Một bức tranh vẽ Phật Thích Ca và cố Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gây tranh cãi trong dư luận sau khi được công bố tại Đại lễ Phật đản ở Học viện Phật giáo Việt Nam tuần vừa qua.
Bức tranh sơn ta “Đạo pháp và dân tộc” được vẽ dựa trên tinh thần Phật tổ và tư tưởng Hồ Chí Minh của người Việt Nam được ra mắt tại một buổi lễ mừng ngày sinh của Đức Phật tại Học viện Phật giáo ở Sóc Sơn, Hà Nội, hôm 10/5, theo truyền thông trong nước.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết, hiện là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14, là người công bố bức tranh.
VietNamNet cho biết ông Quyết “cùng Nhà đầu tư Hà Huy Thanh, cháu của cố Tổng bí thư Hà Huy Tập, làm lễ kéo khăn nhiễu công bố bức tranh trước tiếng vỗ tay không ngừng của các tăng ni, phật tử.”
Vị thượng tọa này là người phác những nét vẽ đầu tiên “khai bút” cho bức họa, trong đó một bên vẽ Phật Thích Ca Mâu Ni và một bên vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh và ở giữa là bánh xe chuyển pháp luân.
Tuy nhiên, bức tranh này đã gây nhiều bàn cãi trong những ngày qua khi nhiều người dùng mạng xã hội cho rằng vẽ hình Đức Phật và Hồ Chí Minh ngang hàng trên bức tranh là không thích hợp.
Luật sư Luân Lê viết trên Facebook cá nhân rằng bức tranh “dám để hình chân dung ông Hồ Chí Minh sánh ngang với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tôi không tưởng tượng nổi Đạo Phật bị báng bổ và hủy hoại đến khi nào mới dừng lại.”
Trong khi đó, một người dùng Facebook có tên Lê Kế Sơn lại cho rằng việc “xếp Cụ Hồ ngồi ngang hàng Đức Phật…tưởng như đề cao Cụ Hồ nhưng xét cho cùng là xuyên tạc về Cụ.” Ông Sơn cho rằng “Cụ Hồ là thật 100% và Đức Phật là không có thật 100%”, một theo trường phái duy vật biện chứng, tức vô thần, và một là thần thánh.
Tại buổi lễ ở Sóc Sơn, ông Quyết nói “toàn bộ bức tranh là trí tuệ, chất liệu tâm huyết của người Việt Nam vẽ về Đức Phật và Chủ tịch Hồ Chí Minh.”
“Năm nay ngày sinh của đức Phật và Chủ tịch Hồ Chí Minh lại trùng nhau, hiếm có ngày nào như vậy, vì vậy tâm thành của các cư sỹ Phật tử, tri thức và các họa sỹ đã vẽ một bức tranh đặt biệt như vậy,” ông Quyết được VietNamNet trích lời nói.
Bức tranh cao 2m và rộng 4,2m được nữ họa sỹ Ngô Hải Yến cùng nhóm họa sỹ thực hiện để đón chào ngày 19/5 – vừa là ngày Phật Đản, trùng vào dịp Lễ quốc tế Phật Đản được tổ chức ở Việt Nam, vừa là ngày sinh ông Hồ Chí Minh. Bức tranh sẽ được triển lãm ở Hà Nội từ ngày 18/5.
Nhận định với VOA về bức tranh này, một người dân trong nước thường tìm hiểu về Phật giáo nói “bức tranh không có giá trị gì về mặt tôn giáo.” Ông Hách cho rằng “tác giả hoặc là thiếu hiểu biết về Phật giáo, hoặc là họ phục vụ một ý định chính trị nào đó.”
Người không muốn nêu danh tính này là người phát hiện ra tượng cố Chủ tịch Hồ Chí Minh và ảnh của ông Trần Đại Quang trên bàn thờ Chùa Một ở gần thị trấn Côn Đảo hồi tháng 2 vừa qua. Theo ông, tôn giáo và chính trị là đối lập nhưng ở Việt Nam, Phật giáo đã bị “chính trị hóa.” “Những Phật tử và nhà sư thực sự hầu như không thấy họ."
Hồi tháng 3, dư luận xã hội Việt Nam đã rúng động với việc cư sỹ tại chùa Ba Vàng, một ngôi chùa thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thu những khoản tiền lớn để “thỉnh vong.” Tai tiếng vụ chùa cúng vong này đã làm nhiều người đặt ra câu hỏi phải chăng Phật giáo ở Việt Nam đã bị “tha hóa.”
Cũng bình luận về sự kiện ra mắt bức tranh “Đạo pháp và dân tộc”, blogger Trương Huy San, còn được biết là Osin Huy Đức, viết trên trang Facebook cá nhân rằng: “Suốt hơn hai nghìn năm qua, giới tăng lữ luôn được đặt ở đẳng cấp cao nhất trong xã hội. Chỉ trong thời mạt pháp, các chức sắc của một tôn giáo có đông tín đồ nhất mới tụt xuống hàng cuối cùng về văn hóa và tư cách như thế.”
Blogger được nhiều người biết tiếng này còn cho rằng “Chân tướng cái gọi là ‘Nhà đầu tư Hà Huy Thanh’…đang chuẩn bị được làm rõ; rồi chúng ta sẽ biết bản chất bọn buôn thần bán thánh ra sao.”
Hà Huy Thanh, theo truyền thông trong nước, là một doanh nhân thành đạt và là tác giả cuốn sách “Tình Thương” ra mắt hồi tháng 8/2017.
Ông Thanh, người đưa ra sáng kiến vẽ bức tranh Đức Phật và Hồ Chí Minh, nói với VTC rằng ông đón nhận những ý kiến trái chiều từ dư luận. “Với nhịp sống hối hả mà chúng ta dừng lại ngắm nhìn, bình luận, chia sẻ cảm xúc về bức tranh là vô cùng đáng quý.”