Đường dẫn truy cập

BPSOS ‘tin tưởng’ Mỹ thẳng thắn hơn với Việt Nam về nhân quyền


Ngoại trưởng Antony Blinken điều trần tại Hạ viện Mỹ hôm 10/3.
Ngoại trưởng Antony Blinken điều trần tại Hạ viện Mỹ hôm 10/3.

Một tổ chức của người Mỹ gốc Việt mới bày tỏ tin tưởng rằng Hoa Kỳ sẽ thẳng thắn hơn với Việt Nam về nhân quyền, sau khi chính quyền Biden tuyên bố đặt trọng tâm vào vấn đề được coi là “gai góc” trong mối quan hệ song phương.

Trong cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ hôm 10/3, Ngoại trưởng Antony Blinken nêu nhân quyền là một trong 10 vấn đề đối ngoại được thúc đẩy mạnh trong 50 ngày đầu tiên của chính quyền Biden.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc điều hành BPSOS, tổ chức vận động chính giới Hoa Kỳ về nhiều vấn đề liên quan tới Việt Nam, trong đó có dân chủ và nhân quyền, nói với VOA Việt Ngữ rằng ông tin là chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ sẽ đặt nhân quyền “ở mức ưu tiên cao hơn” so với thời kỳ nắm quyền của ông Donald Trump.

Ông Thắng nhận định thêm rằng chính quyền Biden “sẽ phối hợp chặt chẽ với các quốc gia đồng minh và các định chế nhân quyền của Liên Hợp Quốc để thúc đẩy nhân quyền và dân chủ”.

Theo nhà lãnh đạo tổ chức có tiếng nói trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, BPSOS “có kế hoạch để khai dụng tối đa yếu tố này nhằm tăng áp lực lên Việt Nam”.

Ông Thắng tiết lộ rằng trong 2 tháng qua, tổ chức của ông “đã có nhiều buổi họp để chia sẻ với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chương trình hành động của chúng tôi về các vấn đề nhân quyền”.

Phát biểu tại Hạ viện, ông Blinken đề cập tới việc Mỹ trở lại Hội đồng Nhân quyền với vai trò quan sát viên. Nhà ngoại giao này trước đó thông báo rằng Hoa Kỳ sẽ chạy đua giành lại một ghế tại cơ quan của Liên Hợp Quốc mà chính quyền Trump đã từ bỏ.

Ngoại trưởng Mỹ thời gian qua nhiều lần tuyên bố rằng chính quyền Biden “đặt nhân quyền làm trọng tâm chính sách đối ngoại” cũng như “giữ vững cam kết về nhân quyền, dân chủ và pháp quyền”.

Người đứng đầu tổ chức BPSOS nói với VOA Việt Ngữ rằng ông Blinken là người “thực sự quan tâm về nhân quyền” vì trước khi được bổ nhiệm lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ, ông từng là Phó Chủ Tịch Hội đồng Quản trị của tổ chức thúc đẩy nhân quyền Human Rights First mà BPSOS "đã hợp tác từ thời còn thuyền nhân Việt Nam".

Ông Thắng cho rằng Hoa Kỳ “sẽ thẳng thừng hơn khi nêu mối quan tâm về nhân quyền trong mọi cơ hội tiếp xúc với Việt Nam”, nhận định mà ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực châu Á của Human Rights Watch, trước đó cũng từng nói với VOA Việt Ngữ.

Giám đốc điều hành BPSOS cho biết ông “đã thấy có những chỉ dấu như vậy” trong hai tháng qua, khi được các viên chức đặc trách nhân quyền của Hoa Kỳ “yêu cầu cung cấp các thông tin và bản báo cáo về vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo để chuẩn bị cho các cuộc tiếp xúc với giới chức Việt Nam”.

Trong một báo cáo về Việt Nam mới nhất ra ngày 16/2, CRS, cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Mỹ, dẫn lời “nhiều nhà quan sát” nói rằng “trong vòng vài năm qua, việc đàn áp những người bất đồng chính kiến và người biểu tình đã trở nên tồi tệ hơn, và chính phủ đã tăng cường năng lực pháp lý và công nghệ để giám sát các hoạt động của công dân Việt Nam trên mạng xã hội”.

Việt Nam tới nay vẫn chưa lên tiếng về nhận định trên của CRS, nhưng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm 11/3 đã có phản ứng về báo cáo của Freedom House, trong đó tổ chức có trụ sở ở Mỹ nói rằng Việt Nam vẫn thuộc nhóm các quốc gia “không có quyền tự do”.

“Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, trong đó có các quyền tự do cơ bản được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản pháp luật liên quan”, bà Hằng nói.

“Trong những năm qua, Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và triển khai nhiều biện pháp cụ thể để đảm bảo tốt hơn quyền con người, quyền công dân, tích cực tham gia hợp tác quốc tế về quyền con người”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG