Trong nhiều thập niên, hành động can trường của Thượng sỹ nhất Không quân Richard (Dick) L. Etchberger dưới lằn đạn của địch quân đã được giấu kín, cũng bí mật như sứ mạng đã đưa ông tới một đỉnh núi cao tại một vùng hẻo lánh nơi xứ Lào vào tháng Ba năm 1968.
Trong một buổi lễ truy tặng huân chương danh dự tại tòa Bạch Ốc, huân chương cao quí nhất trong quân đội, trước mặt ba người con trai của cố Thượng sỹ, Tổng thống Obama nói:
”Thượng sỹ Etchberger đã phục vụ với sự hy sinh vượt lên trên tất cả những gì mà nhiệm vụ đòi hỏi, và mặc dù 42 năm đã trôi qua, không bao giờ quá muộn màng để chúng ta không làm một điều đúng nghĩa, và cũng không bao giờ quá muộn màng để không tri ân các cựu binh sỹ từng tham chiến tại Việt Nam cùng gia đình họ. "
Thượng sỹ Etchberger là một người trong toán chuyên viên phụ trách trạm radar có tên là Lima 85 để hướng dẫn máy bay Mỹ oanh kích Hà Nội. Sứ mạng này phải giữ kín vì binh sỹ Mỹ không được hiện diện tại nước Lào, trên cương vị chính thức, là một quốc gia trung lập.
Thượng sỹ Richard (Dick) Etchberger, 35 tuổi, một chuyên viên về radar, chưa hề được huấn luyện tác chiến, đã hành sử theo bản năng tự vệ khi bị quân Bắc Việt tấn công. Sử dụng khẩu súng trường M-16 và máy truyền tin để gọi máy bay đến oanh kích, một thân một mình ông đã ngăn được bước tiến của địch quân cho đến khi máy bay trực thăng đến cứu vào lúc rạng đông.
Sau đó ông đã xông pha trước lằn đạn của địch quân cứu đồng đội đã bị thương, đưa họ vào lưới thả từ trực thăng xuống. Sau khi đưa được tất cả lên trực thăng và là người cuối cùng rút lui, ông đã trúng đạn của địch quân khi một viên bắn xuyên qua máy bay ghim vào ông.
Tại buổi lễ hôm thứ Ba trong tòa Bạch Ốc, Tổng thống Obama đã nói với ba người con trai của cố thượng sỹ:
”Ngày hôm nay, cuối cùng thì đất nước của các bạn đã công nhận và vinh danh đầy đủ hành động can trường của thân phụ các bạn. ”
Một trong ba người con của ông, cũng được đặt tên là Richard Etchberger, đáp lại:
”Chúng tôi biết cha tôi chính là người như vậy. Nếu còn sống, chắc ông sẽ có mặt nơi đây để nói rằng tôi chỉ đến đó làm nhiệm vụ được giao phó mà thôi. Tôi biết là ông rất khiêm tốn nhưng mãn nguyện về chuyện ông đã làm được. "
Mấy tháng sau khi Thượng sỹ Dick Etchberger hy sinh mạng sống, Không lực Hoa kỳ đã bí mật làm lễ truy điệu ông. Vợ ông, bà Catherine, biết rõ về sứ mạng của ông nhưng lúc đầu các con ông và những người khác thì không.
Cả hai chục năm sau, khi hồ sơ về sứ mạng của toán binh sỹ tại trạm Lima 85 được giải mật, các con ông và mọi người mới biết được rằng ông không tử trận tại Việt Nam mà ở bên nước Lào, và mới bắt đầu biết được tầm vóc của hành động oai hùng của ông.
Trong lời vinh danh, Tổng thống Obama đã nói:
”Ông đã sống đúng với tôn chỉ của Không quân: không bao giờ bỏ lại đồng đội, không bao giờ chùn bước, và không bao giờ không cố công làm tròn nhiệm vụ. ”
Theo hồ sơ Không quân, những người có mặt tại trạm Lima 85 lúc ấy đã tạm được giải ngũ và trên danh nghĩa, làm việc cho một công ty thầu cho bộ Quốc phòng, để giúp giữ kín sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ trên đất Lào.
Chỉ có 19 người Mỹ trên đỉnh núi, phía dưới là hàng ngàn Bắc quân cộng sản Việt Nam xâm nhập. Vào đêm 10 tháng Ba, họ đã tung ra một cuộc tấn công như mưa bằng trọng pháo vào trạm radar Lima 85. Sau khi xong ca làm việc tại trạm radar, Thượng sỹ Etchberger và 4 đồng đội đã lui xuống một nơi an toàn hơn ở một bên vách núi.
Nhưng bất chấp vách núi dựng đứng và những bãi mìn, 30 cán binh cộng sản Bắc Việt đã leo tới đỉnh núi trong đêm. Địch quân bắt đầu ném lựu đạn liên tục xuống vị trí của ông Etchberger giờ này sang giờ khác. Ông Etcheberger và đồng đội nhặt ném trả hoặc đá những quả lựu đạn gió xuống thung lũng phía dưới, nhưng vẫn cứ liên tiếp bị tấn công.
Khi đối phương bắt đầu tiến xuống, ông Etcheberger chống trả lại, và khi thấy nơi cố thủ sẽ bị tràn ngập, ông gọi không quân đến oanh kích, chỉ cách xa vị trí của ông chừng mấy mét, làm rung chuyển cả vách núi, để dọn đường cho một cuộc tiếp cứu. Đến sáng thì trực thăng Hoa Kỳ xuất hiện.
Khi chiếc trực thăng vần vũ và thả lưới cấp cứu, Thượng sỹ Etchberger đã đưa từng đồng đội một, bị thương nhưng còn sống, lên máy bay, và mỗi lần như vậy, lại đưa lưng ra trước lằn đạn của địch quân. Sau khi đồng đội cuối cùng được đưa lên trực thăng ông mới rút lui.
Nhưng khi trực thăng bắt đầu bay đi, hỏa lực của địch quân phía dưới tới tấp tấn công. Một viên đạn xuyên qua sàn trực thăng ghim trúng ông.
Trong số 19 người trên đỉnh núi đêm hôm ấy, chỉ có 7 người sống sót.
Tất cả những người trên trực thăng đã về đến nơi an toàn, trừ một mình ông đã tắt thở khi máy bay hạ cánh xuống một căn cứ gần nhất.
Hiện diện trong buổi lễ là ông John Daniel, một đồng đội đã được ông Etchberger cứu và đưa lên trực thăng.
Cho đến nay, ông Daniel vẫn cứ thắc mắc tại sao số phận lại run rủi một cách kỳ lạ như vậy, tại sao ông không chết mặc dù hai chân ông trúng đạn, mà lại là dồng đội Dick Etchberger của ông?
Trong ký ức cuối cùng về những gì mà ông Daniel nhớ vào ngày hôm ấy, trước khi ngất đi, là Dick Etchberger còn sống và đang giúp cột dây để trực thăng kéo ông lên. Đến khi tỉnh dậy tại căn cứ không quân Udorn ở Thái Lan, ông mới biết rằng bạn ông đã chết sau khi giúp cứu mạng cho ông.
Ông ở lại trong quân ngũ cho đến năm 1979, giải ngũ, buôn bán về hàng điện tử trong một thời gian rồi mở quán rượu và làm kế toán. Bây giờ thì ông hầu như đã nghỉ hưu, sống yên lành trong một căn nhà khang trang ở thị trấn nhỏ bang Colorado bên cạnh vợ. Các con ông đã trưởng thành và hai ông bà con cháu đầy đàn.
Nhưng lúc nào tâm trí ông cũng đè nặng với câu hỏi, tại sao ông lại sống sót? Tại sao viên đạn lại ghim trúng bạn ông, người cứu tử cho ông?
Và ký ức vẫn thường trở về với ông vào những giây phút cuối cùng khi bạn ông, Dick Etchberger, ở bên cạnh ông.
Ông nhớ là có nói với bạn ông rằng:” Dick, chúng ta sẽ không thoát khỏi đây đâu. ”Và bạn ông, Dick, trả lời rằng: ”tôi biết, hãy cầu nguyện lần cuối đi. Đó là tất cả những gì mà anh có thể làm.”
Và vào cái ngày ấy bên nước Lào, lời nguyện cầu của ông Daniel đã được Chúa chứng giám. Ngày nay, ông thường nguyện cầu làm sao có đủ khôn ngoan để có thể làm được những việc hữu ích cho đời hầu đền đáp ơn cứu tử, một món nợ mà ông không bao giờ có thể trả được.
Trong phòng khách của căn nhà ông hiện nay, có ảnh của một cháu nội theo nghiệp ông, binh nhất không quân hiện dịch, đặt bên cạnh một bức tranh vẽ ông nội của anh đang được trực thăng kéo lên trong lúc Thượng sỹ nhất Dick Etchberger chăm chú đứng nhìn.
Hôm thứ Ba vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã trao Huân chương Danh dự, huân chương cao quí nhất trong quân đội, cho thân nhân của một binh sỹ Mỹ đã hy sinh trong lúc thi hành công vụ vào năm 1968 thời chiến tranh Việt Nam, cố Thượng sỹ nhất Không quân Richard L. Etchberger. Lan Phương, trong Câu Chuyện Nước Mỹ tuần này, sẽ tường thuật lại hành động hy sinh anh dũng của ông qua câu chuyện, tưởng như từ một phim ảnh Hollywood, trích thuật từ báo chí Mỹ và những chi tiết do một đồng đội của ông thuật lại
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1