Đường dẫn truy cập

Bộ sử Việt Nam mới ‘tôn trọng quá khứ, vì lợi ích quốc gia’


Bộ sách sử mới của Việt Nam, do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam biên soạn, 8/2017
Bộ sách sử mới của Việt Nam, do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam biên soạn, 8/2017

Bộ sử mới của Việt Nam vừa chính thức ra mắt, được cho là chứa đựng thông tin “chân thực, khách quan” về Việt Nam Cộng hòa, cũng như cuộc chiến tranh với Trung Quốc nổ ra năm 1979. Một nhà sử học đánh giá bộ sử này “tôn trọng quá khứ, vì lợi ích quốc gia”.

Báo chí Việt Nam cho hay Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam hôm 18/8 đã phát hành rộng rãi trên thị trường bộ sách mang tên Lịch sử Việt Nam dày 10.000 trang, được coi là bộ sử đồ sộ nhất của đất nước từ trước đến nay.

Theo lời phó Giáo sư, tiến sĩ Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học, được báo chí dẫn lại, bộ sử nói về Việt Nam từ khởi thủy đến năm 2000. Điểm đáng chú ý của bộ sử là nó bổ sung những kết quả nghiên cứu mới nhất của các ngành khoa học xã hội và nhân văn, ông Hải cho biết.

Ông Hải nói các nhà nghiên cứu của bộ sách này “muốn phản ảnh chân thực nhất, khách quan nhất, đặc biệt là về chiến tranh biên giới phía bắc”, là cuộc chiến do Trung Quốc phát động đánh vào Việt Nam đầu năm 1979.

Trên báo chí Việt Nam, phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nhấn mạnh rằng bộ sử “nói kỹ hơn nhiều” về chiến tranh biên giới phía bắc và cuộc chiến bảo vệ biên giới phía tây nam trước quân Khmer Đỏ Campuchia. Ông Cường lưu ý rằng chỉ có 8 dòng nói về hai cuộc chiến này trong sách giáo khoa.

Vị chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử cho biết thêm cuốn sử nói rõ rằng cuộc chiến do Trung Quốc phát động là “chiến tranh xâm lược”. Bên cạnh đó, theo lời ông Cường, bộ sử cũng nói rõ là cuộc chiến đó “không gói gọn trong tháng 2/1979 mà còn kéo rất dài”, đến khoảng năm 1988 “mới thực sự có hòa bình ở biên giới phía bắc”, sau khi các cán bộ, chiến sĩ của Việt Nam “phải hy sinh rất nhiều xương máu”.

Vẫn theo PGS TS Cường, bộ lịch sử mới “bổ khuyết được nhiều vấn đề mà các công trình sử học trước đó chưa có điều kiện nghiên cứu”.

Tôi cho rằng việc làm này không phải là sự đảo lộn gì ghê gớm, mà vấn đề là nhận thức lại quá khứ trên cơ sở chính lợi ích của hiện tại ... Vì nó thể hiện trong bộ sử cho nên nó cũng là một cái thể hiện được quan điểm của người dân Việt Nam hiện đại đối với vấn đề quá khứ
Nhà sử học Dương Trung Quốc

Ông chỉ ra rằng các sách sử trước đây của chính quyền Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam dùng các từ “ngụy quân”, “ngụy quyền” để gọi Việt Nam Cộng hòa và quân đội của chính thể đó. “Nhưng bây giờ chúng ta viết là chính quyền Sài Gòn, quân đội Sài Gòn”, ông Cường nói.

Bản đồ diễn biến chiến sự ở Việt Nam Cộng hòa tính đến thời điểm 31/3/1975 (ảnh tư liệu)
Bản đồ diễn biến chiến sự ở Việt Nam Cộng hòa tính đến thời điểm 31/3/1975 (ảnh tư liệu)

Nhận xét về những thay đổi quan trọng này, nhà sử học Dương Trung Quốc, người cũng là một đại biểu quốc hội, đưa ra ý kiến với VOA:

“Tôi cho rằng việc làm này không phải là sự đảo lộn gì ghê gớm, mà vấn đề là nhận thức lại quá khứ trên cơ sở chính lợi ích của hiện tại. Tôi cho rằng việc viết như thế không chỉ là vấn đề ứng xử với quá khứ mà là ứng xử với chính hiện tại này. Tôi cho là như thế nó công bằng, có một sự tôn trọng nhất định. Nó thể hiện một thái độ không phải chỉ là cởi mở hay khoan dung, mà thực sự là một nhận thức hết sức thực tiễn. Tôi cho đây là việc làm mà vì nó thể hiện trong bộ sử cho nên nó cũng là một cái thể hiện được quan điểm của người dân Việt Nam hiện đại đối với vấn đề quá khứ”.

Một trong những cơ sở chủ quyền của chúng ta là cơ sở lịch sử, là tính liên tục trong quản lý nhà nước ... Mỗi thế hệ, mỗi triều đại, hoặc mỗi thể chế đều có sự đóng góp nhất định cho lịch sử chung của dân tộc.
Nhà sử học Dương Trung Quốc

Trong một bài viết được báo Tuổi Trẻ đăng hôm 20/8 với tít “Thừa nhận Việt Nam Cộng hòa là bước tiến quan trọng”, tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã bình luận rằng việc bộ sử Việt Nam mới thừa nhận chính thể tại miền nam Việt Nam trước 1975 là việc làm “có lợi trước nhất cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam” ở Biển Đông.

Ông Nhã nhắc lại sự thật lịch sử là nhiều nước trong đó có Trung Quốc và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Hiệp định Geneva 1954, theo đó công nhân Việt Nam Cộng hòa “là một thực thể chính trị” với “chính quyền hợp pháp” quản lý lãnh thổ kể cả biển phía nam vĩ tuyến 17 của Việt Nam khi chưa thống nhất đất nước.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh với VOA việc công nhận Việt Nam Cộng hòa là điều thiết yếu khi nói đến tính liên tục trong công cuộc khẳng định chủ quyền:

“Một trong những cơ sở chủ quyền của chúng ta là cơ sở lịch sử, là tính liên tục trong quản lý nhà nước. Từ thời các Chúa Nguyễn chúng ta có bằng chứng, thời Hoàng đế Gia Long chúng ta có bằng chứng, thì tất cả các giai đoạn lịch sử sau là sự nối tiếp kế tục của nhau. Cho nên phải có đủ tiếng nói mang tính chất đại diện của lợi ích quốc gia, chủ quyền dân tộc. Thì cái sự công nhận ấy nó cũng thể hiện sự tôn trọng những giá trị ấy. Mỗi thế hệ, mỗi triều đại, hoặc mỗi thể chế đều có sự đóng góp nhất định cho lịch sử chung của dân tộc”.

Thông tin rằng bộ sử mới viết khách quan về Việt Nam Cộng hòa đã đón nhận nhiều ý kiến tích cực trên báo chí Việt Nam và các diễn đàn mạng xã hội.

Bài báo hôm 20/8 của Tuổi Trẻ trích đăng ý kiến của nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc nhận định rằng nội dung bộ sử mới là “tiền đề cho thống nhất nhân tâm” và “cho hòa giải dân tộc”. Nhiều người tiếp đó bình luận rằng đây là việc làm “tuyệt vời” và “có thể là một dấu hiệu khởi sắc của dân tộc”.

Ông Dương Trung Quốc nhận xét:

“Tôi cho là hoàn toàn đúng những điều những người dân họ suy nghĩ. Lịch sử là tài sản chung của cả dân tộc và trao truyền qua nhiều thế hệ. Cho nên nó càng thể hiện tính khách quan, tính công bằng, trong đó có cả tính khoa học nữa, và cuối cùng cũng là tính chính trị của nó nữa, thì tôi cho là điều đó sẽ tự nhiên tạo ra cho nhận thức ấy có giá trị lâu bền và nó được sự thừa nhận của những người dân, đó là thước đo cao nhất của bộ sử”.

Lâu nay, sách báo dưới chế độ xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo ở Việt Nam vẫn dùng các thuật ngữ “ngụy quân, ngụy quyền” để nói đến quân đội và chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Hồi tháng 5/2016 và tháng 4/2015, các trang web của Báo Vĩnh Long và Đài Tiếng nói Việt Nam đăng cùng một bài của tác giả ký tên Trung Hiếu cáo buộc rằng chính quyền Việt Nam Cộng hòa là “bất hợp pháp”, và quân đội, cảnh sát của chính quyền này là “có gốc gác thực dân”.

Bài báo dùng những từ như “chính quyền phản động”, “chính thể phi pháp” hay “lực lượng phản dân hại nước”, “đang tâm làm tay sai” khi mô tả về thực thể chính trị tồn tại ở miền nam Việt Nam từ 1954 đến 1975.

Nhà sử học đồng thời là đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc nhận định với VOA rằng theo thời gian Việt Nam “sẽ còn có những thay đổi nhận thức khác cho thực sự đúng nghĩa hai chữ lịch sử”.

Bộ sử Việt mới ‘tôn trọng quá khứ, vì lợi ích quốc gia’
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:38 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG