Chưa rõ nguyên do nào châm ngòi cho cuộc giao tranh giữa Đạo quân Phật giáo Karen Dân chủ, còn gọi tắt là DKBA, và quân đội Miến Điện tại thị trấn Myawaddy. Nhưng hôm nay, 24 giờ đồng hồ sau khi cuộc giao tranh bắt đầu, hàng ngàn người đã bỏ chạy, băng qua biên giới đến thành phố Mae Sot của Thái Lan.
Ông Achin Sopagya, một cư dân ở Mae Sot, nói rằng đã có những trường hợp thương vong, kể cả 2 người lái xe taxi ở Myawaddy gần văn phòng của Đảng Liên đoàn Đoàn kết và Phát triển USDP thân quân đội.
Ông Achin cho biết: “Đã có thương vong. 7 người bị thương và tôi xác nhận rằng tôi nghe nói ngay trước văn phòng USDP đã có hai người lái xe ba bánh bị chết tức khắc. Tôi nghĩ chính vì việc này mà có nhiều người chạy trốn và tôi cho rằng có quá nhiều căng thẳng.”
Nhiều đạo quân sắc tộc đã chiến đấu tại Miến Điện từ mấy chục năm nay để đòi tự trị. Quân đội Miến Điện đã bị cáo buộc là về những hành động tàn ác và những vụ vi phạm nhân quyền trong các chiến dịch chống phá dân quân, trong khi một số lực lượng sắc tộc bị tố cáo là buôn lậu ma túy.
Trong vòng 15 năm qua, một số nhóm thiểu số đã ký những hiệp định ngừng bắn với chính phủ, trong khi nhiều nhóm tham gia vào cuộc bầu cử hôm chủ nhật – cuộc bầu cử đầu tiên từ 20 năm nay. Nhưng những nhóm khác vẫn tiếp tục chống đối, một phần bởi vì chính phủ đòi họ tham gia dịch vụ biên phòng quốc gia.
Những người hoạt động cho nhân quyền và các liên lạc viên dân quân cho hay 6 đạo quân sắc tộc đã đồng ý hợp tác vì sợ bị lực lượng Miến Điện tấn công. Tập trung lại các đạo quân này chỉ huy khoảng 60.000 binh sĩ.
Ông Khin Zaw Wyn, một nhà tham vấn độc lập và là một trước tác gia ở Rangoon, nói với các ký giả nước ngoài trong một cuộc điện đàm rằng căng thẳng cho thấy sự thất bại của Miến Điện trong việc thu hút các nhóm sắc tộc tham gia một khung sườn chính trị rộng lớn hơn.
Ông Khin nói: “Đa số các mối quan ngại có liên quan đến các tổ chức vũ trang sắc tộc và tôi có cảm tưởng rằng toàn bộ vấn đề hiện đang được dồn cho quốc hội mới. Chế độ hiện thời đã chứng tỏ rất rõ ràng rằng họ không muốn hoặc không có khả năng giải quyết vấn đề. Vì thế cần phải có những người có khả năng và có lòng đem lại một giải pháp thực thụ và lâu bền.”
Ông Soe Aung, phát ngôn viên của Diễn đàn Dân chủ ở Miến Điện, nói rằng cuộc giao tranh ở Myawaddy khơi ra những mối lo ngại về bạo động leo thang.
Ông Soe cho biết: “Nay ta đã nghe về việc tăng quân của chế độ quân nhân dọc theo biên giới và sự chuẩn bị của các nhóm sắc tộc nhằm bảo vệ quyền lợi của họ và sẵn sàng thành lập các liên minh. Mọi người đều đồng ý rằng sẽ có một cuộc xung đột kéo dài giữa các nhóm sắc tộc và chế độ quân nhân.”
Mặc dầu chính phủ Miến Điện chưa cho biết khi nào sẽ thông báo kết quả bầu cử, điều chắc chắn là những người có liên minh với quân đội sẽ chế ngự quốc hội.
Hiến pháp được phê chuẩn năm ngoái dành 25% số ghế cho quân đội, và hai đảng lớn nhất trong cuộc bầu cử đều được quân đội hậu thuẫn. Các luật lệ khắt khe về bầu cử gây khó khăn cho các ứng cử viên đối lập ra tranh cử, hay quảng bá thông điệp của họ.
Một số chuyên gia chính trị trong vùng nói rằng cuộc bầu cử có thể dần dà khiến chính phủ mở đường cho những tiếng nói mới và những lối suy nghĩ mới có thể dẫn đến cải tổ chính trị sau gần 50 năm quân trị.
Bà Debbie Stothard, phát ngôn viên của Mạng luới Thay thế Dân chủ ở Miến Điện, không mang hy vọng như thế.
Bà Stothard nói: “Vấn đề bây giờ nằm ở chỗ điều gì sẽ xảy ra trong tình huống sau bầu cử. Điều rõ ràng chúng ta thấy là sẽ diễn ra thêm những tội ác chiến tranh và những tội ác đối với nhân loại bởi vì hiến pháp thực sự hợp thức hoá việc không trừng phạt. Thậm chí sẽ có thêm những hạn chế đối với các hoạt động chính trị.”
Chính phủ quân nhân Miến Điện nói rằng cuộc bầu cử nằm trong khuôn khổ kế hoạch của họ nhằm đưa đất nước trở lại chế độ dân sự. Nhưng quân đội cho biết cần phải giữ lại một vai trò quan trọng trong chính phủ để có thể ngăn chặn các toán dân quân sắc tộc tìm cách chia rẽ đất nước.
Một ngày sau các cuộc tổng tuyển cử tại Miến Điện, giao tranh giữa các lực lượng sắc tộc Karen và quân đội Miến Điện đã khơi ra những mối lo ngại về một vụ trấn áp rộng lớn hơn của chính phủ đối với các cộng đồng thiểu số. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Ron Corben gửi về bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1