Đường dẫn truy cập

Cải cách ở Miến Điện làm tăng hy vọng giảm thiểu sản lượng nha phiến


Miến Điện cũng là một nguồn cung ứng chính của chất kích thích amphetamine, phần lớn được sản xuất ở tiểu bang Shan
Miến Điện cũng là một nguồn cung ứng chính của chất kích thích amphetamine, phần lớn được sản xuất ở tiểu bang Shan

Những biện pháp cải cách chính trị và những hiệp định ngưng bắn mới ở Miến Điện đang làm gia tăng mối hy vọng là quốc gia Đông Nam Á này có thể giảm được sản lượng thuốc phiện. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Ron Corben gởi về bài tường thuật sau đây.

Hồi đầu tuần này chính phủ Miến Điện đã ký kết thêm một hiệp định ngưng bắn nữa với một nhóm nổi dậy vũ trang của người sắc tộc thiểu số. Các nhà lãnh đạo đã đạt được thỏa hiệp với Đội quân Quốc gia Shan, một nhóm phiến quân trong tiểu bang Shan ở miền nam, nơi sản xuất phần lớn số thuốc phiện của Miến Điện. Quốc gia Đông Nam Á này là nước sản xuất thuốc phiện nhiều hàng thứ nhì thế giới, sau Afghanistan là nước chiếm 90% sản lượng thuốc phiện toàn cầu.

Văn phòng bài trừ ma túy và tội phạm của Liên hiệp quốc, gọi tắt là UNODC, cho biết trong năm 2011 có 43,000 héc ta đất trồng cây thẩu ở Miến Điện, làm cho sản lượng thuốc phiện tăng gấp đôi trong vòng 5 năm. Miến Điện cũng là một nguồn cung ứng chính của chất kích thích amphetamine, phần lớn được sản xuất ở tiểu bang Shan.

UNODC cho biết nạn nghèo túng cùng cực và tình trạng xung đột nội bộ ở các khu vực của người thiểu số đã làm cho sản lượng nha phiến tăng gấp đôi. Các nhóm vũ trang tại những khu vực này cũng chống đối yêu cầu của chính phủ đòi họ đảm nhiệm vai trò biên phòng.

Giờ đây, Tổng thống Thein Sein đang xúc tiến các kế hoạch cải cách chính trị và kinh tế, đồng thời với việc ký kết các thỏa thuận ngưng bắn với các nhóm phiến quân, Liên hiệp quốc nói rằng nhà lãnh đạo Miến Điện cũng đang tìm cách giải quyết vấn đề sản xuất ma túy.

Ông Gary Lewis, đại diện của UNODC ở Đông Á Thái bình dương, cho biết như sau:

Ông Lewis nói: "Chúng tôi thấy chính phủ đề ra một chiến lược phát triển thay thế trong vòng 3 năm, thực thi ngưng bắn với nhiều nhóm nổi dậy và chúng tôi tin rằng điều này mang lại cho chúng tôi một cơ hội để khuyến khích những thành phần trong cộng đồng quốc tế muốn hợp tác với Miến Điện và các cộng đồng địa phương để thực hiện những chương trình canh tác các loại hoa màu khác để thay thế cho việc trồng cây thẩu."

Các chương trình của UNODC gồm có những dự án ở tiểu bang Shan nhằm thúc đẩy cho việc canh tác các loại hoa màu thay thế.

Viện trợ ngoại quốc cho Miến Điện đã bị hạn chế vì có những cáo giác về những vụ chà đạp nhân quyền và vì quyền tự do đi lại và hoạt động của các nhà tài trợ quốc tế bị giới hạn. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết những biện pháp cải cách, kể cả việc trả tự do cho các tù nhân chính trị, đã mở ngỏ cho các khoản trợ giúp của các nhà tài trợ.

Ông Lewis của UNODC cho hay sự trợ giúp của quốc tế sẽ được cần tới cho hoạt động diệt trừ cây thẩu và các những chương trình hoa màu thay thế.

Ông Lewis nói tiếp: "Chúng tôi cần phải làm nhiều hơn, như ở Tiểu bang Shan của Miến Điện, để cho cộng đồng quốc tế tham gia và cung cấp sự trợ giúp tài chánh mà chúng cần có trong giai đoạn này, là giai đoạn mà chính phủ đang hoan nghênh sự giao tiếp thêm nữa của quốc tế. Điều đó sẽ giúp chúng tôi tới được những khu vực để làm việc với các cộng đồng địa phương."

Ông Bertil Lintner, một nhà phân tích tình hình Miến Điện, cho rằng chỉ có “giải pháp chính trị” mới có thể chấm dứt tình trạng bất trắc kinh tế và xã hội, là tình trạng đã đưa tới việc sản xuất ma túy.

Ông Lintner nói: "Theo tôi, chương trình diệt trừ cây thẩu, là chương trình đòi hỏi phải cùng với chính phủ đi tới một khu vực mà xung đột sắc tộc chưa giải quyết xong, sẽ không mang lại kết quả nào cả. Chúng ta cần có một giải pháp chính trị cho các vấn đề sắc tộc của Miến Điện và đó không phải là một việc dễ dàng."

Trong khi đó, bà Debbie Stothard, phát ngôn viên của Mạng lưới ASEAN Thay thế, cho rằng mọi người cần nhận thức được tầm quan trọng của viêc5 bảo vệ nhân quyền, đặc biệt là quyền sử dụng đất đai. Bà nói rằng những chương trình diệt trừ cây thẩu trong quá khứ thường dẫn tới việc tịch thu đất đai của các cộng đồng địa phương.

Bà Stothard nói: "Chắc chắn là cần phải thiết lập hòa bình ở các khu vực của người sắc tộc thiểu số. Nhưng cũng cần phải có sự quản trị tốt đẹp. Và có một mối nguy là những chương trình quốc tế dành cho hoạt động diệt trừ cây thẩu sẽ bị chính phủ lợi dụng để xua đuổi dân chúng địa phương ra khỏi đất đai của họ."

Bà Stothard cho rằng còn cần phải cần xúc tiến những chương trình phi quân sự hóa bởi vì những lực lượng vũ trang lâu nay thường bị tố cáo là tống tiền các cộng đồng địa phương. Bà nói rằng để cho nỗ lực bài trừ nạn sản xuất ma túy được thành công, Miến Điện còn cần thực hiện các chương trình cải cách về luật pháp và sửa đổi các định chế hiện nay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG