Thủ tướng Việt Nam hôm 4/6 nói với báo chí trong nước rằng “chính phủ sẽ lắng nghe” ý kiến của các chuyên gia và công chúng về điều khoản cho người nước ngoài thuê đất gần một thế kỷ trong dự luật về đặc khu kinh tế.
Gần 2 tuần qua, kể từ khi quốc hội Việt Nam bắt đầu thảo luận hôm 23/5 về dự luật, nhiều chuyên gia và hàng nghìn người sử dụng mạng xã hội đã bày tỏ ý kiến, từ hoài nghi cho đến phản đối dự luật.
Có tên đầy đủ là Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, dự luật đang được quốc hội xem xét trước khi bỏ phiếu theo lịch dự kiến vào ngày 12/6.
Một khi được bật đèn xanh, chính phủ Việt Nam sẽ lập 3 đặc khu tại các tỉnh Quảng Ninh ở miền bắc, Khánh Hòa ở miền trung và Kiên Giang ở miền nam nhằm “thu hút đầu tư nước ngoài, tạo đột phá về phát triển kinh tế”.
... Tuy cho thuê 99 năm là dài nhưng việc đó không phải là chỉ dấu của sự nhượng địa ... Đặc khu vẫn sẽ có hội đồng nhân dân, vẫn sẽ có uỷ ban nhân dân. Vậy thì, không thể gọi đặc khu hành chính và kinh tế là tô giới đượcThạc sĩ luật Lê Nguyễn Duy Hậu
Nhưng không lâu sau khi dự luật được đem ra bàn thảo, một số đại biểu quốc hội, các chuyên gia, các nhà hoạt động và dư luận nói họ lo lắng về thời hạn cho thuê đất quá dài.
Một mặt, họ so sánh điều đó với hình thức nhượng địa mà chỉ đất nước nào nghèo đói lạc hậu mới cần đến, mặt khác họ cảnh báo nó có thể bị nước láng giềng Trung Quốc lợi dụng để di dân.
Thậm chí, trên trang Facebook cá nhân, tiến sĩ Võ Trí Hảo, Phó trưởng khoa luật, Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, nêu ra nguy cơ đảo Vân Đồn có thể bị biến thành “Crimea thứ hai”. Giả thuyết của ông Hảo đã nhận được sự đồng tình và chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
Bán đảo Crimea từng thuộc về Ukraine, nhưng bị Nga sáp nhập năm 2014 với lý do đa số kiều dân Nga trên bán đảo bỏ phiếu thuận trong cuộc trưng cầu dân ý về giải pháp tách ra khỏi Ukraine và mong muốn được Nga bảo vệ lợi ích.
Trong vòng 4 ngày qua, hàng nghìn người sử dụng mạng xã hội, từ những cá nhân bình thường, công chức về hưu, cho đến các nhà báo, nhà hoạt động vì dân chủ hay người nổi tiếng như MC truyền hình có tên Phan Anh, đã tham gia phong trào phản đối dự luật trên mạng xã hội.
Họ đăng ảnh đại diện hoặc chia sẻ hình đồ họa mang nội dung như “Phản đối chính phủ lập đặc khu cho thuê 99 năm”, “Phản đối cho Trung Quốc thuê đất đặc khu”, hoặc “Cho Trung Quốc thuê đất 99 năm là mất nước”.
Bên cạnh đó, nhiều người - đặc biệt là giới đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền - cũng lên tiếng cho rằng quốc hội Việt Nam “do đảng cử” nên không có quyền cho thuê đất 99 năm. Họ đòi hỏi vấn đề này “phải trưng cầu dân ý”.
Song song với những diễn biến này, từ ngày 1/6, đã xuất hiện trên mạng một kiến nghị mở, thu thập chữ ký của bất cứ ai phản đối dự luật để gửi đến quốc hội.
Bản kiến nghị nói dự luật đặc khu “đang ẩn chứa nhiều nguy cơ, hiểm họa” và đưa ra lời kêu gọi “khẩn thiết” rằng toàn thể người Việt Nam trong và ngoài nước, cũng như quốc hội hãy “phản đối, rút bỏ” dự luật.
Không có thông tin về tổ chức hay nhóm nào là tác giả của bản kiến nghị. Danh sách những người ký đầu tiên có những nhân sĩ, trí thức hay nhà hoạt động nhiều ảnh hưởng như các ông Huỳnh Tấn Mẫm, Huỳnh Kim Báu; các giáo sư Tương Lai, Chu Hảo; linh mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp; các nhà văn Tô Nhuận Vỹ và Nguyên Ngọc, cũng như cựu tù nhân lương tâm Lê Công Định.
Tính đến tối 4/6, đã có hơn 1100 người ký vào kiến nghị, trong đó có nhiều người Việt sống ở nước ngoài.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 4/6 xác nhận điều khoản về cho thuê đất đặc khu đến 99 năm “đã gây ra làn sóng khủng khiếp", theo tường thuật của báo Người Lao Động. Tin cho hay ông Phúc nói rằng ông đã nhận được “nhiều ý kiến tâm tư, nhiều tin nhắn, cuộc gọi và thư từ” về vấn đề này.
Tuy nhiên, ông Phúc lưu ý rằng điều khoản này là dành cho “trường hợp đặc biệt” hoặc “cá biệt”, mà nếu cần thiết “quốc hội có thể không chấp nhận phê duyệt cho thuê đất”, theo trích dẫn trên báo chí. Người đứng đầu chính phủ nhấn mạnh thêm rằng quốc hội sẽ “xem xét, quyết định vấn đề đó công khai, minh bạch và thận trọng”.
Một mặt khẳng định với báo chí là chính phủ “rất lắng nghe ý kiến chuyên gia, nguyện vọng của nhân dân, của đại biểu quốc hội”, Thủ tướng Phúc cũng đưa ra quan điểm cho rằng thời gian cho thuê đất “không phải vấn đề quyết định quá lớn”.
Từ Tp.HCM, trao đổi với VOA qua email, chuyên gia luật Lê Nguyễn Duy Hậu phân tích rằng tuy cho thuê 99 năm là dài nhưng việc đó “không phải là chỉ dấu của sự nhượng địa, miễn là nó không cho thuê luôn cả quyền tài phán và chủ quyền với vùng đất đó”.
Người đã tốt nghiệp thạc sĩ luật ở Đức, chuyên ngành đầu tư, ngân hàng, tài chính, chỉ ra rằng kể từ thời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, giai đoạn 2006 đến 2016, những trường hợp ngoại lệ là doanh nghiệp nước ngoài thuê đất lâu hơn 50 năm như trong luật đầu tư không còn “quá hiếm”.
Ông Hậu dẫn ra ví dụ là Marubeni của Nhật và Samsung của Hàn Quốc, được xem là hai dự án siêu lớn ở Việt Nam, hiện đang được đặc cách “không ghi thời hạn trên giấy phép đầu tư”. Điều này, theo ông, được hiểu là thời hạn “vĩnh viễn”, hay nói cách khác, đất mà họ hiện đang thuê sẽ có thể được gia hạn thêm cứ 50 năm một lần.
Cho VOA biết ông đã nghiên cứu dự luật về đặc khu, ông Hậu đưa ra đánh giá về điều khoản liên quan đến bộ máy hành chính quản lý đặc khu: “Không ở đâu và không quy định nào cho thấy nhà đầu tư, hay người thuê đất có quyền bổ nhiệm, hay có quyền áp đặc luật lệ, hay có quyền sử dụng tiền tệ riêng của mình trên khu đất mình thuê”.
Chuyên gia này khẳng định thêm:“Vấn đề chủ quyền là khá rõ ràng. Đặc khu vẫn sẽ có hội đồng nhân dân, vẫn sẽ có uỷ ban nhân dân. Vậy thì, không thể gọi đặc khu hành chính và kinh tế là tô giới được”.
Ông Hậu lấy đặc khu Hong Kong và Macau của Trung Quốc để đối chiếu và đưa ra quan điểm: “Không ai gọi hai nơi đó là tô giới hay thuộc địa cả”.
Mặc dù vậy, ông Hậu vẫn thận trọng nói thêm rằng cho thuê đất 99 năm “có thể là một quyết định kinh tế thiếu khôn ngoan” như một chuyên gia kinh tế khác, bà Phạm Chi Lan, đã chỉ ra mới đây.
Các báo hôm 24/5 đăng ý kiến của bà Lan phản biện về dự luật đặc khu. Bà cho rằng cơ chế ưu đãi thuế và cho thuê đất tối đa 99 năm “không thực sự cần thiết”.
... Một quy định của dự luật nói nhà đầu tư chiến lược được ‘hỏi ý kiến’ khi có quy hoạch và được ‘ưu tiên’ chọn thầu ... Quy định về ‘nhà đầu tư chiến lược’ cũng là một quy định rất dở. Vì nó mang màu sắc tư bản thân hữu (làm luật cho một doanh nghiệp)Thạc sĩ luật Lê Nguyễn Duy Hậu
Nữ chuyên gia cảnh báo về những “lúng túng” mà nhà chức trách có thể gặp phải trong công tác quản lý khi mà "doanh nghiệp thuê đất 99 năm nhưng 10 năm đã phá sản và chuyển nhượng cho đối tác khác".
Ngoài ra, bà Lan nhận định dự thảo chính sách về cho thuê đất tối đa 99 năm “có bóng dáng ưu đãi cho những doanh nghiệp bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng”.
Thay vì đặt trọng tâm quá nhiều vào vấn đề đất đai, chuyên gia Lê Nguyễn Duy Hậu hướng sự quan tâm đến “quyền của nhà đầu tư chiến lược trong các dự án đặc khu”.
Ông chỉ ra rằng một quy định của dự luật nói “nhà đầu tư chiến lược được ‘hỏi ý kiến’ khi có quy hoạch và được ‘ưu tiên’ chọn thầu.”
Theo cách nhìn của ông, nêu ra trong email trả lời phỏng vấn của VOA, “quy định về ‘nhà đầu tư chiến lược’ cũng là một quy định rất dở. Vì nó mang màu sắc tư bản thân hữu (làm luật cho một doanh nghiệp)”.
Ông Hậu nói rất nhiều chuyên gia mà ông biết khi tư vấn luật về đặc khu “đã cố gắng bỏ quy định này”.
Trong quan điểm cá nhân, ông nhìn nhận “đây mới chính là vấn đề cần phải bàn thảo là có cần thiết phải có cái gọi là nhà đầu tư chiến lược hay không”.
Trên truyền thông trong nước, giới hoạch định chính sách Việt Nam nói việc lập 3 đặc khu là một bước “thử nghiệm” các thể chế, chính sách mới ở Việt Nam, với kỳ vọng thu hút hàng tỉ đôla từ các nhà đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, du lịch, và kinh doanh sòng bạc (casino).
Họ bày tỏ hy vọng rằng các đặc khu sẽ có mức thịnh vượng vượt trội nhờ các ưu đãi, từ đó tạo “tác động lan tỏa, tích cực” tới sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam nói chung, theo các báo.
Thủ tướng Việt Nam hôm 4/6 phát biểu với báo chí rằng “thế giới đã làm đặc khu thành công từ trước và Việt Nam bắt đầu làm vào thời điểm này là chậm”.
Tuy nhiên, hàng loạt chuyên gia tên tuổi như các tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Vũ Thành Tự Anh, chuyên gia Phạm Chi Lan, luật sư Trương Thanh Đức, và nhiều đại biểu quốc hội trong gần hai tuần qua liên tục nêu quan điểm răng mô hình đặc khu đã lỗi thời, khả năng thành công sẽ rất thấp.
Họ cho rằng để Việt Nam phát triển, thay vì lập đặc khu, giới hoạch định chính sách cần “tháo bỏ mọi rào cản bất hợp lý”.