Đảng Lao động đối lập của Anh hôm 5/4 nói rằng các cuộc thương thuyết với chính phủ của Thủ tướng Theresa May về nỗ lực cuối cùng để cứu thỏa thuận Brexit (tức Anh ra khỏi EU) không có tiến triển trong lúc các lãnh đạo EU cho hay bà May không thuyết phục được họ cho Anh thêm thời hạn thực hiện Brexit.
Trước đó, Thủ tướng May đã viết thư cho Brussels yêu cầu các nhà lãnh đạo EU hoãn lại ngày Brexit (vốn đã được hoãn một lần tới ngày 12/4) cho đến ngày 30/6. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU khẳng định rằng để muốn được gia hạn thì bà May phải trình ra một kế hoạch khả dĩ để giúp thông qua được thỏa thuận Brexit tại Nghị viện đang bế tắc.
Đảng Lao động mà bà May phải miễn cưỡng tìm đến sau ba lần thỏa thuận của bà thất bại ở Hạ viện nói rằng chính phủ ‘không đưa ra những thay đổi hay nhượng bộ thật sự’ sau ba ngày đàm phán.
“Chúng tôi kêu gọi Thủ tướng đưa ra những thay đổi thật sự trong thỏa thuận của bà,” tuyên bố của đảng này nói.
Phát ngôn nhân Đảng Lao động Keir Starmer nói rằng đảng ông muốn các cuộc đàm phán tiếp tục trong khi phát ngôn nhân của bà May nói rằng chính phủ đã ‘đưa ra đề xuất nghiêm túc’ trong các cuộc đàm phán và muốn tiếp tục đàm phán vào cuối tuần ‘để có thể đem lại một thỏa thuận tốt cho cả hai bên’.
Bà May đang rất cần bằng chứng của một chiến lược ra đi khả dĩ để thuyết phục 27 nhà lãnh đạo EU tại một cuộc gặp thượng đỉnh vào ngày 10/4 cho họ trì hoãn Brexit.
Bất kỳ sự gia hạn nào cũng cần phải có sự nhất trí của toàn bộ các nước EU mà tất cả hiện đã quá mệt mỏi với sự lưỡng lự của nước Anh về Brexit và phải đi kèm điều kiện.
“Nếu chúng tôi không hiểu lý do tại sao nước Anh muốn gia hạn thì chúng tôi không thể đưa ra câu trả lời ‘Được’,” Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói. Bộ trưởng Tư pháp Đức Katarina Barley viết trên Twitter: “Việc câu giờ này phải chấm dứt.”
Chia rẽ trầm trọng trong nội bộ Đảng Bảo thủ, trong nội các của bà May và trong cả Đảng Lao động về Brexit đã khiến cho Hạ viện Anh tổ chức một loạt các cuộc bỏ phiếu thăm dò với nhiều kịch bản từ ra đi mà không có thỏa thuận cho đến hủy bỏ luôn Brexit. Tất cả các kịch bản này đều bị bác.
Hồi cuối tuần trước, bà May đã làm điều không ai ngờ là đề nghị đàm phán với đảng đối lập để đưa ra một thỏa thuận chấp nhận được với cả đôi bên mặc dù một số người bên Đảng Lao động nói rằng bà May đang muốn lôi họ vào để họ nhận trách nhiệm chung về thất bại của bà.
Hy vọng đề nghị này sẽ thỏa mãn các nhà lãnh đạo EU, bà May đã gửi thư đến ông Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, xin được gia hạn Brexit đến ngày 30/6 và chấp nhận cho tổ chức bầu cử đại diện của Anh vào Nghị viện châu Âu vào ngày 23/5 – điều mà trước đó bà không muốn.