Tại một cuộc họp báo ở thủ đô hẻo lánh Naypyidaw, Ủy ban Bầu cử nói với các ký giả và các nhà ngoại giao đã ở trong nước rằng sự hiện diện của họ là đủ cho các cuộc bầu cử.
Các nước láng giềng của Miến Điện trong Hiệp hội các Quốc gia Đông nam Á đã đề nghị quan sát cuộc bầu cử, nhưng chính phủ Miến Điện đã khước từ.
Có khoảng 25 tổ chức thông tin nước ngoài đăng ký hoạt động ở Miến Điện, phần lớn nhân viên là công dân Miến Điện.
Ủy ban nói các nhà ngoại giao và các tổ chức nước ngoài ở Miến Điện sẽ được đi tham quan trong thời gian diễn ra bầu cử. Vì thế, uỷ ban nói sẽ không có quan sát viên nước ngoài hay cơ quan truyền thông nước ngoài nào khác được mời.
Ông Vincent Brossel là một thành viên của tổ chức Ký giả Không Biên giới có trụ sở ở Paris. Ông nói rằng lệnh hạn chế mới nhất này chứng tỏ chính phủ không có ý định tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng.
Ông Brossel cho biết: “Một trong các điều kiện của một cuộc bầu cử dân chủ lại một lần nữa bị chính quyền Miến Điện từ chối. Họ nắm toàn quyền kiểm soát các cơ quan truyền thông Miến Điện...và nay khi các ký giả nước ngoài không được phép vào Miến Điện trong thời gian bầu cử thì không có cơ may nào có được sự minh bạch và đáng tin cậy.”
Mấy chục cơ quan tin tức nước ngoài dự trù tìm cách tường thuật cuộc bầu cử, nhưng nay sẽ buộc phải làm công tác tường thuật từ bên ngoài. VOA cũng nằm trong số này.
Chính phủ quân nhân Miến Điện đã định tổ chức cuộc bầu cử vào ngày 7 tháng 11, lần đầu tiên từ hai thập niên, trong khuôn khổ lộ đồ dân chủ sau 50 năm dưới chế độ quân trị.
Nhưng giới chỉ trích cho rằng quân đội chỉ dùng chiêu bài bầu cử để củng cố việc nắm quyền.
Quân đội được bảo đảm chiếm 1/3 số ghế tại Quốc hội, bất kể số phiếu.
Chính phủ cũng từ chối cho phép hàng triệu người thuộc các sắc dân thiểu số được đi bỏ phiếu trong một nước mà các nhóm dân quân từng chiến đấu đòi độc lập.
Bộ Quốc phòng Thái Lan cho biết đang tăng cường an ninh dọc theo biên giới giáp với Miến Điện. Có nhiều người lo ngại rằng quân đội Miến Điện sẽ dàn áp các sắc dân thiểu số hay giới bất đồng chính kiến, và sẽ gây ra một luồng sóng người tỵ nạn.
Các luật lệ gắt gao về bầu cử đã buộc đảng đối lập dưới sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi phải giải tán. Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ đã thắng trong cuộc bầu cử kỳ trước vào năm 1990, nhưng quân đội làm lơ trước các kết quả và đã khiến bà bị quản thúc phần lớn thời gian kể từ khi đó.
Miến Điện đã cấm các quan sát viên và ký giả nước ngoài nhập cảnh vào lúc diễn ra cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi. Lệnh hạn chế này là biện pháp mới nhất trong một loạt các biện pháp mà giới chỉ trích cho là nhằm bảo đảm cuộc bầu cử đầu tiên từ 20 năm nay sẽ tạo thuận lợi cho chính phủ quân nhân. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Daniel Schearf ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1