Đường dẫn truy cập

Bồ Ðào Nha cố ngăn khủng hoảng chính trị


Thủ tướng Bồ Đào Nha Pedro Passos Coelho nói chuyện tại cuộc họp báo ở Berlin, Đức, 3/7/13
Thủ tướng Bồ Đào Nha Pedro Passos Coelho nói chuyện tại cuộc họp báo ở Berlin, Đức, 3/7/13
Các nhà lãnh đạo Bồ Ðào Nha đã cố gắng cứu vãn chính phủ liên hiệp hôm thứ năm sau khi hai thành viên nội các từ chức. Tình trạng hỗn mang chính trị ở Bồ Ðào Nha đã làm rúng động các thị trường, và các chuyên gia nói đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy cuộc khủng hoảng của khu vực sử dụng đồng Euro còn lâu mới chấm dứt.

Một người phát ngôn cho chính phủ Bồ Ðào Nha hôm thứ năm cho biết các cuộc đàm phán giữa thủ tướng và các đối tác trong liên minh đang diễn ra trong một “bầu không khí rất tích cực.” Không có chi tiết nào thêm.

Thủ tướng Pedro Passos Coelho đang họp với nhà lãnh đạo của đảng CDS-PP hữu khuynh để hàn gắn mối chia rẽ đã bùng ra sau khi bộ trưởng tài chính nước này và vị ngoại trưởng đã từ chức trong tuần này.

Các đơn từ chức tiếp theo sự bất mãn lan rộng vì các biện pháp kiệm ước khắt khe của Bồ Ðào Nha.

Ông Ramon Pacheco Pardo thuộc bộ phận Nghiên cứu Âu châu và Quốc tế tại trường Ðại học King’s ở London nói rằng đây là một sự thay đổi cho chính phủ Bồ Ðào Nha, mà cho đến nay dường như vẫn thống nhất trong cuộc vận động tiết kiệm.

Ông Pardo nói: “Ðây là một hành động trong chính sự Bồ Ðào Nha hướng tới sự kiện một số nguời khẳng định rõ rằng họ không đồng ý với các chính sách mà họ đang yêu cầu thực thi. Vì thế chúng tôi thấy rằng thỏa thuận rộng lớn hơn dường như đã hiện hữu trong số các chính đảng lớn ở Bồ Ðào Nha không thực sự hiện hữu.”

Theo ông, ở thời điểm này, chưa rõ điều gì sẽ xảy ra, nhưng nếu các cuộc đàm phán thất bại thì có thể có những cuộc bầu cử mới trong những tháng sắp tới.

Chính phủ đang cố gắng hoàn tất chương trình cứu nguy 102 tỷ đôla vào năm tới. Nhưng cuộc vận động tiết kiệm, là một điều kiện cho khoản cho vay của quốc tế, đã buộc nước này lún sâu thêm vào tình trạng suy thoái kinh tế tệ hại nhất từ thập niên 1970.

Ông Pardo nói quyết tâm của chính phủ theo đuổi chương trình kiệm ước có thể đang suy sụp.

Và nếu Bồ Ðào Nha bắt đầu chuyển ra khỏi chương trình kiệm ước, thì các quốc gia Âu châu khác có thể làm theo,

Ông Pardo nói: “Có rất nhiều phần chắc là các nước Âu châu khác, và chúng ta thấy sự kiện này rõ hơn ở Hy Lạp chẳng hạn, các chính trị gia có thể không sẵn sàng tiếp tục các biện pháp cắt giảm này.”

Các thị trường đã phản ứng nhanh chóng trước tình trạng bất ổn chính trị Bồ Ðào Nha. Tiền lời công trái 10 năm của Bồ Ðào Nha đã tăng vọt lên tới 8% hôm thứ tư, gần tới các mức đạt được 2 năm trước, khi Bồ Ðào Nha buộc phải xin cứu nguy.

Ông Christian Schweiger, một chuyên gia về châu Âu tại trường Ðại học Durham, nói rằng phản ứng của thị trường đáng lo ngại.

Ông Schweiger nói: “Ðiều này chứng tỏ rằng cuộc khủng hoảng Âu châu dứt khoát là chưa kết thúc.”

Và ông nói Bồ Ðào Nha không phải đứng một mình. Sự bất mãn của công chúng về chương trình kiệm ước lan rộng khắp châu Âu, ít nhất không phải vì các mức thất nghiệp tăng cao trong giới trẻ.

Ông nói các nước sử dụng đồng euro có thể chứng kiến tình trạng bất ổn gia tăng.

Ông Schweiger nói: “Nếu ta nhìn vào trường hợp đảo Chypre chẳng hạn, chúng ta đã không nghe nói gì về đảo Chypre trong mấy tuần qua, nhưng chúng ta không biết liệu một tình hình tương tự sẽ không nổi lên trong bối cảnh chúng ta đã thấy những cuộc biểu tình rất lớn chống lại các biện pháp kiệm ước mà đảo Chypre phải thực thi.”

Liên hiệp châu Âu và các kiểm toán viên Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ đến Bồ Đào Nha vào ngày 15 tháng 7 để duyệt lại tiến bộ của nước này về cải cách kinh tế. Các cải cách đó là một điều kiện tiên quyết để Bồ Đào Nha được hưởng phần sắp tới trong khoản cho vay quốc tế.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG