Đường dẫn truy cập

Bộ Công thương: Việt Nam chưa bị ảnh hưởng từ nạn thiếu điện ở Trung Quốc


Nhà máy điện than ở Thẩm Dương, Liêu Ninh, Trung Quốc.
Nhà máy điện than ở Thẩm Dương, Liêu Ninh, Trung Quốc.

Hôm 1/10, Việt Nam cho biết các công ty trong nước cho đến nay vẫn chưa phản ánh vấn đề gì liên quan việc thu mua nguyên liệu thô hoặc các nguyên liệu đầu vào khác trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng kéo dài ở nước láng giềng Trung Quốc, nơi cung cấp vật liệu và thiết bị cho lĩnh vực sản xuất đang bùng nổ của đất nước.

Hiện Trung Quốc đang phải vật lộn với tình trạng thiếu điện trong bối cảnh nguồn cung than thắt chặt, giá than tăng, tiêu chuẩn khí thải khắt khe hơn và nhu cầu sản xuất tăng mạnh.

“Trước lo ngại phía Trung Quốc đang thiếu điện và phải đóng cửa một số nhà máy sẽ ảnh hưởng đến tình hình nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất bởi đây là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta, Cục Công nghiệp khẳng định, việc nhập khẩu nguyên liệu phục vụ các ngành sản xuất của Việt Nam vẫn chưa bị ảnh hưởng”, Bộ Công Thương cho biết trong một thông cáo.

“Thời gian qua, Bộ Công Thương chưa ghi nhận phản ánh nào của doanh nghiệp về việc thiếu nguyên liệu đầu vào”, thông cáo của bộ cho biết thêm.

Công nhân nhà máy thép Hòa Phát ở tỉnh Hải Dương của Việt Nam.
Công nhân nhà máy thép Hòa Phát ở tỉnh Hải Dương của Việt Nam.

Truyền thông nhà nước dẫn lời ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, nói: “Về lâu dài, một số mặt hàng như mặt hàng thép xây dựng trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được, không lo ngại về vấn đề lệ thuộc nước ngoài. Với một số ngành khác, từ những biến động ngắn hạn như vừa qua của phía Trung Quốc, trong thời điểm này cũng chưa thể đánh giá ảnh hưởng lớn đến nguyên liệu đầu vào của Việt Nam”.

Tuy nhiên, bộ này cho biết nhu cầu đối với nguyên liệu nhập khẩu của các nhà sản xuất tại Việt Nam đã giảm mạnh sau các đợt giảm năng lực sản xuất, thậm chí đóng cửa vì thực hiện giãn cách phòng bệnh COVID-19 ở các tỉnh công nghiệp trọng điểm trong những tháng gần đây.

Theo Reuters, các vụ đóng cửa doanh nghiệp vì dịch bệnh cũng buộc các công ty kinh doanh có nhiều người lao động, bao gồm cả các nhà cung cấp cho các thương hiệu như Nike và Adidas, phải tạm ngừng hoạt động.

Bộ Công thương thừa nhận rằng Việt Nam đã đối mặt với việc thiếu nguyên liệu từ năm 2020, khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát lần đầu gây đứt gãy nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp như dệt may, da giày, các ngành công nghiệp nặng.

Theo Bloomberg, cuộc khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc có một phần nguyên nhân là nước này tự tạo ra trước áp lực từ mục tiêu giảm phát thải, khi Chủ tịch Tập Cận Bình muốn có một bầu trời trong xanh tại Thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh vào tháng 2/2022.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Theo dữ liệu của Hải quan Việt Nam, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2021 đã tăng 47% so với một năm trước đó, với giá trị lên đến 72 tỷ đôla.

VOA Express

XS
SM
MD
LG