Thế là cô Bùi Thị Minh Hằng đã được trả lại tự do, sau khi ở Trại phục hồi nhân phẩm Thanh Hà ở Vĩnh Phú hơn 6 tháng. Trại này chuyên làm nhiệm vụ gọi là “giáo dục cải tạo” những thành phần có hạnh kiểm xấu có hại cho cuộc sống xã hội, như móc túi, cướp giật, lừa đảo, nghiện hút xì ke ma túy, gái điếm, cờ bạc.
Cô Hằng không hề thuộc vào bất cứ một hạng người nào như thế. Cô sống ngay thật, lương thiện, được bạn bè tin cậy quý mến. Trước con mắt của một chính quyền “hèn với giặc, ác với dân”, cô Minh Hằng phạm tội “làm mất trật tự xã hội” khi cô luôn đi đầu trong các cuộc biểu tình và tuần hành chống bành trướng, luôn hô khẩu hiệu to nhất: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, luôn có mặt trong 11 ngày Chủ nhật chống bành trướng, kiên trì đội nón có hàng chữ: Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam.
Điều mỉa mai và trớ trêu nhất là chính con người bén nhậy về nhân phẩm, về phẩm chất làm con người chân chính, về phẩm giá làm người công dân Việt Nam mẫu mực lại bị đưa vào trại phục hồi nhân phẩm.
Trong khi tổ quốc lâm nguy, biên giới đất nước bị gậm nhấm, đảo và vùng biển quê hương bị lấn chiếm, phẩm giá cần thiết nhất của nam nữ công dân Việt Nam là yêu nước, bảo vệ tổ quốc bằng hành động, bằng tỏ thái độ dấn thân. Đó chính là tư thế, là tình cảm, là hành động quả đoán của cô Minh Hằng, của nữ chiến sỹ yêu nước Minh Hằng.
Trong trại phục hồi nhân phẩm, cô Minh Hằng càng sáng chói thêm về phẩm giá làm người, khi cô kiên quyết từ chối viết đơn xin khoan hồng theo lời dụ dỗ của cán bộ trại, cô còn đòi có giấy bút để viết đơn kiện chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã ký quyết định sai lầm đưa cô vào trại cải tạo. Mặc dầu bị mất tự do, bị cô lập, xa bạn bè người thân, bị đày dọa cả về tinh thần và vật chất, nhân phẩm của cô Minh Hằng càng thêm rực sáng, khi cô một mực khẳng định “tôi không có tội, tôi không phạm pháp, yêu nước chống bành trướng là nghĩa vụ công dân, không thể là tội”. Cô đã sụt mất 14 kilô trong trại cải tạo, người ốm yếu hẳn, bị thêm bệnh, nhưng phẩm giá con người càng thêm cao quý, ý chí thêm cứng cỏi, lý tưởng thêm rực sáng ngay khi bị mất tự do.
Chính do phẩm giá con người của Minh Hằng cao quý như thế nên cả dư luận xã hội trong và ngoài nước mến yêu, bênh vực, đòi công lý cho cô, nên dư luận báo chí, các tổ chức nhân quyền quốc tế, các chính phủ dân chủ từ Á sang Âu, từ Úc sang Mỹ đều lên tiếng mạnh mẽ đòi nhà cầm quyền phải trả tự do cho cô, và nay họ đã buộc phải để cô ra khỏi trại phục hồi nhân phẩm.
Mọi người vô cùng xúc động thương cảm nhìn thấy cô trở về nhà gầy yếu, tiều tụy, với những vết thương ở tay, những sợi tóc bạc trên trán, nhưng mọi người càng quý mến cô gấp bội khi thấy nghị lực cô vẫn tràn đầy, nhân phẩm cô thêm sáng chói.
Cô Minh Hằng được tự do, trở về với gia đình, tinh thần vững vàng, không lay chuyển là một tin vui lớn cho người thân, bè bạn xa gần, trong và ngoài nước. Xin gửi đến cô lời chúc mừng chân thành, thân ái nhất, chúc cô mau phục hồi sức khỏe để tiếp tục cuộc đấu tranh vì dân vì nước, vì hiện tại và các thế hệ mai sau.
Thân yêu chào mừng người phụ nữ kiên trung, có nhân phẩm cao quý tuyệt vời, đã đứng trên đầu những kẻ không có mảy may nhân phẩm lại ép buộc cô vào trại phục hồi nhân phẩm.
Chính họ đã vô tình góp phần đưa cô lên đỉnh cao mới về nhân phẩm, làm cho tấm gương sáng của cô lẫm liệt hơn, cao quý hơn, thu hút hơn trước gấp bội phần. Xin mạn phép người thân và bạn bè của cô, xin phép được tặng cô danh hiệu Minh Hằng – Nhân phẩm, vừa để biểu dương cô, vừa để ghi lại thử thách tuyệt vời khi cô trải qua 6 tháng ở trại phục hồi nhân phẩm
Qua sự kiện đáng nhớ này, rất cần luận về nhân phẩm cho những người cầm quyền trong nước, đặc biệt là ngành công an, cho viên chủ tịch ủy ban gọi là “nhân dân” của Hà Nội.
Tại sao các người lại phải xích tay một người phụ nữ ốm yếu, vừa sụt 14 cân do sống trong trại của các người, lại còn cử cả một đơn vị đi xe to, xe nhỏ, tiền hô hậu ủng, súng to súng nhỏ, đi 2 ngày trời trên gần 2 ngàn kilomet, các người sợ ai, ra oai với ai vậy? Nhân phẩm các người ở đâu? Các người có còn chút tự trọng, tự tin nào nữa không?
Cả Bộ Chính trị và chính phủ, Quốc hội đang cai trị đất nước có biết Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu họ đóng hết các trại cải tạo, phục hồi nhân phẩm ở trong nước, vì họ biết rất rõ các người đã dùng viện trợ chi tiêu vung vít cho các trại này mà không có kết quả. Những kẻ thật sự cần phục hồi nhân phẩm thì khi ra trại lại xấu hơn, tệ hơn, nguy hiểm cho xã hội, vì các người không hề phục hồi nhân phẩm cho họ, mà còn bóc lột, khinh miệt, đày ải họ, làm họ thêm cay đắng oán hận thêm cái xã hội này. Chưa nói đến chuyện những người lương thiện bị cố tình đưa “nhầm” vào các trại này; họ sẽ trở ra uất hận, căm giận chế độ độc ác này đến đâu.
Lẽ ra, chính phủ, Bộ Lao động Xã hội, Ban Tuyên giáo của đảng, Hội Liên hiệp Phụ nữ phải họp lại rút kinh nghiệm về các trại cải tạo và phục hồi nhân phẩm, nhưng tình hình ngày càng tệ hơn. Không một ai cảm thấy nhục, khi bị Liên Hiệp Quốc yêu cầu như trên. Thì ra chính cái chính quyền này, chính ngành công an, ngành công tác xã hội phải được phục hồi nhân phẩm trước hết và trên hết, vì ngành công an gần đây đã liên tiếp đánh đập, tra tấn, giết hại người dân trong trụ sở và trại giam của mình.
Hãy học cho kỹ thế nào là phẩm giá con người. Ông chủ tịch thành phố Hà Nội cũng phải học cho kỹ để biết tôn trọng người dân, để quý trọng những công dân kiên cường, yêu nước thương dân như cô Minh Hằng. Ở một nước văn minh, cô Minh Hằng có quyền kiện lại viên chủ tịch Thảo do đã ký một quyết định sai lầm, đòi bồi thường danh dự và thiệt hại về thân thể và cuộc sống tự do của công dân. Khi cô Minh Hằng xuống đường, bị giữ lại, cô là công dân Vũng Tàu, đang ở Sài Gòn, ông Thảo có cái quyền gì mà ra quyết định đưa cô vào trại phục hồi nhân phẩm của Hà Nội? Chẳng qua là ông được lệnh trả thù một công dân kiên cường chống bành trướng, theo nghiêm lệnh của quan thầy ở tận Bắc Kinh, là phải chấm dứt các cuộc tụ họp đông người chống bành trướng, và nhiều ủy viên Bộ Chính trị đã cúi đầu cam kết thực hiện.
Chính các vị trên đây cũng rất cần được cải tạo để phục hồi nhân phẩm.
Và tấm gương Minh Hằng - Nhân phẩm chính là bài học sống động cho những người như thế đứng thẳng dậy, để học làm người Việt Nam lương thiện, tử tế, biết làm việc tốt, việc thiện, tóm lại là học để biết làm người chân chính.
Cô Minh Hằng hãy tự hào là cô giáo quý hiếm cho những người như thế.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.