Đường dẫn truy cập

Bắc Kinh phân trần về vụ Mỹ bắt giữ giáo sư Harvard nhận tiền của Trung Quốc


Charles Lieber rời tòa án ở Boston hồi cuối tháng 1/2020 (ảnh tư liệu).
Charles Lieber rời tòa án ở Boston hồi cuối tháng 1/2020 (ảnh tư liệu).

Hôm thứ Tư 22/12, Trung Quốc lên tiếng biện hộ về các chương trình giao lưu khoa học quốc tế của họ sau vụ việc một giáo sư Đại học Harvard bị Mỹ kết tội che giấu mối quan hệ của ông ta với một chương trình tuyển mộ của Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian (Triệu Lập Kiên) nói rằng nước này quản lý các chương trình giao lưu đó không khác gì các nguyên tắc của Mỹ và các quốc gia khác.

Các cơ quan và quan chức Hoa Kỳ không nên “kỳ thị” các chương trình như vậy và “thay vào đó hãy làm những điều có lợi cho giao lưu và hợp tác giữa nhân dân hai nước Trung Quốc-Hoa Kỳ”, ông Zhao nói.

Charles Lieber, 62 tuổi, cựu chủ nhiệm khoa hóa và sinh hóa của Đại học Harvard, đã không nhận tội khai thuế sai, khai báo gian dối và không báo cáo về một tài khoản ngân hàng ở Trung Quốc.

Ông Marc Mukasey, luật sư biện hộ của ông Lieber, lập luận rằng bên công tố thiếu bằng chứng buộc tội, cho rằng các nhà điều tra không giữ hồ sơ về các cuộc thẩm vấn của họ với ông Lieber trước khi ông ta bị bắt.

Bên công tố lập luận rằng ông Lieber, người bị bắt hồi tháng 1, đã cố tình che giấu việc ông ta tham gia vào Kế hoạch Ngàn Nhân tài của Trung Quốc để bảo vệ sự nghiệp và thanh danh của ông ta.

Chương trình đó của Trung Quốc nhắm đến tuyển mộ những người có kiến thức về công nghệ và tài sản trí tuệ của nước ngoài và là những người có thể tuồn các bí mật cho Trung Quốc.

Khi nhà chức trách điều tra, ông Lieber đã phủ nhận chuyện ông có liên quan, bên công tố cho biết. Trong số các cơ quan đã điều tra, có cả Viện Y tế Quốc gia Mỹ, nơi đã cung cấp cho ông ta hàng triệu đô la kinh phí nghiên cứu, vẫn theo bên công tố.

Ông Lieber cũng giấu diếm thu nhập mà ông ta nhận từ chương trình của Trung Quốc, bao gồm 50.000 đô la một tháng từ Đại học Công nghệ Vũ Hán, tổng cộng lên tới 158.000 đô la sinh hoạt phí và hơn 1,5 triệu đô la tiền tài trợ, theo bên công tố.

Họ cho biết rằng đổi lại, ông Lieber đã đồng ý xuất bản các bài báo khoa học, tổ chức các hội nghị quốc tế và thay mặt cho trường đại học của Trung Quốc nộp đơn xin cấp bằng sáng chế.

Vụ này là trường hợp nổi bật nhất trong chương trình phản gián mang tên “Sáng kiến Trung Quốc” của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ.

Chương trình được phát động hồi năm 2018 nhằm hạn chế hoạt động gián điệp kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, chương trình đã vấp phải những lời chỉ trích cho rằng nó làm tổn hại đến nghiên cứu học thuật và dẫn đến định kiến chủng tộc đối với các nhà nghiên cứu Trung Quốc.

(AP)

VOA Express

XS
SM
MD
LG