Hôm nay, tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan nói ông nghĩ rằng các nhà lãnh đạo Miến Điện có cam kết thực hiện thêm các cải cách chính trị và kinh tế chừng nào mà họ còn có thể kiểm soát tiến trình. Ông nói:
“Cũng y như bất kỳ chính phủ nào vốn độc đoán và trung ương tập quyền nay muốn cởi mở, nếu không muốn phải đối phó với tình trạng bất ổn và căng thẳng đối đầu ngay thì cũng phải hơi dè dặt. Và tôi cho rằng họ quyết tâm làm như thế.”
Ông Surin đưa ra nhận định tại Câu lạc bộ Ký giả nước ngoài ở Thái Lan trong chặng dừng chân ở Bangkok vào ngày thứ ba của chuyên đi thăm Miến Điện trong 4 ngày.
Trong chuyến thăm này, ông đã gặp Tổng thống Thein Sein và các nhà lãnh đạo chính phủ khác mà ông nói là đã thừa nhận các khó khăn và vận hội trong việc cải cách đất nước.
Nhà lãnh đạo ASEAN cũng hội kiến lần đầu tiên lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi và Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ của bà. Ông cho biết sự tham gia của đảng này vào các cuộc bầu cử công bằng và tự do trong tháng 4 tới sẽ là một trắc nghiệm cực kỳ quan trọng về sự tin tưởng quốc tế đặt vào tiến trình cải cách. Ông nói:
“Chính vì lý do đó mà cộng đồng quốc tế đang chờ đợi các tín hiệu từ bên trong xem liệu tiến trình này có tính cách bền vững hay không, liệu có dẫn tới cởi mở hơn, hay chỉ là một ảo giác.”
Miến Điện đang cứu xét việc cho phép quan sát viên bầu cử ASEAN vào nước.
Nhưng cho dù có được phép, ông Surin thừa nhận rằng ASEAN không phải là tổ chức tốt nhất để chia sẻ hay theo dõi tiến trình dân chủ ở Miến Điện. Ông nhận định:
“Nói một cách thẳng thắn, công bằng và thành thực, điểm không đến mức A cộng. Nhưng đó là một sự khởi đầu. Đó là một cam kết. Đó là một sự thừa nhận rằng nếu không có một số chỉ dấu từ bên ngoài, được đo lường từ bên ngoài, thì khó mà thuyết phục thế giới rằng họ đã thực hiện một vài thay đổi.”
10 thành viên của ASEAN gồm các nền dân chủ đang phát triển nhưng cũng có một nước theo chế độ hoàn toàn quân chủ là Brunei, và 2 nước theo chế độ cộng sản độc đảng là Lào và Việt Nam.
Ngoài Miến Điện, các thành viên khác là Kampuchea, Indonesia, Malaysia, Philippin, Singapore và Thái Lan.
Ông Surin cho rằng việc Miến Điện chủ tọa các cuộc họp của ASEAN vào năm 2014 sẽ giúp bảo đảm là nước này không đi ngược lại với các nỗ lực cải cách. Nhưng ông cũng nêu ra rằng cần phải có những chuẩn bị nghiêm túc tại Miến Điện, trong đó có cải thiện đường sá, viễn thông và Internet, có đủ khách sạn và một hệ thống ngân hàng và tài chính ổn định. Ông nói:
“Nếu Miến Điện muốn thực hiện nhiệm vụ chủ tịch một cách đầy đủ, có trách nhiệm, hữu hiệu và thành công, thì có nhiều, rất nhiều điều phải xảy diễn trong 2 năm sắp tới.”
Theo ông Surin, một trong những điều đó là hệ thống tài chính chủ yếu chỉ dùng tiền mặt của Miến Điện phải chấm dứt. Ông nói một hệ thống như thế là không đủ để hỗ trợ việc chủ trì trong một năm các cuộc họp chính trị và kinh tế cấp cao, nằm trong trách nhiệm của nước chủ tịch ASEAN.
Tổng thư ký ASEAN lượng định cải cách chính trị và kinh tế của Miến Điện
Tổng thư ký Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á cho hay Miến Điện dường như đã cam kết cải tổ nhưng cần phải chứng tỏ là đáp lại kỳ vọng của quốc tế. Thông tín viên VOA Daniel Schearf tại Bangkok tường thuật về thẩm định những tiến bộ chính trị của Miến Điện sau một chuyến thăm nước này trong tuần.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1