Sáng nay, Ngoại trưởng Anh William Hague đã mở các cuộc hội đàm với lãnh tụ đối lập và tranh đấu cho dân chủ Aung San Suu Kyi tại tư thất bên hồ của bà ở Rangoon.
Đây là chuyến thăm đầu tiên từ hơn 50 năm nay của người đứng đầu ngành ngoại giao nước từng bảo hộ Miến Điện.
Sau cuộc hội kiến, ông Hague nói với các phóng viên rằng đây là một thời điểm lý thú ở Miến Điện vào lúc có một cơ hội thực sự cho dân chủ tại nước này sau hàng chục năm dưới chế độ quân trị.
Ông bầy tỏ sự ủng hộ đối với các nỗ lực cải cách của chính phủ, trong đó có việc mở một cuộc đối thoại với bà Aung San Suu Kyi, nới lỏng gọng kìm sắt đối với giới truyền thông, cho phép lập các công đoàn, và phóng thích một số tù nhân chính trị.
Nhưng ông Hague nói còn nhiều việc phải làm, nhất là phải trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị còn lại, ước chừng hàng trăm người. Ông thừa nhận sự thất vọng của nhiều người trong tuần này đối với lệnh ân xá của chính phủ nhân ngày lễ Độc lập theo đó chi có khoảng 3 tù nhân chính trị được phóng thích. Ngoại trưởng Anh nói:
“Không thể nói được một nước là tự do dân chủ trong khi dân chúng vẫn bị ở tù vì các niềm tin chính trị của mình. Do đó điều cấp thiết là các tù nhân đó phải được phóng thích thì các biện pháp hạn chế của Liên Hiệp châu Âu mới có thể thay đổi được.”
Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ hạn chế các quan hệ ngoại giao, thương mại và đầu tư với Miến Điện vì sự đàn áp tàn bạo của quân đội đối với các phong trào dân chủ.
Nhưng ngày càng có nhiều hy vọng rằng các hạn chế đó sắp được nới lỏng.
Liên hiệp châu Âu hôm qua loan báo sẽ mở một văn phòng đại diện ở Miến Điện để quản lý các chương trình cứu trợ nhân đạo và tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đối thoại chính trị.
Cũng trong ngày hôm qua, ông Hague đã gặp các nhà lãnh đạo chính phủ, kể cả Tổng thống Thein Sein, người đã hứa sẽ phóng thích tất cả các tù nhân chính trị, nhưng không cho biết thời biểu.
Chính phủ của ông Thein Sein cũng cho phép bà Aung San Suu Kyi và Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ NLD của bà ra tranh cử trong các cuộc bầu cử vào tháng 4 sau khi không được tham dự cuộc bầu cử lịch sử năm 2010.
Hôm nay, khôi nguyên giải Nobel Hòa bình nói với các ký giả rằng các mục tiêu của bà rất rõ ràng:
“Tất cả các tù nhân chính trị phải được phóng thích và phải có các nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột sắc tộc trong nước. Và chắc chắn chúng tôi muốn thấy các cuộc bầu cử tự do và công bằng. Và tôi phải nói thêm rằng tôi muốn thấy NLD thắng lớn trong các cuộc bầu cử đó.”
Bà Aung San Suu Kyi đã bị quản thúc tại gia phần lớn thời gian trong 2 thập niên vừa qua vì chống đối chế độ quân trị và bị cấm không cho ra tranh cử.
Bà được phóng thích chỉ vài ngày sau cuộc bầu cử năm 2010. Đảng NLD của bà đã thắng trong cuộc bầu cử kỳ trước vào năm 1990 nhưng quân đội không chịu từ bỏ quyền hành.
Ngoại trưởng Anh: Các biện pháp chế tài Miến Điện vẫn có hiệu lực
Trong chuyến đi thăm Miến Điện, Ngoại trưởng Anh, ông William Hague tuyên bố các biện pháp chế tài kinh tế của Liên hiệp châu Âu sẽ không thay đổi cho đến khi nào nhà cầm quyền phóng thích tất cả tù nhân chính trị. Người đứng đầu ngành ngoại giao Anh đưa ra nhận định vừa kể sau khi mở các cuộc họp riêng với lãnh tụ tranh đấu cho dân chủ Aung San Suu Kyi và các nhà lãnh đạo Miến Điện được sự hậu thuẫn của quân đội.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1