Đường dẫn truy cập

Blogger Phạm Viết Đào ‘sẽ tự bào chữa’


Blogger Phạm Viết Đào (Ảnh: Danlambao)
Blogger Phạm Viết Đào (Ảnh: Danlambao)
Một luật sư không muốn nêu tên cho VOA Việt Ngữ biết như vậy tối 18/3 về phiên xử vào ngày mai đối với blogger Phạm Viết Đào theo Khoản 1, Điều 258 Bộ Luật Hình sự về tội ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân’.

Luật sư này cho biết ông đã được gia đình ông Đào mời đại diện cho ông, nhưng blogger này đã quyết định ‘tự bào chữa’. Luật sư này cho hay:

“Tòa án đã cấp giấy chứng nhận bào chữa cho tôi. Sau đó tôi có vào nói chuyện với anh Đào thì anh Đào tạm thời nhất trí với phương án như thế này. Anh Đào sẽ tự bào chữa tại phiên tòa sơ thẩm, và nếu ông thấy bản án không thỏa đáng đối với ông và ông không chấp nhận được thì ông sẽ nhờ luật sư ở phiên phúc thẩm”.

Tin cho hay, ông Đào sẽ bị đưa ra xét xử tại một tòa án ở Hà Nội.

Theo luật sư không muốn nêu tên trên, tình trạng sức khỏe và tinh thần của ông Đào hiện nay đều tốt và ông tự tin về khả năng tự bào chữa của mình. Luật sư này nói:

“Ông Đào đã từng là thanh tra của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thanh tra cả vấn đề truyền thông nên ông tự tin về những hiểu biết pháp luật của mình. Với khả năng của ông ấy, ông sẽ tự bào chữa tại phiên tòa và ông hy vọng vào một bản án thỏa đáng, ít nhất là trả tự do cho ông tại phiên tòa’.

Ông Đào từng là công chức nhà nước, và trước khi bị bắt, ông đã sử dụng blog để viết lên những suy nghĩ của mình về tình hình thế sự trong nước, trong đó có các bài viết về giới lãnh đạo Việt Nam.

Người bị coi là vi phạm Khoản 1 – Điều 258 Bộ Luật hình sự ‘bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm’.

Hôm 18/3, tổ chức thúc đẩy nhân quyền Human Rights Watch có trụ sở ở New York, Mỹ, đã kêu gọi Việt Nam hủy bỏ các tội danh đối với ông Đào và thả ông ‘ngay lập tức và vô điều kiện'.

Hồi đầu tháng này, Việt Nam đã kết án 2 năm tù giam đối với một blogger khác là Trương Duy Nhất, người bị bắt trước ông Đào 2 tuần, theo khoản 2 Điều 258 Bộ Luật Hình sự.

Sau vụ xét xử này, chính phủ Hoa Kỳ đã ‘bày tỏ quan ngại sâu sắc’ đồng thời kêu gọi Việt Nam ‘trả tự do cho Trương Duy Nhất và các tù nhân lương tâm, đồng thời cho phép người Việt bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa’.

Hà Nội từng nhiều lần nói rằng Việt Nam không có tù nhân lương tâm mà chỉ giam giữ người vi phạm pháp luật.

VOA Express

XS
SM
MD
LG