Đường dẫn truy cập

Thày tôi


Đám tang thày tôi ngày 14/10/2017 tại Nghĩa trang Saint Joseph, ở San Pablo, California (Ảnh gia đình)
Đám tang thày tôi ngày 14/10/2017 tại Nghĩa trang Saint Joseph, ở San Pablo, California (Ảnh gia đình)

Bùi Văn Phú

Anh em chúng tôi gọi các bậc sinh thành là “Thày u”, hai tiếng thân thương mà trong nhiều gia đình ở Nam Định, Thái Bình các con dùng để gọi cha mẹ mình.

Với tôi tiếng “thày” ngoài ý nghĩa là người cha sinh ra mình và cũng là một người dạy dỗ cho mình nên người. Tiếng “u” chứa đựng những lời ru mà con nghe được từ những ngày mới sinh ra, từ khi còn được bồng bế trên tay hay đong đưa trên võng, luôn được nghe u hát những câu ru hời.

Thày tôi qua đời ngày 22/9 và đã được chôn cất hôm 14/10/2017. Đến ngày từ giã cõi trần, thày u có tất cả 7 người con, 19 cháu và 8 chắt.

Hôm nay ngày 26/10, tôi lại nhớ đến thày mình nhiều hơn. Đó là ngày Quốc Khánh của nền Đệ Nhất Cộng hòa dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm. Khi còn nhỏ, mỗi năm vào dịp này tôi được thày đưa lên trung tâm Sài-Gòn để xem duyệt binh và bắn pháo bông.

Pháo bông thời đó rất đẹp vì có hình Tổng thống Ngô Đình Diệm, có hình khóm trúc xanh tỏa sáng trên nền trời tối đen. Những năm đi xem bắn pháo bông tôi không nhớ rõ mình đứng ở khúc nào trên đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi ở trung tâm thủ đô, hay ngoài Bến Bạch Đằng. Tôi chỉ nhớ là rất đông người và có một năm không biết gió thổi lạc hướng hay sao mà tàn pháo bông rớt ngay trên tóc với mùi thuốc pháo nồng nặc.

Sau đảo chánh 1/11/1963, thỉnh thoảng có những đêm phải trực tại cơ quan, thày đưa tôi vào nơi làm việc, mắc mùng cho tôi ngủ trên bàn. Thày kể cho tôi nghe những vị xếp của thày là tác giả như Đặng Trần Huân, hay người quen làng nước như Thảo Trường, Duy Hinh là những sĩ quan chỉ huy. Một số tác phẩm do những tác giả này gửi tặng thày để trên kệ sách trong nhà mà sau này tôi cũng đã được đọc.

Lúc đó tôi thích sưu tầm tem thư, có sáng thày đưa tôi qua Đài phát thanh Quân đội, gặp mấy chú bác trong ban thư tín và xin cho tôi những phong bì có dán tem gửi về đài. Mấy chú bác còn cho tôi bưu thiếp hình người em gái hậu phương Dạ Lan nữa.

Kho tàng tem thư nhiều lên vì tôi nhận được cả mấy trăm phong bì các chú bác bạn thày cho. Về nhà tôi ngâm nước, lấy tem thư phơi khô rồi đem đi đổi lấy tem mình không có ở các quầy bán tem trước bưu điện hay ở trên đường Nguyễn Huệ, đường Trần Văn Thạch bên Tân Định.

Đến nay bộ sưu tập tem thư tôi vẫn còn giữ như kỉ niệm về thày và về thời niên thiếu trên quê hương.

Ký ức mà thày đã để lại cho tôi thường ít nhiều có liên quan đến lịch sử miền Nam, như đi xem pháo bông những dịp 26/10 trước năm 1963, như những con tem thời Việt Nam Cộng hòa dán trên phong thư gửi về KBC 3168 là địa chỉ của Đài phát thanh Quân đội.

Thày tôi, đứng giữa, trong một lần cùng họ hàng ngoài Bắc đi thăm mồ mả tổ tiên ở Nam Trực, Nam Định trong thập niên 2000 (Ảnh gia đình)
Thày tôi, đứng giữa, trong một lần cùng họ hàng ngoài Bắc đi thăm mồ mả tổ tiên ở Nam Trực, Nam Định trong thập niên 2000 (Ảnh gia đình)

Năm tôi đi thi vào lớp đệ thất trường công lập, tôi chọn trường Chu Văn An, nhưng không đậu. Thày đạp xe chở tôi đi thi tại trung tâm Phước Đức, đâu gần Chợ Lớn. Đó là một ngôi trường nhiều tầng, còn mầu vôi vàng và kiến trúc kiểu Pháp.

Khi xảy ra Tổng Công kích Tết Mậu Thân 1968, trường này là nơi đặt bộ chỉ huy của các sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa để phản công lại những đợt tấn công của Việt Cộng vào khu vực. Tại đây phe ta đã bắn nhầm phe mình, khi hỏa tiễn từ trực thăng bắn vào trường làm thiệt mạng nhiều sĩ quan cấp tá của Thủy quân Lục chiến và Biệt Động quân, trong đó có người ở Ngã ba Ông Tạ.

Đến năm tôi đi thi tú tài I, ở trường Chi Lăng bên Gia Định, trong ba ngày, mỗi sáng thày chở tôi đi thi và chiều đón về.

Qua kì thi tú tài II thì thày không còn phải đưa tôi đi thi nữa. Tôi đã lớn và tự lo lấy được.

Thày tôi sinh ngày 3/1/1931 tại làng Hiệp Luật, tổng Bái Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Đó là ngày sinh ghi trong “giấy thế vì khai sinh” làm lại sau khi di cư vào Nam năm 1954, chứ tuổi thật của thày hơn giấy tờ hai tuổi.

Gia đình thày có 5 anh em, gồm 2 anh là Bùi Văn Thông và Bùi Văn Thịnh; 2 em gái là Bùi Thị Gương và Bùi Thị Sáng; tất cả đã mãn phần tại Việt Nam. Một bác qua đời ngoài Bắc, một bác mất trong Nam, một cô mất ở Lâm Đồng, một cô mất ở Sài-Gòn.

Thời niên thiếu, tại quê nhà ở miền Bắc Việt Nam, gia đình thày gốc họ Long Cù thuộc giáo xứ Trực Chính, nay thuộc xứ Nam Dương, Giáo phận Bùi Chu.

Đến tuổi thanh niên, thày gia nhập Bảo Chính Đoàn. Năm 1950 kết hôn với u tôi là Trần Thị Quy, người họ Chiền, cũng thuộc giáo xứ Trực Chính.

Trong thời chiến tranh Việt-Pháp thày u và gia đình đã nhiều lần phải chạy loạn hay tản cư từ quê lên tỉnh để tránh bom đạn chiến tranh. Nhiều lần đạn moóc-chê của Pháp bắn vào làng làm hư hại nhà cửa, có trái trúng nhà thờ nhưng không nổ.

Vì tham gia quân đội quốc gia, thày tôi đã bị Việt Minh bắt giam trong trại Đầm Đùn nhiều tháng.

Sau Hiệp định Genève 1954 thày u theo đoàn người lánh nạn cộng sản di cư vào Nam và định cư tại xứ Nghĩa Hòa, Ngã ba Ông Tạ, Gia Định. Gia sản mang theo tôi nhớ chỉ có chiếc thau đồng mà ngày còn nhỏ tôi hay gõ thành âm thanh của những điệu nhạc và khi có lỗ rò thày tôi tìm cách bịt lại.

Vào Nam thày tôi tiếp tục phục vụ trong quân đội qua nhiều đơn vị cho đến tháng Tư 1975, với cấp bậc sau cùng là thượng sĩ tại Tổng cục Chiến tranh Chính trị.

Khi di cư vào Nam, thày u tưởng hai năm sau đất nước thống nhất thì sẽ trở lại miền Bắc với mồ mả tổ tiên. Nhưng rồi thày u đã không có cơ hội trở về quê xưa, mà sống ở miền Nam cho đến sau ngày đất nước thống nhất cũng không có cơ hội trở về.

Khi biến cố 30/4/1975 xảy ra, tôi đi theo gia đình một người anh con bác, thoát khỏi Việt Nam bằng tàu, sau đó được định cư tại vùng Vịnh San Francisco.

Ở quê nhà, thày u và gia đình trải qua cuộc đổi đời với nhiều khó khăn. Đồ đạc trong nhà, tuy chẳng có gì ngoài cái tủ gỗ cũng phải đem bán để nuôi các con. Thày đi cạo sơn ở xưởng Ba-son, u ra chợ buôn bán, các em phải bươn trải ra đời tìm kế mưu sinh.

Ở bên này, như bao người Việt khác mới đến Mỹ định cư, tôi vừa đi học vừa đi làm để có ít tiền gửi về giúp gia đình.

Trong những năm 1980, sau 30 năm sinh sống tại miền Nam, thày u và nhiều chú bác đồng hương họ Long Cù và họ Chiền đã chung nhau mua mộ phần tại Nghĩa địa Bình Hưng Hòa để lo hậu sự. Dù sống xa quê cha đất tổ miền Bắc, nhưng trong Nam các cụ vẫn muốn khi chết được gần bên nhau. Gia tộc, họ hàng đã di cư vào Năm năm 1954 coi như chấp nhận sinh Bắc, tử Nam.

Nhưng đâu ai ngờ. Vì tương lai của con, tháng 9 năm 1992 thày u tôi đưa một người con út rời Việt Nam đến Hoa Kỳ đoàn tụ gia đình và sinh sống tại thành phố San Pablo, California từ đó đến nay. Tại đây, thày u sinh hoạt với Cộng đoàn Thánh Phaolô thuộc giáo xứ Saint Paul Catholic Church.

Hôm thứ Bảy 14/10/2017 thày tôi đã được an táng tại Nghĩa trang Saint Joseph Cemetery ở thành phố San Pablo, California.

Qua bao ly loạn, cùng với buồn vui trong đời ở quê nhà cũng như nơi đất Hoa Kỳ, thày đã sinh Bắc, tử Mỹ. U tôi rồi cũng thế. Như bao nhiêu người Việt khác.

  • 16x9 Image

    Bùi Văn Phú

    Tác giả dạy đại học cộng đồng và hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Các bài viết của Bùi Văn Phú là bài viết cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG