Biện pháp được gọi là “static kill” là một công tác bơm bùn vào giếng bị hư hại xuyên qua nắp chặn đã được đặt một cách hữu hiệu lên mặt giếng hồi tuần trước. Khối bùn này sẽ đè lên luồng dầu và từ từ hạ giảm áp suất để có thể bịt giếng lại từ phía trên.
Trong một cuộc điện đàm chung với các phóng viên, Phó chủ tịch BP Kent Wells đã giải thích thêm.
Ông Wells cho biết: “Về biện pháp “static kill,” chúng tôi sẽ bắt đầu bơm ở mức rất thấp và với áp suất chỉ cao hơn áp suất hiện thời một chút thôi. Sau khi chúng tôi đưa được một lượng bùn vào hố, với giả thiết là mọi chuyện diễn tiến theo đúng kế hoạch, thì áp suất ở miệng giếng bắt đầu giảm, và ta sẽ mau chóng nhận thấy các lợi ích.”
Điểm thuận lợi của phương án “static kill” là nó sẽ đẩy luồng dầu trở lại vào hồ chứa bên dưới đáy đại dương và sau đó hàn lại bằng ximăng. Tiến trình có hiệu ứng bịt các đường dẫn và các kẽ hở của thiết bị ngăn dầu đã không chận lại luồng dầu sau khi xảy ra vụ nổ trên dàn khoan hồi tháng tư. Biện pháp “static kill” cũng tương tự như biện pháp “top kill” đã mà BP đã thử hồi tháng 5 nhưng không đạt được hiệu quả. Các kỹ sư của công ty cho rằng một sự giảm thiểu áp suất của luồng dầu tạo thuận lợi cho phương án mới này.
Ông Kent Wells nói BP đang tiếp tục xúc tiến kế hoạch cắt ngang với ống dẫn của giếng dưới mặt đất vào tuần tới và một trong hai giếng khẩn cấp đang được đào hiện chỉ cách giao điểm đó vài mét ở độ sâu 4200 mét dưới đáy biển. Bùn và xi-măng cũng sẽ được dùng trong tiến trình này để hàn giếng bên dưới lòng biển. Ông Wells cho biết biện pháp song hành của phương án static kill và giếng khẩn sẽ bịt hẳn được giếng dầu trưóc giữa tháng 8, với giả thiết kế hoạch được các giới chức Hoa Kỳ chấp thuận. Nhưng theo ông, các kỹ sư của công ty đang xúc tiến rất chậm với nhiều sự thận trọng để tránh bất cứ hậu quả nào ngoài ý muốn.
Ông Wells nói BP đang tiếp tục thử nghiệm áp suất giếng mỗi ngày và đang sử dụng các cuộc thử nghiệm địa chất để bảo đảm không xẩy ra những vụ dò rỉ từ lòng biển.
Ông Wells nói: “Chúng tôi đang chờ đợi xem có nhìn thấy dấu hiệu nào của dầu và khí dò rỉ và ở thời điểm này, xem có dấu hiệu của tất cả các đường ống mà chúng tôi cho chạy và tất cả cuộc phân tích đã thực hiện, chúng tôi vẫn còn chờ xem các dấu hiệu bất thưòng cho thấy dầu và khí đốt dò ra từ giếng Macondo, nghĩa là chưa đạt được sự khả tín của giếng.”
Hồi cuối tuần, các khoa học gia theo dõi lòng biển gần giếng bị hư hại đã nhận thấy có sự dò rỉ trong một khu vực quanh đó 3 kilomet, nhưng giới chức phụ trách công tác của chính phủ về thảm hoạ này, cựu đô đốc tuần duyên Thad Allen nói rằng các vụ dò rỉ không gây ra hậu quả và có thể có liên hệ với một giếng bỏ trống trong cùng khu vực. Cũng có những vụ dò rỉ dầu tự nhiên từ đáy biển vùng Vịnh hoàn toàn không có liên quan gì đến hoạt động thăm dò và sản xuất dầu khí.
Ngay như nếu mọi việc diễn tiến theo đúng kế hoạch, và giếng được bịt vĩnh viễn vào một thời điểm nào đó trong tháng tới, thì công tác dọn sạch vẫn phải tiếp tục trong một thời gian tới đây. Các thiết bị vớt dầu đang được sử dụng trên các con tầu tại địa điểm dầu tràn trong cố gắng làm sạch dầu trên mặt nước, trong khi các toán công tác ở một vài khu vực duyên hải Lousiana, Mississippi và Alabama đang cố gắng làm sạch các bãi biển và các đầm lầy bị ô nhiễm. Thiệt hại về môi sinh do vụ tràn dầu gây ra có thể phải mất nhiều năm để khắc phục và các chuyên gia về môi trường nói rằng một số khu vực nhậy cảm có thể sẽ không bao giờ hồi phục được hoàn toàn.
Tin mới nhất cho hay một giới chức cấp cao của Hoa Kỳ cho biết ông đã ra lệnh cho công ty dầu khí BP gia hạn thêm 24 tiếng đồng hồ việc thử nghiệm nắp chặn trên một giếng dầu bị vỡ trong vùng Vịnh Mexico.
Công ty dầu khí BP đang cứu xét một phương án được gọi là “static kill” để bịt hẳn giếng Macondo bị hư hại trong vùng Vịnh Mexico, ngay trong lúc các kế họach đang được xúc tiến để hoàn tất một giếng khẩn cấp gần đó. Kế hoạch này sẽ phải được sự chấp thuận của các giới chức chính phủ Hoa Kỳ đang hợp tác chặt chẽ với các kỹ sư của BP tại hiện trường. Từ văn phòng đài VOA ở Houston, thông tín viên Greg Flakus ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.