Hôm Thứ Năm, Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, đã nói chuyện qua điện thoại với nhà lãnh đạo đối lập của Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi, để thảo luận về những kỳ vọng đặt vào tân chính phủ Miến Điện.
Bà Merkel bày tỏ hy vọng rằng tân chính phủ dân sự của Miến Điện lên cầm quyền hôm Thứ Tư sẽ công nhận Liên Minh Toàn Quốc Đấu Tranh cho Dân chủ của khôi nguyên Giải Nobel Hòa Bình. Nhà lãnh đạo Đức cũng ca ngợi bà Aung San Suu Kyi – người cổ vũ cho dân chủ hàng đầu của Miến Điện, mới được hủy bỏ lệnh quản thúc hồi năm ngoái.
Tại những nước khác, Trung Quốc nói rằng việc tuyên thệ nhậm chức của tân chính phủ Miến Điện là một hành động tiến tới dân chủ và phải được cộng đồng quốc tế đón nhận.
Hôm Thứ Năm, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, bà Khương Du, nói rằng, giờ đây thế giới nên làm việc với Miến Điện để thăng tiến phát triển kinh tế cho họ.
Lập trường này trái ngược với phản ứng của chính phủ Washington. Hôm Thứ Tư các giới chức Mỹ nói rằng, họ không thấy có gì khác biệt giữa tập đoàn quân nhân cầm quyền vừa giải tán hôm Thứ Tư với tân chính phủ do dân sự lãnh đạo thay chỗ họ. Tân Tổng thống Miến Điện, ông Thein Sein, là một cựu tướng lãnh cao cấp mới chỉ từ bỏ quân phục hồi năm ngoái để ra tranh cử trong cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên của nước này trong 20 năm qua.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ông Mark Toner, nói rằng cuộc bầu cử này “căn bản là đầy khiếm khuyết” và rằng các thành viên hàng đầu của quân đội Miến Điện tiếp tục khống chế tất cả mọi quyết định. Ông nói sự kiện họ cởi bỏ quân phục và khoác lên bộ thường phục chỉ là chuyện "không đáng kể".
Đọc nhiều nhất
1