Bồi thẩm đoàn tại thành phố Boston vùng đông bắc nước Mỹ sẽ quyết định kết án tử hình hay tù chung thân đối với Dzokar Tsarnaev sau khi xét thấy nghi can có tội trong cuộc tấn công khủng bố vào cuộc đua Marathon Boston năm 2013. Tsarnaev, 21 tuổi, bị bồi thẩm đoàn xét thấy có tội đối với tất cả 30 cáo trạng, gồm có tội sát nhân và sử dụng vũ khí giết người hàng loạt. Thông tín viên Zlatica Hoke có bài tường thuật về những gì sẽ xảy ra trong tiến trình này.
Một chuyên gia luật pháp tại Washington nói phán quyết có tội được loan báo hôm thứ Tư là phán quyết độc nhất có thể xảy ra trong vụ Tsarnaev vì bên biện hộ chưa bao giờ chống lại các cáo trạng này.
Giáo sư luật Stephen Saltzburg, thuộc trường đại học George Washington, nói: “Tất cả là để chuẩn bị cho giai đoạn hai- là giai đoạn để quyết định có nên tuyên án tử hình hay không.”
Tiểu bang Massachusetts không có án tử hình, nhưng trong một vụ xử của toà án liên bang như trường hợp này, thì án tử hình có thể được tuyên, và thậm chí là rất có thể sẽ được tuyên.
Giáo sư Saltzburg nói: “Nếu có một vụ án trong đó một nhóm người sẽ quyết định trường hợp này có đáng bị lãnh án tử hình hay không, thì vụ án này là một vụ án như vậy. Đây là một vụ tấn công cố ý và tìm cách giết được càng nhiều người càng tốt, gây thương tích cho càng nhiều người càng tốt, những người hoàn toàn vô tội, và khi cuộc săn lùng các kẻ đánh bom đang tiếp diễn thì những bị can này còn dự định đến New York để đánh bom một lần nữa.”
Nếu bị án tử hình, Tsarnaev có thể kháng cáo lên tòa trên, lên đến Tối cao Pháp viện, nhưng giáo sư Saltzburg nói có ít hy vọng là các kháng cáo sẽ thành công.
Giáo sư Saltzburg cho biết: “Dường như không có bất cứ yếu tố thông thường nào mà chúng ta có thể thấy được. Bị can dường như không nại ra lý do bị bệnh tâm thần hay không có năng lực, và không thể bị xử tử, hay bị can là một vị thành niên và không thể bị xử tử. Và do đó sẽ rất khó để lật ngược bản án tử hình nếu bản án này được tuyên.”
Bà Judy Clarke, trưởng toán luật sư biện hộ của Tsarnaev là một trong những luật sư chuyên về hình sự giỏi nhất của nước Mỹ. Bà đã thành công cứu khỏi án tử hình một vài người bị kết án về những tội phạm khủng khiếp, trong đó có “Unibomber” Ted Kaczynski và Eric Rudolp, “kẻ đánh bom Thế Vận Hội.”
Bà Clark sẽ yêu cầu tha tội chết cho Tsarnaev vì bị can này là một người trẻ tuổi, và ảnh hưởng của người anh đồng thời là tòng phạm. Nếu bà thành công, thân chủ của bà sẽ bị kết án tù chung thân không được ân giảm. Điều này có nghĩa là chỉ có lệnh ân xá của tổng thống mới có thể giảm án cho Tsarnaev.
Giáo sư Saltzburg nói: “Vì tính chất nghiêm trọng của tội phạm, Tsarnaev sẽ bị đưa vào một nhà tù an ninh tối đa - một trong những nhà tù mà tù nhân bị giam 23 giờ một ngày và chỉ có một giờ được ra khỏi phòng giam.”
Một số người Mỹ xem việc biệt giam này là tàn bạo và là một “sự trừng phạt không bình thường,” ngay cả đối với những tội phạm tệ hại nhất. Nhiều tù nhân bị điên vì bị giam như vậy.
Nạn nhân vụ đánh bom của anh em Tsarnaev muốn có công lý, tuy một số người không biết rõ như thế nào là có được công lý.
Bà Karen Brassar, nạn nhân vụ tấn công Marathon Boston, nói: “Tôi không biết công lý là gì. Nhưng tôi cảm kích đối với việc Tsarnaev không còn trên đường phố nữa. Tôi cảm kích đối với sự việc là mọi người ai nấy đều thấy là việc này là một việc không thể dung thứ. Đây không phải là cách chúng ta cư xử.”
Việc thảo luận về bản án có thể mất vài tháng hay nhiều hơn nữa. Luật sư biện hộ có thể đưa Tsarnaev ra làm nhân chứng, và nếu bị can chứng tỏ sự hối hận, thì điều đó có thể khiến cho bồi thẩm đoàn tha tội chết cho bị can. Tuy nhiên tất cả 12 người trong bồi thẩm đoàn phải cùng đồng ý về việc này.