Bà Aung San Suu Kyi, 65 tuổi, là con ông Aung San, một thủ lĩnh trong phong trào dành độc lập cho Miến Điện từ tay người Anh. Ông bị ám sát chết khi bà còn nhỏ.
Dù thân phụ hoạt động chính trị, bà trải qua hầu hết quãng đời niên thiếu ở nước ngoài và chỉ bắt đầu dính líu đến chính trị vào năm 1988, vào lúc các cuộc biểu tình đòi dân chủ bộc phát trên khắp Miến Điện.
Bà đưa Liên minh Quốc gia Đấu tranh cho Dân chủ đến thắng lợi bầu cử năm 1990 nhưng phe quân sự chẳng những không đếm xỉa đến kết quả mà còn tước đoạt tự do của bà trong gần 20 năm qua.
Nhận xét về bà, Thitinan Pongsudhirak, Viện trưởng viện Nghiên cứu Quốc tế tại trường đại học Chulalongkorn ở Bangkok, cho biết: “Bà là một biểu tượng của Miến Điện, và bà đã chịu gian khổ quá nhiều. Liên minh của bà đã bị phe quân sự cướp quyền lãnh đạo từ 20 năm qua. Đây là một vụ đánh cướp có hệ thống kéo dài suốt 20 năm.”
Bà nhận giải Nobel Hòa bình năm 1991 vì các nỗ lực mang lại dân chủ cho Miến Điện.
Khi bà được tự do vào năm 2002, quần chúng từ mọi miền đất nước tụ tập rất đông để nghe bà nói chuyện. Họ chỉ gọi bà vắn tắt là “Bà” thì ai cũng hiểu muốn nói tới ai.
Nhưng một năm sau đó, chính quyền lại giam bà, sau khi có một nhóm thân chính phủ tấn công đoàn xe của bà.
Chính quyền nói rằng quản thúc tại gia là biện pháp bảo vệ cho bà, và sau đó lại tiếp tục gia hạn chế độ quản thúc, lấy lý do bà đã vi phạm lệnh quản thúc khi có một người Mỹ lội qua một cái hồ để lẻn vào nhà bà.
Viện trưởng Thitinan nói rằng các tướng lãnh Miến Điện làm đủ mọi thứ để gây rối, hù dọa, ép buộc, và tìm cách loại bỏ ảnh hưởng của bà.
Hàng ngàn người ủng hộ bà cũng bị tù đày vì chống đối phe quân sự đã cai trị Miến Điện từ 50 năm qua.
Bà Aung San Suu Kyi học đại học tại trường Oxford của Anh, chồng bà là một học giả người Anh, hai ông bà có hai người con trai.
Khi chồng mắc ung thư bên Anh, bà quyết định không đi thăm ông vì sợ chính quyền sẽ không cho bà quay lại Miến Điện. Ngược lại, chính quyền này cũng không cấp giấy nhập cảnh cho ông đi thăm bà.
Ông Michael Aris qua đời năm 1999, sau nhiều năm không giáp mặt vợ.
Lãnh tụ tranh đấu cho dân chủ của Miến Điện đã hy sinh rất nhiều để một ngày nào đó, dân chủ sẽ trở lại trên quê hương của bà. Thông tín viên VOA Daniel Schearf ở Bangkok điểm qua một số nét chính trong cuộc đời tranh đấu của bà.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1