Bình luận về Hiệp định Thương mại Tự do mà Việt Nam mới đạt được với Liên minh châu Âu (EVFTA), Hoàn Cầu Thời Báo, tờ báo chuyên chuyển tải thông điệp của Bắc Kinh ra thế giới, khẳng định rằng ý định loại bỏ sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc của một số người Việt Nam “chắc chắn sẽ thất bại” và “sự trỗi dậy của Trung Quốc là một cơ hội quý báu cho Việt Nam”.
Bài viết của tác giả Thành Hán Bình, một giáo sư và chuyên viên nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Sáng tạo Hợp tác, Viện Nghiên cứu Biển Đông của Đại học Nam Kinh, Trung Quốc, thừa nhận rằng việc đạt được thoả thuận thương mại lịch sử với EU không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, mà còn có “ý nghĩa chính trị” đối với Việt Nam và đánh dấu sự hội nhập sâu rộng của quốc gia Đông Nam Á vào cộng đồng quốc tế, một mục tiêu mà Hà Nội theo đuổi lâu nay.
Theo tính toán của Bộ Công thương Việt Nam, EVFTA dự kiến sẽ giúp cho GDP của Việt Nam tăng bình quân từ 2,18 – 3,25% trong 5 năm đầu, 4,57-5,30% cho 5 năm tiếp theo và 7,07-7,72% cho 5 năm sau đó.
Bộ này cũng khẳng định hiệp định mới sẽ làm tăng vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.
“EU chắc chắn là một đối tác tốt hơn cho Việt Nam so với Hoa Kỳ, quốc gia thường xuyên đem vấn đề nhân quyền ra làm cái cớ để gây áp lực lên quốc gia châu Á”, Hoàn Cầu Thời Báo khẳng định.
Tuy nhiên, ấn bản của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói nỗ lực của Việt Nam trong việc loại bỏ sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc chắc chắn sẽ thất bại vì EVFTA sẽ tạo ra một hình thức “hợp tác mới” về kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Lấy ví dụ trong lĩnh vực xuất khẩu hàng dệt may, tờ báo Trung Quốc nói: “Để xuất khẩu nhiều sản phẩm từ bông - một danh mục xuất khẩu quan trọng bao gồm quần áo và giày dép - sang châu Âu, Việt Nam cần nhiều sản phẩm và đầu tư từ Trung Quốc. Và nhiều doanh nhân Trung Quốc sẽ bị thu hút vào Việt Nam để kiếm tiền”.
Đề cập đến “một số người Việt Nam có quan điểm chống Trung Quốc”, tờ Hoàn Cầu Thời Báo cho rằng nỗ lực của Việt Nam trong việc mở rộng sang các thị trường khác như Úc, Nhật Bản, “là các thị trường nhỏ hơn rất nhiều so với Trung Quốc” cũng không thấm tháp gì vì tình trạng đại dịch Covid-19 đang làm giảm sức mua của nhiều quốc gia, trong khi giao thương với Trung Quốc, Việt Nam “được hưởng nhiều lợi thế” nhờ kết nối giao thông tiên tiến, thương mại giữa hai bên từ lâu đã vượt qua 100 tỷ đôla và tình trạng “hai nền kinh tế phụ thuộc lẫn nhau rất cao”.
“Việt Nam cần giữ quan điểm trung lập về sự trỗi dậy của nước láng giềng Trung Quốc”, tờ báo của Bắc Kinh nói, đồng thời thêm rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc “là một cơ hội phát triển quý giá cho Việt Nam”.
Kinh tế Việt Nam lâu nay vẫn bị xem là phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam cho rằng tình trạng phụ thuộc này gây ra nhiều thiệt hại hơn là lợi ích cho Việt Nam, không những trong lĩnh vực kinh tế mà còn cả về môi trường, xã hội và an ninh.
Trả lời phỏng vấn với VOA vào tháng 4, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan – nguyên thành viên Ban nghiên cứu của chính phủ Việt Nam – cho rằng thời điểm cả thế giới đang đối phó với dịch Covid-19 lại là “cơ hội ngàn năm có một” cho Việt Nam để xem xét, đánh giá và cấu trúc lại mối quan hệ thương mại, kinh tế với các nước để tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
“Đây là cơ hội lớn mà Việt Nam cần phải nắm bắt lấy. Vì nếu không nắm bắt được cơ hội lần này mà để nó tuột đi thì không biết đến bao giờ Việt Nam mới có thể thay đổi được tình trạng lệ thuộc vào Trung Quốc của mình”, nhà nghiên cứu kinh tế của Việt Nam nói với VOA.
Theo bà Phạm Chi Lan, qua đại dịch này, Hà Nội đã “tỉnh hơn, thấy rõ hơn và thấy đau hơn về tất cả những tệ hại do tình trạng lệ thuộc vào Trung Quốc lâu nay”, mặc dù trước nay vẫn nhận thức được những hệ lụy của tình trạng này.
Trong bài viết đánh giá về tác động của EVFTA đối với Việt Nam, Bộ Công thương Việt Nam nói xét về tổng thể, EVFTA sẽ “góp phần giúp đa dạng hóa thị trường” của Việt Nam để không bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào, “từ đó giúp bảo đảm an ninh kinh tế của Việt Nam”.
Tại kỳ họp phê chuẩn EVFTA hồi tháng trước, Quốc hội Việt Nam cũng cho rằng để gia nhập thị trường châu Âu, Việt Nam sẽ phải thay đổi phương thức hoạt động kinh tế, tổ chức xã hội về mọi mặt và "điểm nổi bật là không được phụ thuộc quá nhiều vào bất kỳ một quốc gia nào về bất cứ lĩnh vực nào".