Theo nhận định của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, tuy những biện pháp cải cách chính trị mới đây của Miến Điện đã được cộng đồng quốc tế ca ngợi, nhưng không có thay đổi nào đáng kể đối với những hành vi chà đạp nhân quyền mà quân đội của nước này thực hiện.
Trong bản phúc trình công bố hôm nay, tổ chức có bản doanh ở New York này nêu ra những chi tiết của nhiều vụ vi phạm nhân quyền mà họ nói là đã xảy ra hồi năm ngoái ở tiểu bang Kachin.
Trong cuộc họp báo tại tại Trung tâm Báo chí Ngoại quốc ở Bangkok, ông Matthew Smith, một nhà nghiên cứu của Human Rights Watch, cho biết như sau.
Ông Smith nói: Quân đội đã bắt đàn ông, phụ nữ, và trẻ em làm dân công ở ngoài mặt trận. Họ cố tình tấn công các thường dân người Kachin và những làng mạc của những người này. Họ đã giết hại thường dân Kachin, tra tấn những thường dân bị bắt, và thực hiện những vụ cưỡng hiếp hoặc bạo hành tính dục dưới những hình thức khác.
Giao tranh bùng ra hồi tháng 6 giữa quân đội và phiến quân Kachin, chấm dứt cuộc ngưng bắn kéo dài 17 năm.
Human Rights Watch cho biết cả đôi bên trong vụ xung đột đã phạm tội bắt trẻ em đi lính, có em chỉ mới 14 tuổi.
Họ cũng cài đặt thêm mìn bẫy, và có ít nhất một phía là Quân đội Kachin Độc lập, gọi tắt là KIA, đã không lập bản đồ rõ ràng về những nơi gài mìn, tạo ra những mối nguy hiểm cho thường dân và chính các chiến binh của họ.
Human Rights Watch cho biết hơn 40 phiến quân KIA bị thiệt mạng vì chính mìn bẫy của mình trong năm vừa qua.
Những vụ đụng độ đã khiến ít nhất 75,000 thường dân dọc theo biên giới Miến Điện-Trung Quốc phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn và phải lệ thuộc vào sự cứu trợ.
Tuy giới hữu trách cho phép các tổ chức cứu trợ được đến giúp người tản cư ở những khu vực do chính phủ kiểm soát, họ chỉ cho phép những tổ chức này được đến hoạt động trong vùng do phiến quân kiểm soát một lần vào tháng 12 năm ngoái.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc bộ phận Á Châu của Human Rights Watch, nói rằng việc không cho tiến hành hoạt động cứu trợ vi phạm luật nhân đạo quốc tế.
Ông Robertson cho biết: "Đây là một quyết định của chính phủ Miến Điện, chứ không phải của quân đội Miến Điện. Đây là chính phủ Miến Điện - chính phủ cải cách của Miến Điện mà nhiều người vẫn thường nói tới. Chính phủ này đang dẫn đầu và từ khước sự tiếp cận của các hoạt động nhân đạo bằng một cách thức có hệ thống."
Ông Robertson nói rằng cộng đồng quốc tế cần phải làm áp lực để đòi giới hữu trách Miến Điện để cho những hoạt động cứu trợ được tiến hành một cách suôn sẻ.
Human Rights Watch cũng yêu cầu Miến Điện để cho một cơ chế quốc tế độc lập tiến hành một cuộc điều tra về những vụ vi phạm nhân quyền.
Các tổ chức nhân quyền nói rằng những vụ vi phạm nhân quyền của quân đội Miến Điện vẫn tiếp diễn ở tiểu bang Kachin ở miền bắc, kể cả tra tấn, cưỡng hiếp và cố tình tấn công thường dân. Giao tranh giữa quân đội Miến Điện và phiến quân sắc tộc Kachin đã buộc hàng vạn thường dân phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn nhưng giới hữu trách không cho phẩm vật cứu trợ được đưa tới những khu vực do phiến quân kiểm soát. Từ Bangkok, thông tín viên Daniel Shearf gởi về bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1