Quốc hội Việt Nam sẽ bãi nhiệm Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể theo “nguyện vọng cá nhân” của người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải, một trong 5 bộ có quan chức bị bắt và khởi tố liên quan đến đại án chuyến bay “giải cứu” người Việt ở nước ngoài trong đại dịch.
Truyền thông nhà nước cho biết Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm chức bộ trưởng Giao thông Vận tải của ông Thể tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa 15 sắp tới.
Thông báo về việc này, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường được truyền thông trong nước trích lời nói hôm 17/10 rằng ông Thể sẽ được bãi nhiệm theo “nguyện vọng cá nhân và sự sắp xếp, phân công của cấp có thẩm quyền”.
Lý do về việc xin thôi chức bộ trưởng Giao thông Vận tải của ông Thể cho nhiệm kỳ 2021-2026 không được ông Cường cho biết.
“Theo nguyện vọng cá nhân, phân công của cấp có thẩm quyền, dự kiến tại kỳ họp thứ 4 này, Chính phủ sẽ trình miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng Giao thông Vận tải của ông Thể,” ông Cường được Thanh Niên trích lời nói tại buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp sắp tới của Quốc hội Việt Nam.
Theo ông Cường, đây là vấn đề đã được Hội nghị Trung ương 6 vừa qua kết luận và quyết định. Tổng thư ký Quốc hội còn cho rằng cơ quan có thẩm quyền sắp xếp về công tác nhân sự theo nguyện vọng cá nhân là “rất bình thường.”
“Công tác nhân sự của Đảng, Đảng quyết định bố trí nhân sự. Các cơ quan Quốc hội sẽ thực hiện đúng quy trình của pháp luật”, ông Cường nói.
Theo VietNamNet, ông Cường cho biết rằng từ đầu nhiệm kỳ đến nay cũng như khóa 14, ông Thể cùng lãnh đạo Bộ GTVT đã “triển khai tốt nhiệm vụ được giao”. Theo vị tổng thư ký Quốc hội, ông Thể, người nắm chức vụ bộ trưởng GTVT từ năm 2017, đã “xuất hiện trong các mặt trận, trả lời chất vấn cử tri rất trách nhiệm, sâu sát.”
Trong các cuộc chấn vấn tại Quốc hội trước đây, ông Thể thường xin lỗi và nhận trách nhiệm “trước Đảng và nhân dân khi để ngành đường sắt xảy ra nhiều yếu kém”. Hồi tháng 6 năm nay, ông Thể khẳng định tại một phiên họp của Quốc hội rằng “ngành giao thông hiện nay không ai dám làm sai … phải cân đong đo đếm để làm sao đúng quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, một quan chức của Bộ đang bị điều tra vì dính líu tới vụ án “đưa, nhận hối lộ” khi thực hiện các chuyến bay đưa người Việt Nam hồi hương trong thời gian đại dịch.
Hơn 20 người, gồm quan chức và nhân viên của 5 bộ, đã bị bắt giam và khởi tố trong vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự của Bội Ngoại giao đang được điều tra trong 9 tháng qua. Các bị can, trong đó có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, bị cáo buộc nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng và hàng trăm nghìn đô la Mỹ khi tổ chức các chuyến bay “giải cứu” theo chủ trương “nhân đạo” của Nhà nước Việt Nam.
Bộ GTVT, theo phân công của chính phủ, đã phối hợp với các bộ Ngoại giao, Công an, Y tế, Quốc phòng, để thực thực khoảng 2.000 chuyến bay đưa người Việt bị kẹt ở nước ngoài về nước trong thời gian đại dịch.
Việc các quan chức đứng ra nhận trách nhiệm hoặc xin từ chức trong các vụ việc được phát hiện là sai trái ít khi xảy ra tại Việt Nam. Trước đây, đã có nhiều quan chức và lãnh đạo liên quan đến các vụ scandal sau đó được thuyên chuyển công tác hoặc giao nhiệm vụ hay chức vụ mới.
Tại kỳ họp thứ 4, dự kiến diễn ra từ 20/10 đến 15/11, Quốc hội Việt Nam sẽ thực hiện quy trình bầu, phê chuẩn bổ nhiệm và miễn nhiệm một số bộ trưởng, trưởng ngành, gồm Tổng kiểm toán Nhà nước, bộ trưởng Y tế và bộ trưởng GTVT. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã bị bắt vì liên quan đến đại án thổi giá kit xét nghiệm COVID-19 xảy ra trong đại dịch gây rúng động công luận Việt Nam gần đây.
Diễn đàn