có thể vì những kinh nghiệm thu lượm được sau biến cố “Gia tài của mẹ” và vẫn còn nuôi tham vọng trình bày... “thiện chí”... mời chào... “hòa hợp, hòa giải”, thay vì cấm Khánh Ly biểu diễn tại Việt Nam, những viên chức hữu trách chọn giải pháp để Nhà hát Lớn Hà Nội... “cắt điện” vì bó tay với... Khánh Ly.
Muốn biết “cắt điện” có phải là giải pháp thông minh hay không cứ vào mạng xã hội xem công chúng phản ứng thế nào về chuyện “Nhớ mùa thu Hà Nội” bị hủy. Chiêu “cắt điện” dẫu không mới nhưng dường như hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam không thể nghĩ được “chiêu” nào hữu dụng hơn: “Cắt điện” để chặn Đoàn nghệ thuật Nội Mông của Trung Quốc biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội hôm 19/1/2018 nhằm bày tỏ... tình hữu nghị với Việt Nam đúng vào dịp kỷ niệm 44 năm ngày Trung Quốc cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa (2). “Cắt điện” để đại diện các chính phủ ngoại quốc, tổ chức quốc tế và công chúng trong nước không thể nghe – biết những tù nhân chính trị nói gì. Tương tự, “cắt điện” để không ai biết các viên chức, những cá nhân đưa hối lộ khai gì với Hội đồng xét xử trong những vụ án liên quan tới tham nhũng...
Ngẫm kỹ hơn thì dường như vấn đề không nằm ở khía cạnh trí lực. Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam thích dùng điện như công cụ chỉ vì thiếu cả trung thực lẫn dũng cảm để thừa nhận mâu thuẫn giữa nói và làm. Chẳng hạn trong chuyện Nhà hát Lớn Hà Nội “cắt điện” để hủy “Nhớ mùa thu Hà Nội”, các viên chức cao cấp không dám bày tỏ họ không thích Khánh Ly biểu diễn tại thủ đô vì muốn chứng tỏ Cộng hòa XHCN Việt Nam đã khác hẳn giai đoạn cách nay vài thập niên. Hoặc “cắt điện” để chặn Đoàn nghệ thuật Nội Mông của Trung Quốc biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội hôm 19/1/2018 để khỏi phải giải thích với phía Trung Quốc rằng dân chúng Việt Nam phẫn nộ, sự phẫn nộ đó đe dọa ổn định chính trị thành ra chính quyền phải đáp ứng... Vẫn chọn “cắt điện” chẳng lẽ vì đảng vẫn nuôi hy vọng “thiên hạ dại cả, chỉ mình ta khôn”?
Chú thích
Diễn đàn