Đường dẫn truy cập

Có nên trông chờ Việt Nam can thiệp để cứu Andy Huỳnh?


Anh Andy Huỳnh từng là lính thủy quân lục chiến Mỹ
Anh Andy Huỳnh từng là lính thủy quân lục chiến Mỹ

Mặc dù Đảng Cộng sản Việt Nam luôn cho rằng ‘kiều bào là bộ phận gắn bó máu thịt’ nhưng không có khả năng chính quyền Việt Nam sẽ có tác động gì đó đối với phía Nga về số phận của Andy Huỳnh, các nhà quan sát nhận định với VOA.

Anh Andy Huỳnh, 27 tuổi, một trong hai cựu chiến binh Mỹ ở tiểu bang Alabama tình nguyện đi chiến đấu chống quân Nga ở Ukraine, đã bị phía Nga bắt giữ và chờ ngày bị đưa ra xét xử ở vùng lãnh thổ ly khai thân Nga của Ukraine.

Điện Kremlin đã tuyên bố hai công dân Mỹ mà họ bắt giữ, trong đó có Andy Huỳnh, là ‘lính đánh trận ăn tiền’ nên không nằm trong phạm vi được Công ước Geneva, vốn kêu gọi đối xử nhân đạo với tù binh chiến tranh, bảo vệ.

Moscow không loại trừ khả năng Andy Huỳnh bị kết án tử hình, như đã từng xảy ra với hai người Anh và một người Marốc bị Nga bắt giữ trước đó ở Ukraine.

Chính phủ Mỹ, dù không khuyến khích những công dân như Andy Huỳnh đi chiến đấu ở Ukraine, đã thông qua các kênh ngoại giao để kêu gọi phía Nga ‘tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế trong việc đối xử với tất cả các cá nhân, bao gồm cả những người bị bắt trong chiến trận ở Ukraine’.

Trong khi đó, cộng đồng người Việt ở Mỹ trên mạng xã hội đã có ý kiến kêu gọi chính quyền Việt Nam, vốn có quan hệ tốt đẹp với chính phủ của Tổng thống Nga Vladimir Putin, tác động với Moscow để cứu mạng Andy Huỳnh.

Việt Nam nằm trong số ít nước trên thế giới đã hai lần bỏ phiếu trắng và một lần bỏ phiếu chống các nghị quyết lên án hành động quân sự cũng như những vi phạm nhân quyền của Nga ở Ukraine.

Khúc ruột ngàn dặm?

Trao đổi với VOA, anh Nguyễn Tiến Trung, một cựu tù nhân chính trị hiện sống ở thành phố Hồ Chí Minh, nhận định rằng giải cứu cho anh Huỳnh ‘là cơ hội tốt để chính quyền Việt Nam làm điều mà họ tuyên bố lâu nay về Việt kiều là khúc ruột ngàn dặm’.

“Chính quyền Việt Nam có quan hệ chặt chẽ với Nga về kinh tế-chính trị nên tôi nghĩ Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng mối quan hệ đó tác động với ông Putin để anh Andy Huỳnh được đối xử nhân đạo và được trả tự do,” anh Trung nói.

Tuy nhiên, anh cũng thừa nhận đó là xét về mặt tình cảm chứ về mặt pháp lý thì ‘chính phủ Việt Nam không có nghĩa vụ gì với anh Huỳnh vì anh ấy là công dân Mỹ’.

“Rất khó để Việt Nam can thiệp mặc dù tôi rất muốn điều đó,” anh nói và chỉ ra việc chính quyền làm khó dễ đối với ngay cả các thương phế binh Việt Nam Cộng hòa đã già yếu, tàn tật và không gây nguy hại cho chế độ thì nói gì đến giúp giải cứu anh Andy Huỳnh.

“Khúc ruột ngàn dặm là chỉ khi nào Việt kiều về nước đầu tư làm ăn không nói gì về chính trị, còn những ai nói về dân chủ, nhân quyền thì họ coi là thù địch,” anh Trung nói thêm.

Hồi tháng 8 năm 2021, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Kết luận số 12 về ‘Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới’ trong đó khẳng định người Việt hải ngoại là ‘gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc’.

Từ Boston, bang Massachusetts, cô Nancy Nguyễn, một nhà hoạt động dân chủ, đặt vấn đề ‘ngay cả công dân Việt Nam đi đánh bắt xa bờ bị nước ngoài bắt đòi tiện chuộc mà chính quyền Việt Nam còn bỏ mặc thì mong chờ gì họ giúp đỡ cho công dân của nước khác mặc dù là người gốc Việt’.

Đường nào để cứu?

Thay vào đó, cô Nancy Nguyễn khuyên cộng đồng người Việt ở Mỹ ‘nên liên lạc với các tổ chức phi chính phủ vốn có nhiều kinh nghiệm trong các công việc như thế này, nhờ họ xây dựng hồ sơ anh Andy để chuyển cho các vị dân biểu nói chuyện và gây sức ép với chính quyền’.

Nancy Nguyễn có nhiều kinh nghiệm theo dõi các vụ chính quyền Mỹ giải cứu các công dân bị bắt giữ. Bản thân cô cũng từng bị Việt Nam bắt giam ở thành phố Hồ Chí Minh hồi năm 2016 vì tham gia các cuộc biểu tình môi trường nhưng sau đó bị trục xuất nhờ sự can thiệp của Mỹ.

Cô nói khó biết sự can thiệp của Mỹ với Nga sẽ có kết quả thế nào vì ‘còn tùy’. Cô dẫn ra trường hợp của anh Otto Warmbier, sinh viên Mỹ bị Bắc Triều Tiên bắt giữ hồi năm 2016 với tội danh ‘lật đổ’ nhưng chỉ được thả về Mỹ năm 2017 khi đã quá yếu bất chấp nhiều nỗ lực ngoại giao. Anh Warmbier đã chết không lâu sau khi được thả về Mỹ.

Cô cũng chỉ ra trường hợp Mỹ đã giải cứu thành công anh Will Nguyễn bị Việt Nam bắt hồi năm 2018 về tội ‘Gây rối trật tự công cộng’. Anh Will Nguyễn đã được thả ngay tại tòa và cho về Mỹ sau khi ‘đã thụ án trong thời gian tạm giam’. Một trường hợp khác là ông Michael Nguyễn lại phải ngồi tù 2 năm về tội ‘hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân’ và chỉ được thả hồi năm 2020 ngay trước thềm chuyến thăm của Ngoại trưởng lúc đó là ông Mike Pompeo.

“Nếu Việt Nam có lý do thuyết phục hay bằng chứng về tội gì đó chứng minh với phía Mỹ thì phía Mỹ cũng không can thiệp được,” cô diễn giải.

Trong trường hợp của Andy Huỳnh, cô Nancy Nguyễn cho rằng ‘có nhiều cách để chính phủ Mỹ can thiệp’, chẳng hạn như ‘Mỹ có thể bắt giữ công dân Nga ở Mỹ để trao đổi’ vì ‘tình báo của Nga ở bên Mỹ rất nhiều’. Cô chỉ ra việc Mỹ đã từng bắt phóng viên Trung Quốc để trả đũa Trung Quốc bắt nhà báo Mỹ.

Theo cô việc Andy Huỳnh bị bắt giữ đã đẩy chính quyền Mỹ ‘vào thế khó xử’ và cô không ủng hộ Mỹ nhượng bộ với Nga ở Ukraine để đổi lấy tự do cho hai cựu chiến binh này.

‘Cảm kích nhưng không nên làm’

Cả cô Nancy Nguyễn và anh Nguyễn Tiến Trung đều bày tỏ sự cảm kích trước hành động đi chiến đấu của anh Andy Huỳnh nhưng cho rằng hành động đó ‘cần cân nhắc’.

“Tôi rất là cảm kích tất cả mọi người đã đứng lên đấu tranh vì chính nghĩa mà họ tin tưởng. Rất đáng trân trọng và ngưỡng mộ,” cô nói. “Tuy nhiên mình phải thấy hành động của mình có thể làm khó khăn cho cục diện chung thì mình phải cân nhắc.”

Cô nói cô thông cảm với anh Andy Huỳnh vì ‘cảm giác mình rất nóng ruột trong lúc chiến trường bên đấy đầy máu lửa mà mình không làm gì được hết nên mới xung phong đi lính thôi’.

Cô cho rằng thay vì đi tham chiến trực tiếp thì các công dân Mỹ nên ‘tìm những kênh chính thức khác như Hội Chữ thập Đỏ hay Peace Corps để tham gia thì sẽ dễ dàng hơn cho tất cả các bên’.

Bản thân cô từng tính đến Ukraine để tình nguyện cho Peace Corps nhưng cuối cùng không sắp xếp được, cô cho biết.

Về phần mình, anh Nguyễn Tiến Trung nói anh đồng tình với Andy Huỳnh về mặt tình cảm.

“Bản thân tôi cũng vậy. Tôi thấy rất bức xúc khi những người Ukraine vô tội, trong đó có trẻ em, phụ nữ, người già bị quân đội Putin giết hại dã man,” anh bày tỏ cảm thông với Andy Huỳnh, nhưng cho rằng nếu dùng lý trí suy xét kỹ thì anh sẽ không làm như anh Huỳnh vì ‘không nên để bản thân mình đi giúp Ukraine cuối cùng lại trở thành gánh nặng cho Ukraine’.

Anh Trung dự đoán ‘chắc chắn Moscow sẽ dùng hai người Mỹ bị bắt này để gây sức ép với chính quyền Mỹ về việc giúp đỡ cho Ukraine’.

“Tôi nghĩ hiện tại công dân Mỹ hay công dân Mỹ gốc Việt nên lùi lại phía sau để trợ giúp nhân đạo hay quyên góp vũ khí tiền bạc để giúp người Ukraine chiến đấu thì chính quyền Mỹ sẽ đỡ khó xử hơn,” anh nói.

VOA Express

XS
SM
MD
LG