Đường dẫn truy cập

Brazil không chấp nhận vaccine Sputnik của Nga


Các nhà bào chế vaccine Sputnik V của Nga bác những chỉ trích của Brazil về vaccine này và nói rằng việc Brazil không chấp nhận cho sử dụng vaccine Sputnik của Nga không thể biện minh được bằng cơ sở khoa học.

Ban quản lý dược phẩm tại Brazil, Anvisa, biểu quyết với đa số áp đảo không chấp thuận vaccine của Nga sau khi nhân sự kỹ thuật khuyến cáo về những sai sót trong quá trình bào chế cùng với dữ liệu không đầy đủ về độ an toàn và hiệu nghiệm của vaccine.

Trước đây, thống đốc các tiểu bang ở Brazil từng xin phép sử dụng vaccine Sputnik trong lúc đương đầu với đợt dịch chết người lần thứ nhì.

Một vấn đề quan trọng đối với các nhà ban hành quy định dược phẩm tại Brazil là nguy cơ các virus khác dùng để làm vaccine có thể sản sinh trong bệnh nhân, điều mà họ gọi là lỗi ‘nghiêm trọng.’

Ông Denis Logunov, nhà bào chế chính yếu của Sputnik V, bác chuyện hai virus véc-tơ (hay adenovirus) dùng để sản xuất vaccine Sputnik có thể tái tạo bản sao.

Ông Logunov nói mỗi lô vaccine đều trải qua kiểm định gắt gao bởi cả Viện Gamaleya và cơ quan giám sát y tế Nga và không có lô nào cho thấy có sự hiện diện của adenovirus có thể sao chép nhân bản.

"Vaccine này sạch ... không chứa adenovirus có khả năng sao chép," ông Logunov nói với báo giới và cho biết rằng vaccine Sputnik trải qua tiến trình làm sạch và tinh lọc 4 bước mà ông bảo rằng hiếm thấy trong giới bào chế vaccine.

Tương tự vaccine của AstraZeneca, vaccine Sputnik V dùng cơ chế véc-tơ, vận dụng adenovirus mang chỉ dẫn di truyền để tế bào làm ra protein của virus corona, tạo miễn nhiễm chống COVID xâm nhập vào cơ thể, nhưng được thiết kế theo cách loại bỏ khả năng sao chép của các véc-tơ đó.

Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), đơn vị tiếp thị Sputnik V ra nước ngoài, đầu tuần này tuyên bố Anvisa được phép tiếp cận đầy đủ các địa điểm nghiên cứu và sản xuất vaccine Sputnik V.

RDIF nói việc Anvisa khước từ vaccine Sputnik V có thể mang động cơ chính trị sau áp lực từ Mỹ và rằng vaccine của họ đã được chấp thuận sử dụng ở 61 quốc gia.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG