Đường dẫn truy cập

4 năm 6 tháng tù cho Facebooker Bùi Hiếu Võ


Tư liệu: Dân mạng truy cập trang web của chính phủ. Việt Nam đã tăng cường kiểm duyệt các nội dung bị cho là “độc hại” trên các trang mạng xã hội. RTX20J3G
Tư liệu: Dân mạng truy cập trang web của chính phủ. Việt Nam đã tăng cường kiểm duyệt các nội dung bị cho là “độc hại” trên các trang mạng xã hội. RTX20J3G

Tòa án nhân dân thành phố HCM hôm 9/5 tuyên bản án 4 năm rưỡi tù giam cho một người sử dụng Facebook bị kết tội đăng các bài viết “có nội dung bịa đặt, xuyên tạc, tuyên truyền chống đảng, nhà nước.”

Ông Bùi Hiếu Võ, 56 tuổi, bị bắt khẩn cấp hồi tháng Ba năm ngoái ở quận Gò vấp, thành phố HCM. Trang tin điện tử của đảng bộ thành phố HCM cho biết khi bị bắt, nhà chức trách đã thu giữ 57 tài liệu lưu trữ trên Facebook “Hieu Bui” của ông, “có nội dung “tuyên truyền, xuyên tạc tình hình chính trị Việt Nam, chống Đảng, Nhà nước, công kích chế độ; kích động người dân khủng bố; gây hoang mang dư luận, phá hoại nền kinh tế Việt Nam.

Theo trang mạng này, ông Võ đã nhận tội và xin được nhà nước khoan hồng.

“Dùng Facebook là một phương tiện để phát biểu ý kiến thì đó là cái quyền tự do ngôn luận trong hiến pháp và những hiệp định về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam đã ký, thế nhưng trong những hiệp định về tự do ngôn luận thì luôn luôn là có những biệt lệ về an ninh quốc gia và trật tự công cộng...
Giáo sự Tạ Văn Tài, từng giảng dạy tại Trường Luật, Đại học Harvard

Giáo sư Tạ Văn Tài từng giảng dạy tại trường Luật, Đại học Harvard, nhận định chung về tự do ngôn luận và những biệt lệ đối với quyền tự do này khi xét xử một trường hợp cá biệt:

“Dùng Facebook là một phương tiện để phát biểu ý kiến thì đó là cái quyền tự do ngôn luận mà trong hiến pháp và trong những hiệp định về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam đã ký, thế nhưng mà trong những hiệp định về quyền tự do ngôn luận đó, cũng như trong luật pháp Việt Nam thì luôn luôn là có những biệt lệ về an ninh quốc gia và trật tự công cộng. Đó là những biệt lệ mà khi xét từng trường hợp, người ta phải coi xem người Facebooker đó viết trên FB của họ những bài đó có xâm phạm an ninh quốc gia hay trật tự công cộng một cách cụ thể hay không. Đấy là cái khung pháp luật để chiếu rọi vào việc xét từng trường hợp.”

Là thợ cơ khí, quê ở Hà Tĩnh, cư ngụ ở quận Gò Vấp, Sài Gòn, ông Võ bắt đầu đăng những bài viết có ý chỉ trích chính quyền từ tháng 9/2016, vì bức xúc về thảm họa môi trường cá chết hàng loạt bị quy lỗi cho công ty Formosa. Ông trở nên bất mãn vì cho rằng chính quyền đã bao che và không bồi thường thỏa đáng cho dân trong một vụ bồi thường đất đai ở tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu.

Giáo sư Tạ Văn Tài khuyến cáo chống việc lạm dụng các biệt lệ để khép một facebooker hay blogger về tội xâm phạm an ninh quốc gia.

“Nếu bài trên FB khuyến khích nhân dân nổi loạn trong một câu chuyện gì đó, thì đấy mới có thể nói là xâm phạm an ninh quốc gia. Nếu bài viết bàn về bồi thường, phản đối về những sự thiệt hại về kinh tế hay việc làm ăn của người dân như trong vụ cá chết thì tôi nghĩ rằng không có xâm phạm tới an ninh quốc gia, và nếu trừng phạt họ về việc phản đối đó thì đã giải thích một cách quá rộng rãi những biệt lệ về quyền tự do ngôn luận.”

Việt Nam đã tăng cường kiểm duyệt các nội dung bị cho là “độc hại” trên các trang mạng xã hội từ năm 2016 tới nay, từ khi phe bảo thủ củng cố được quyền lực ở trong nước, tình hình đã trở nên tệ hại hơn với nhiều bloggers và nhà hoạt động được thế giới biết tiếng, như Trần Huỳnh Duy Thức, blogger Mẹ Nấm, tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, và nhiều nhà hoạt động khác đã bị bắt bớ hoặc tuyên những bản án tù rất khắc nghiệt.

Hội Ân xá Quốc tế nói có ít nhất 97 tù nhân lương tâm đang bị giam cầm Việt Nam.

Ông Bùi Hiếu Võ không phải là một nhà hoạt động được nhiều người biết tiếng, nhưng tháng Ba năm ngoái, khi ông và blogger Phan Kim Khánh bị bắt, Tổ chức Bảo vệ các Ký giả (CPJ) đã kêu gọi chính phủ Việt Nam thả hai người “ngay lập tức và vô điều kiện” vì cho rằng hai facebooker/blogger này chỉ thực thi quyền tử do ngôn luận.

Giáo sư Tạ Văn Tài:

“Áp dụng luật lệ một cách quá rộng rãi về vấn đề an ninh quốc gia mà trừng phạt những facebookers đó thì nhiều cơ quan quốc tế như Tổ chức Human Rights Watch và Ủy ban Bảo vệ Nhà Báo vv.. họ đưa ra những nhận định thì những cơ quan này họ không có ác ý gì đối với Việt Nam mà phải đưa ra những phán đoán quá nghiêm khắc, họ nói đúng và tôi đồng ý với họ.”

Cùng ngày ông Bùi Hiếu Võ bị tuyên án tù, một facebooker khác là Nguyễn Duy Sơn, thường trú tại TP Sầm Sơn, bị khởi tố và bắt tạm giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự.

Nguyễn Duy Sơn bị cáo buộc là thu thập thông tin liên quan đến các vấn đề tham nhũng tiêu cực để xuyên tạc và nói xấu Đảng và nhà nước trên FB, nhằm hạ uy tín của các lãnh đạo Đảng, nhà nước và các quan chức ở địa phương.

Việt Nam luôn luôn bị xếp ở cuối bảng trong các phúc trình về quyền tự do ngôn luận hay tự do báo chí. Phúc trình của Tổ chức Ký giả Không Biên giới năm 2018 xếp hạng Việt Nam đứng thứ 175 trên 180 nước, đứng trước Eritrea, Triều Tiên và Syria.

VN tuyên án một Facebooker về tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:30 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG