Đường dẫn truy cập

Đảng Dân chủ đối lập Miến Điện bác bỏ các cuộc bầu cử


Đảng dân chủ đối lập tại Miến Điện cho biết sẽ không ra dự tranh trong các cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi dự trù sẽ diễn ra trong năm nay vì những luật bầu cử khắt khe. Quyết định này có nghĩa là đảng đối lập mạnh nhất của Miến Điện có thể bị cấm hoạt động vì không chịu đăng ký. Thông tín viên VOA Daniel Schearf tại Bangkok ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Các nhà lãnh đạo Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ, còn gọi tắt là NLD, cho hay đảng này sẽ không tham gia các cuộc bầu cử quốc hội.

Tuần trước, lãnh tụ Liên minh đang bị quản thúc, bà Aung San Suu Kyi đã lên tiếng chống lại việc ra tranh cử, vì cho rằng các luật bầu cử là bất công.

Luật bầu cử của chính phủ quân nhân buộc tất cả các đảng phái phải khai trừ các thành viên có tiền án, kể cả các tù nhân chính trị như bà Aung San Suu Kyi. Các luật này cũng đòi các đảng phải tuyên thệ trung thành với hiến pháp năm 2008, dành cho quân đội 1/4 số ghế tại quốc hội bất kể việc bầu cử ra sao.

Có lẽ điều đáng ngại nhất là các luật này đòi tất cả các chính đảng phải đăng ký trước tháng 5 nếu không thì phải giải thể.

Nhà nghiên cứu David Mathieson thuộc Tổ chức Human Rights Watch có trụ sở ở Thái Lan nói rằng quyết định của Liên minh NLD nêu bật mức độ bất công của kế hoạch bầu cử dưới chính phủ có tên gọi chính thức là Hội đồng Phát triển và Hòa bình Quốc gia.

Ông Mathieson nói: “Toàn bộ tiến trình cơ bản đã được chế độ dàn dựng để có được kết quả mà họ muốn. Đó là, một quốc hội chỉ có sự tham dự trên danh nghĩa của dân chúng mà sẽ nâng đỡ cho sự tiếp tục cai trị của quân đội. Vì thế, trong những tình huống nay, thì không có gì đích thực hay tiến bộ về các cuộc bầu cử mà Hội đồng Phát triển và Hòa bình Quốc gia đang hoạch định. Và điều không lấy gì làm lạ là NLD đã quyết định không tham gia vào cuộc bầu cử này.”

Ông Mathiesaon nói rằng các luật lệ bầu cử dường như nhắm mục tiêu chia rẽ các đảng đối lập, nhưng ông nói rằng quyết định của NLD là một sự bầy tỏ tình đoàn kết mà cộng đồng quốc tế nên ủng hộ.

Hoa Kỳ đã gọi các luật bầu cử là một sự nhạo báng tiến trình dân chủ. Nhiều nước khác đã chỉ trích kế hoạch bầu cử là đầy rẫy khuyết điểm và bất công.

Nhưng ông Mathieson nói rằng quá nhiều lân quốc của Miến Điện lấy làm lạc quan về cuộc bầu cử, mà chính phủ đã cho là nằm trong khuôn khổ “lộ đồ dân chủ” của họ.

Ông Mathiesaon nói: “Tôi cho rằng có một tiến trình tư duy rất nguy hiểm đang lan truyền khiến cho mặc dù cuộc bầu cử này là bất toàn và sẽ không đem lại thay đổi tức thời, nhưng ít nhất nó cũng khởi đầu cho một điều gì đó. Nó là khởi đầu cho một thứ thay đổi ở Miến Điện. Và tôi cho rằng đó là một lối tư duy nguy hiểm bởi vì nó dẫn ta đến chỗ biện minh cho những gì mà Hội đồng Phát triển và Hòa bình Quốc gia đang làm.”

Chính phủ Miến Điện chưa loan báo ngày tháng cho cuộc bầu cử, sẽ là cuộc bầu cử đầu tiên từ hai thập niên.

Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ đã thắng cuộc bầu cử kỳ trước ở Miến Điện vào năm 1990, nhưng quân đội đã không chịu từ bỏ quyền lực.

Bà Aung San Suu Kyi thì đã bị đặt trong tình trạng quản thúc tại gia kể từ khi chính phủ bỏ tù hơn 2,000 tù nhân chính trị, nhiều người là thành viên của NLD.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG