Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions nhất mực bác bỏ bất cứ câu kết nào với Nga để làm thay đổi kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái. Điều trần trước một ủy ban của Thượng viện, ông Sessions bênh vực quyết định của Tổng thống Donald Trump sa thải giám đốc FBI James Comey, nhưng ông nhiều lần từ chối nói về bất cứ cuộc đối thoại nào có dính líu đến Tổng thống Trump.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ trong cuộc điền trần trước ủy ban của Thượng viện để làm sáng tỏ những bí ẩn bao trùm các cuộc gặp gỡ của ông với đại sứ Nga trong thời gian ông giữa vai trò là nhân vật cao cấp nhất ủng hộ ông Donald Trump tranh cử tổng thống, ông Sessions phản bác rằng ông không thừa nhận điều đó trong phiền điều trần chuẩn thuận cho chức vụ bộ trưởng tư pháp của ông:
“Tôi không gặp gỡ và cũng không nói chuyện với bất cứ người Nga nào hay bất cứ giới chức nước ngoài nào liên quan đến bất cứ hình thức can thiệp nào vào bất cứ cuộc vận động tranh cử nào hay cuộc bầu cử nào của Hoa Kỳ. Ngoài ra, tôi không thừa nhận có bất cứ cuộc nói chuyện nào như vậy của bất cứ ai liên quan đến chiến dịch tranh cử của ông Trump.”
Cựu thượng nghị sĩ Sessions cực lực phản bác bất cứ gợi ý nào cho rằng ông câu kết với Nga:
“Đó là một sự bịa đặt đáng khinh và kinh tởm…”
Bộ trưởng Sessions nói ông không muốn can dự vào cuộc điều tra về vụ Nga là để tuân thủ các quy định chứ không vì ông đã làm điều gì sai.
Ông Sessions điều trần trước Quốc hội chỉ vài ngày sau khi cựu Giám đốc FBI James Comey ám chỉ khó hiểu về những yếu tố phụ khiến cho việc ông Sessions tham gia vào cuộc điều tra Nga sẽ “có vấn đề.”
Thượng nghị sĩ Ron Wyden của Ðảng Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Thượng viện hỏi: "Những yếu tố đó là gì?”
Ông Sessions trả lời: “Chẳng có yếu tố nào hết. Tôi có thể khẳng định chắc chắn như vậy với quý vị.”
Ông Sessions nói rằng ông đồng tình với quyết định của Tổng thống Trump sa thải ông Comey để khởi sự một thay đổi mới cần thiết cho FBI. Khi bị hỏi dồn liệu cuộc điều tra Nga có phải là nguyên nhân khiến ông Comey bị cách chức, Bộ trưởng Sessions nói ông muốn chính Tổng thống Trump trả lời về chuyện đó.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Dianne Feinstein của Ủy ban Tình báo hỏi: “Như vậy là ông không trao đổi bằng lời nói với tổng thống về việc sa thải ông Comey chứ?"
Bộ trưởng Sessions: “Tôi không thể thảo luận, xác nhận hay phủ nhận với bà về tính chất của các cuộc nói chuyện riêng của tôi với tổng thống.”
Các nghị sĩ Dân chủ phản ứng bất bình. Thượng nghị sĩ Martin Heinrich nói: “Ông đang cản trở cuộc điều tra này.”
Ông Sessions nói rằng tổng thống có quyền giữ bí mật các cuộc nói chuyện của ông, nhưng ông thừa nhận là Tổng thống Trump chưa viện đến quyền đó.
Một số nghị sĩ Cộng hòa bênh vực cho ông Sessions. Một nghị sĩ ví cáo buộc câu kết với Nga nghe như là một tiểu thuyết trinh thám ở một xứ xa xôi nào đó.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton trong Ủy ban Tình báo nói:
“Quý vị có bao giờ, trong những tình huống quái dị này, nghe về một âm mưu thật là buồn cười là một thượng nghị sĩ Mỹ đương chức và một đại sứ của một chính phủ nước ngoài câu kết với nhau kéo cả hàng trăm người khác tham gia làm một chuyện dại dột nhất trong lịch sử gián điệp."
Các nghị sĩ Dân chủ không thấy thú vị gì trong cách ví von đó.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Murphy nói:
"Tôi không chắc là có sự câu kết giữa chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump với chính phủ Nga hay không, nhưng Thượng nghị sĩ Jeff Sessions của bang Alabama và đại sứ Nga là vấn đề chính hôm nay. Cuộc điều trần này hình như nẩy sinh nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời."
Truyền thông báo chí loan tin rằng Tổng thống Trump đã nổi giận về việc ông Sessions không tham gia cuộc điều tra Nga. Bộ trưởng Sessions không xác nhận mà cũng không phủ nhận thông tin đó.